Khi ngồi bên cạnh ai nào đó mà ta cảm thấy khỏe, nhẹ, yên bình thì tức là người đó đã mang đến cho ta năng lượng an lành. Đó là một món quà quý giá đích thực mà có lẽ ai cũng cần.
Hiến tặng gì cho nhau?
Khi thương yêu nhau, ta luôn cố gắng làm cái gì đó cho nhau.
Ta cố gắng kiếm thật nhiều tiền để mang lại những tiện nghi vật chất tốt nhất có thể cho người ta thương. Ta không ngừng phấn đấu để được thăng quan tiến chức, có được một vị trí cao trong xã hội, để người thương ta luôn được nở mặt nở mày với bạn bè và người thân.
Rồi ta ôm đồm cả núi công việc, cứ làm quần quật, đầu tắt mặt tối. Rồi ta cạn kiệt năng lượng, trở nên vội vàng hấp tấp, căng thẳng mệt mỏi, quên trước quên sau. Rồi ta không còn sức kiểm soát cảm xúc, dễ dàng buông ra những câu nói hay hành động gây nát lòng chính người thương yêu của mình. Nhưng rồi ta cũng tự trấn an rằng ta làm tất cả cũng vì họ đấy thôi.
Ta nhân danh tình thương, nhân danh lợi ích chung, mà ta cho mình có cái quyền phun ra “nộc độc” mỗi khi bạn bè và người thân làm điều gì đó trái ý, phật lòng. Đối với người ngoài ta còn cố gắng kiềm chế; còn đối với những người trong gia đình thì ta hay khinh lờn, mặc định rằng họ phải luôn cảm thông và chịu đựng ta, nên tha hồ vung vãi không biết bao nhiêu rác rến lên họ mỗi ngày.
Có bao giờ ta thực sự quan tâm người thương yêu của ta đang cần điều gì nơi ta không? Những thứ mà ta đang cố gắng xây đắp hay mang về cho họ thì họ có thực sự cần hay không? Những thứ mà ta đánh đổi bằng mọi giá để có được là những thứ mà người thương yêu của ta đang rất cần, hay chính ta mới cần? Ta đang làm tất cả là vì ai, vì người thương yêu của ta hay vì chính bản ngã háo thắng của ta?
Đành rằng những tiện nghi vật chất hay danh dự ấy cũng cần, nhưng đó không phải là tất cả. Thậm chí, nhìn kỹ, thì đó cũng chỉ là phương tiện, là thứ hỗ trợ, chứ không phải là lý do chính để ta sống. Vì có biết bao người sống rất an vui và hạnh phúc mà đâu có cần bao nhiêu thứ tiện nghi ấy. Thế nhưng, ta đã sa đà và lún sâu vào chính cái phương tiện mưu sinh và biến nó trở thành mục đích chính của đời sống. Và rồi ta chẳng biết gì hơn ngoài việc kiếm tiền, chinh phục đỉnh vinh quang.
Mỗi ngày ta có mặt bên người ta thương như một cái bóng ma, chợt ẩn chợt hiện. Ta thậm chí còn không ý thức rằng ta đang ngồi đây với ai, đang ăn món gì, đang lắng nghe câu chuyện gì, thì sao ta có thể nhận biết được những gì đang xảy ra trong tâm hồn người thương yêu mà chia sớt và nâng đỡ. Gia đình dần dà chỉ còn là nơi trú ẩn tạm thời để cho ta thực hiện những hoài bão, những mục đích cao cả.
Ta đâu biết rằng, người thương yêu của ta, những người mà ta nghĩ ta đang làm tất cả chỉ vì họ, đang héo mòn từng ngày và dần xa lánh ta. Họ không dám đến gần ta, vì mỗi lần như vậy họ cảm thấy bất an và mất mát. Họ thương ta, trân quý những cố gắng và hy sinh của ta, nhưng cái họ cần thì ta lại không có.
Ta có tài làm ra nhiều tiền, tạo ra những tác phẩm nổi tiếng, khiến nhiều người bên ngoài nể phục, nhưng ta có tài thương yêu không? Thương yêu làm sao mà người được ta thương yêu phải cảm thấy hạnh phúc thì đó mới đích thực là tình thương yêu. Chứ thương yêu theo kiểu bản năng, chỉ làm theo cách của mình, biết tới đâu làm tới đó, mà không chịu học hỏi và sửa đổi để nuôi dưỡng cho nhau, thì ai làm không được!
