Thương mình đúng cách là đã biết thương người; còn thương người không đúng cách thì thực chất là ta đang thương yêu chiều chuộng bản thân mình.
Vì thiếu ý thức nuôi dưỡng tình thương cho nhau
Thuở ban đầu, ta thường rất quan tâm đến người mình thương yêu. Quan tâm đến độ lúc nào ta cũng nhắc đến tên người ấy, kể về người ấy, khiến ai cũng nhận ra là trái tim ta đang thuộc về người ấy. Đó là giai đoạn khao khát yêu thương và khao khát được thương yêu.
Nhưng khi sống chung với nhau một thời gian, nhất là đã cưới nhau được vài năm, thì trong ta lại phát sinh ra những nhu cầu lớn lao khác. Ta muốn hướng tới sự nghiệp hay làm một việc gì đó ý nghĩa hơn là việc chinh phục và phục vụ cho một người. Thế là ta lao như điên vào công việc mà mình ưa thích, suốt ngày chỉ nghĩ đến công việc và chỉ biết có công việc, dần xem nhẹ việc thương yêu.
Thật ra ta dồn hết năng lượng cho công việc thì cũng chỉ vì tương lai và hạnh phúc của đôi bên đó thôi. Có lúc chú trọng cái này và có lúc phải chú trọng cái khác, chứ ta có xem nhẹ cái gì đâu. Nghĩ thế, nên ta cho phép mình thường xuyên vắng mặt các bữa cơm gia đình, thường xuyên đi làm về lúc nửa đêm, thường xuyên lo lắng căng thẳng khi ở bên cạnh người thương, thường xuyên không đủ kiên nhẫn để lắng nghe và chia sẻ những khó khăn của nhau, thường xuyên buông lời than phiền hay cáu gắt nhau…
Đúng là ta có nghĩ đến người ấy, có quan tâm người ấy, nhưng sự thật bên trong còn nhiều lớp nữa mà ta chưa nhận ra. Đó có thể là nhu cầu thương yêu và được thương yêu đã bão hòa, bản ngã của ta chuyển qua nhu cầu được thể hiện, chứng tỏ. Quả thật ở sở làm thì ta tha hồ thể hiện tài năng, làm những gì thuộc về sở trường của mình, trong khi ở nhà thì ta thường trở nên vụng về, yếu kém. Ở sở làm thì ta luôn nhận được những cảm giác dễ chịu từ sự chú ý hay mến mộ của đồng nghiệp và khách hàng, còn ở nhà thì ta luôn bị kiểm soát, đòi hỏi, chê trách, có cảm giác như mình đã quá cũ trong mắt người ấy.
Khi ta thích đi làm hơn là thích ở nhà, thích nói chuyện với nhân viên hay khách hàng hơn là thích nói chuyện với người thương yêu, thích làm những gì mình muốn làm hơn là chiều theo ý người khác… tức là ta đang vì bản thân mình nhiều hơn. Bởi nếu thật sự vì người ta thương thì ta đã không để cho họ vùng vẫy trong nỗi khổ triền miên mà ta không nhận ra, hoặc tuy có nhận ra nhưng lại không hết lòng tìm cách cứu giúp, hoặc tuy có cứu giúp nhưng lại không đủ kiên nhẫn và chịu đựng.
Nhiều khi ta còn tưởng mình có tới hai ba trăm năm để sống, nên vẫn chưa quyết tâm mạnh mẽ để rứt mình ra khỏi công việc mà trở về hết lòng nuôi dưỡng các mối liên hệ tình cảm – những thứ mà ta luôn cho là quan trọng nhất của đời mình. Và nhiều khi ta nghĩ người ấy sẽ còn mãi đó cho ta nên việc chia sẻ hay nâng đỡ họ vẫn còn nằm trong danh sách “từ từ rồi tính”.
Ngày mai, nếu vì một lý do hay biến cố nào đó mà người ấy không còn ở bên ta nữa thì ta sẽ như thế nào? Mọi nỗ lực của ta cuối cùng là để thỏa mãn cho ta hay thực sự là vì nhau? Nếu vì nhau thì sao không phải là bây giờ, sao không cho nhau cảm giác là ta đang sống cho nhau?
Vì ta đã đuối sức để thương yêu
Dù rằng không ai muốn người thương của mình phải khổ, bởi vì khi người ấy khổ thì mình cũng sẽ khổ. Thế nhưng, hầu hết những nỗi khổ của người ta thương lại do chính ta gây ra.