Món quá quý giá nhất
Khoa học ở đầu thế kỷ 20 đã xác quyết rằng mọi sự mọi vật trong trời đất này luôn chịu sự tác động qua lại với nhau, tương tức: A có ảnh hưởng đến B và B cũng có ảnh hưởng đến A; trong A có chứa B và trong B cũng có chứa A, dù A và B cách xa nhau vạn dặm. Thực ra, tổ tiên ta cũng đã có cái thấy này nên mới nói rằng: “Mình với ta tuy hai mà một”. Những gì xảy ra cho ta thì cũng đồng thời xảy ra cho người thương yêu của ta, và ngược lại. Thế nên, ta có thể sống cho người thương yêu của ta ngay trong giây phút này, bây giờ, chứ không phải là vấn đề của ngày mai, đợi tới khi làm xong một việc gì đó to tát hay ý nghĩa.
Trong bài hát nổi tiếng thế giới What a wonderful world có câu: “I see trees of green, red roses too/ I see them bloom for me and you” (Tôi ngắm những hàng cây xanh ngát, những đóa hoa hồng đang nở, là tôi ngắm cho tôi và cả cho em nữa). Tại sao chỉ một mình ta ở đó ngắm đóa hoa đang nở mà lại ngắm cho cả người ta thương yêu? Vì khi ta thực sự ngắm hoa, có mặt đích thực trong giờ phút hiện tại, không lo nghĩ về quá khứ hay tương lai, thì chắc chắn trong ta sẽ chế tác ra năng lượng an lành. Đứng về mặt cạn, khi ta gặp lại người thương yêu của ta, hoặc chỉ cần gọi điện thoại hay nhớ nghĩ tới là họ đã nhận được năng lượng ấy của ta rồi. Huống gì người thương yêu của ta còn ở trong chính ta nữa, trong từng tế bào và hơi thở. Nên khi ta thảnh thơi, an ổn, thì người thương yêu ta cũng được thừa hưởng.
Khi ngồi bên cạnh ai nào đó mà ta cảm thấy khỏe, nhẹ, yên bình thì tức là người đó đã mang đến cho ta năng lượng an lành. Đó là một món quà quý giá đích thực mà có lẽ ai cũng cần. Người thương yêu ta đang rất cần điều ấy nơi ta, ta có biết không? Dù họ đang bị tác động bởi tâm thức cộng đồng, chạy theo vật chất hay quyền lực, thì trong sâu thẳm họ vẫn đang rất cần được nuôi dưỡng bởi năng lượng an lành. Mà năng lượng an lành thì có thể tự tạo, nhưng phần lớn phải nhờ sự kích động, khơi dậy và nuôi dưỡng từ một nguồn năng lượng an lành bên ngoài. Người thương yêu của ta nếu đủ sức tự chế tác năng lượng an lành thì chắc họ đã không khô héo hay khổ đau như vậy. Ta không giúp họ thì ai sẽ giúp bây giờ?
Trước giờ cứ nghĩ là mình phải làm thật nhiều thứ cho người ấy thì mới là thương yêu thật lòng. Không ngờ rằng, đôi khi ta chỉ cần ngồi yên xuống, không phải làm gì cả, chỉ cần đừng xao lao, đừng lo lắng, đừng kêu ca, đừng giận hờn, đừng nghi ngờ, đừng phán xét… là ta đã đem tới rất nhiều giá trị tuyệt vời cho nhau rồi. Hãy hỏi lại xem có phải người thương yêu của ta đang cần như vậy không? Mà, chỉ cần nhìn vào tình trạng của bản thân thì ta cũng đủ biết rồi. Năng lượng an lành thì ai cũng cần hết.
Vậy ta có nên lập ra cho mình hẳn một “dự án nuôi dưỡng năng lượng an lành” không? Phải có quyết tâm và chính sách đầu tư rõ ràng thì mới có thể gặt hái kết quả. Bởi năng lượng an lành chỉ đến từ sự đào luyện của bản thân, bớt hướng ra bên ngoài tranh đấu, bớt ham muốn và đòi hỏi, chứ không phải muốn là có ngay được. Và trong khi sắm sửa món quà quý giá này cho người ta thương yêu thì chính ta là kẻ được thừa hưởng trước tiên. Không ai có thể làm cho người khác an vui khi chính họ không an vui.
Hãy nghe lời cụ Nguyễn Du dạy: “Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm” (Kiều) mà sớm quay về nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình, làm tươi mới bản thân, trước khi thực hiện những hoài bão, những việc lớn lao.
——————————————————–
Thiền sư Minh Niệm là tác giả cuốn sách Hiểu về trái tim. Từ năm 2009 đến nay, thiền sư hướng dẫn thiền và tâm lý trị liệu tại Washington, Mỹ và Việt Nam.
Làm mới tâm hồn là làm mới cái nhìn về cuộc sống và cả thái độ sống – câu nói của thiền sư Minh Niệm cũng là ý tưởng chủ đạo của loạt bài Chăm sóc vườn Tâm mà Phụ Nữ Ngày Nay hân hạnh khởi đăng. Mời các bạn cùng chia sẻ.
Theo Thiền sư Minh Niệm