Vì không có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về cuộc sống nên ta thường hay lo lắng quá mức cho tương lai. Ta sợ bấy nhiêu tài sản mình đang có sẽ không đủ để tạo dựng một tương lai bền chắc, không đuổi theo kịp bước tiến của xã hội, không thể ngẩng cao đầu nhìn bạn bè xung quanh, không thể cho con mình những điều kiện tối ưu nhất… Thế là ta ra sức vắt kiệt năng lượng nhau. Ta muốn người thương của ta phải làm việc nhiều hơn, phải tranh đấu nhiều hơn, phải hy sinh bản thân nhiều hơn, và thậm chí phải đánh mất bản thân nhiều hơn nữa để đem về cho ta cái cảm giác an toàn, nhất là khi nghĩ về tương lai.
Ngày trước ta đâu có như vậy. Trước đây làm cái gì ta cũng nghĩ cho người ta thương. Ta luôn quan tâm đến cảm giác, khả năng và khó khăn của họ. Ta luôn muốn người thương của ta khi sống với ta phải luôn có cảm giác thoải mái, an vui, và hạnh phúc. Ta còn muốn nâng đỡ cuộc đời người ấy, muốn giúp cho những ước mơ của người ấy được chấp cánh bay cao. Thế nhưng, sức mạnh ấy giờ không còn nữa. Ta đã sống kiểu nào mà để bây giờ ta không còn nghĩ được những điều tốt đẹp ấy nữa. Thay vào đó là hàng loạt danh mục đòi hỏi. Nếu người ấy không đáp ứng thì ta nghĩ là họ đã thay đổi hay muốn chống lại ta.
Ta cũng không còn đủ sức để đừng làm tổn thương nhau. Bao nhiêu năng lượng ta đã dồn hết cho công việc cho khách hàng, nên khi về tới nhà là ta đã kiệt sức. Khổ nỗi, chính người thương của ta cũng vậy, cũng là nạn nhân của cuộc mưu sinh khốc liệt. Để rồi ta và người ấy không ai còn đủ sức để giữ được hình ảnh đẹp trong mắt nhau, cả hai tự cho mình cái quyền vung vãi không biết bao nhiêu là năng lượng độc hại lên nhau từ những cơn tức giận, hờn ghen. Mỗi ngày ta cảm thấy sự bất mãn về nhau ngày một lớn dần vì có quá nhiều thứ không hợp và không thể chấp nhận được. Điều tệ hại là ta đồng nhất với cảm nhận nhất thời ấy và ta tin đó là thật. Vì vậy mà mỗi ngày ta càng cố gắng tránh né nhau.
Nhiều lần ta cũng tự hỏi liên hệ giữa ta và người ấy là liên hệ gì đây, có còn thương nhau nữa không? Nếu còn thương nhau thì cớ sao cứ mãi làm khổ nhau, thậm chí thấy người kia khổ thì ta mới hả dạ.
Nhìn sâu, ta thấy ta và người ấy vẫn còn thương yêu nhau, vẫn còn quý trọng cuộc đời nhau, thế nhưng có một thứ gì đó lớn lắm đang trở ngăn và khiến cho khoảng cách đôi bên ngày một lớn rộng. Cuối cùng, ta cũng nhận ra đó chính là cái tôi quá lớn của mỗi người. Cả hai còn vì cái tôi của bản thân nhiều quá, còn nhiều ích kỷ quá, còn cưng chiều bản thân quá, còn háo thắng và ngông cuồng quá, nên dù có yêu thương nhau nhưng tình thương ấy vẫn chưa đủ lớn để lấn át cái tôi. Vị kỷ vẫn đang thắng vị tha.
Do đó, muốn đem lại hạnh phúc cho nhau trong khi yêu thương nhau, ta phải học cách làm chủ bản thân mình trước đã. Phải có khả năng quản lý những năng lượng tiêu cực, những thói quen không dễ thương của mình. Mỗi người phải tự chịu trách nhiệm cho bản thân, và người đồng hành kia chỉ đóng vai trò thứ yếu – vai trò yểm trợ mỗi khi ta rơi vào tình trạng khó khăn mà thôi. Ngoài ra, ta còn phải sắp xếp đời sống sao cho quân bình và tỉnh thức. Nhờ đó mà ta luôn nhận ra tình trạng của ta và người ta thương, để ta kịp thời tìm ra giải pháp cứu chữa. Có thể nói, thương mình đúng cách là đã biết thương người; còn thương người không đúng cách thì thực chất là ta đang thương yêu chiều chuộng bản thân mình.
Nếu thực sự thương nhau thì xin đừng làm khổ nhau!
Thiền sư Minh Niệm (Phụ Nữ Ngày Nay)