Làm từ thiện – chỉ TÂM thôi chưa đủ

Rất dễ để chúng ta rút một món tiền, dù đôi khi là không hề nhỏ, để làm từ thiện. “Cho đi để cái tâm mình thanh thản mà” – nhiều người lý giải. Thế nhưng, những thông tin về “hệ lụy” của nhiều chương trình từ thiện lại khiến nhiều người bận tâm, buồn lòng hơn về cái sự “cho đi” này. Tại sao vậy?

Chỉ cho cá…

Chuyện 1: Chuyện một người

Một cậu bé bị đánh đập dã man. Nhiều người thương tình quyên tiền để cậu chữa bệnh và tiếp tục cuộc sống. Vì hoàn cảnh của cậu quá thương tâm nên số tiền từ thiện thu được rất lớn. Có tiền rồi, gia đình cậu xây nhà, dựng cửa, tiêu tiền như nước. Thậm chí lúc nóng lên còn đuổi cả cha mẹ ra khỏi nhà vì “đây là nhà của tôi, tiền người ta cho tôi”.

Chuyện 2: Chuyện một tổ chức

Cô gái đó xuất thân trong hoàn cảnh vô cùng bi đát. Sau gặp vận đổi đời, cô lập nên một trung tâm từ thiện chuyên giúp trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Trung tâm của cô nhận được sự quan tâm của rất nhiều người, nhiều tổ chức khác nhau. Thậm chí, được nhận bằng khen của rất nhiều cơ quan quản lý.

Bỗng một ngày, người ta khui ra rằng trung tâm này bóc lột sức lao động của trẻ em để trục lợi. Chưa kể, trong trung tâm này còn có cả tình trạng bạo hành trẻ em.

armut-frau-haende

Chuyện 3: Chuyện một cộng đồng

Một phóng viên mảng xã hội thường được có cơ hội “tháp tùng” các doanh nghiệp lớn trong các chuyến từ thiện “xóa nghèo”, về tận đến những miền sâu, miền xa, giúp đỡ bà con dân tộc nghèo khó. Không chuyến nào chị không thấy nhói lòng khi chứng kiến cuộc sống quá ư là vất vả của bà con. Nhưng chị bảo, thực sự còn thấy “đắng lòng” hơn khi có dịp quay lại, chị chứng kiến cảnh bà con – những người vốn chịu thương, chịu khó, ham làm lụng, nay lại trở nên “lười biếng”, chỉ trông chờ vào những chuyến hàng cứu trợ và họ sợ nhất là “thoát nghèo” vì sẽ không được cứu trợ nữa.

Nghe những chuyện này, nhiều người chặc lưỡi bảo “quen, quen”. Là vì, những thông tin dạng thế này cũng không phải là quá hiếm. Mỗi lúc xảy ra các sự việc không hay với các trung tâm từ thiện hay các hoàn cảnh vốn trước đó rất khó khăn, dư luận thường dậy sóng theo chiều ngược lại: trách móc, giận dữ, mắng kẻ được nhận tiền của từ những nhà hảo tâm sao lại nỡ phụ lòng người tốt. Mà ít người tự vấn rằng mình làm từ thiện vậy đã đúng chưa, thực sự cho người ta cái “cần câu” để thoát khỏi cái khó khăn hiện tại, hướng tới cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn. Hay đơn giản là chỉ đang trao cho người ta “con cá” ăn tạm qua bữa, mai lại ngửa tay xin tiếp. Thậm chí, xin riết thành quen lại biến người ta thành ăn xin?

Nhiều khi, chính lòng tốt, sự hảo tâm của mọi người làm cho đối tượng được thụ hưởng sự giúp đỡ có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thậm chí là tiếp tay cho cái ác.

Nhưng thế nào là “cần câu”, thế nào là “con cá” và thế nào để không bỏ tâm làm từ thiện rồi lại phải bận tâm vì làm từ thiện sai chỗ, sai cách? Câu hỏi này đang khiến không ít “mạnh thường quân” lẫn các “nhà hảo tâm” phải trăn trở…

remote-site-solutions-bg_ngo-sector

Đến cả giúp cần…

Chuyện 1: Một doanh nghiệp

Doanh nhân ấy chia sẻ rằng công ty anh 10 năm nay chỉ làm một dự án, tại một điểm ở vùng rừng Trường Sơn, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Ngôi làng ở sâu trong rừng này có chừng 40 chục nóc nhà, toàn bà con dân tộc Vân Kiều. Năm đầu tiên họ hỗ trợ lương thực. Năm thứ 2 hỗ trợ chăn màn, đồ dùng gia đình. Năm thứ 3 hỗ trợ xây trường học. Năm thứ 4 hỗ trợ xây trạm cấp nước. Và từ năm thứ 5, hỗ trợ con giống – cây giống để bà con làm ăn. “Năm nào, Tết đến, anh em trong công ty lại lên rừng bổ lợn ăn Tết với bà con, chứng kiến cảnh đời sống của bà con được cải thiện, chúng tôi rất vui”, anh giám đốc chia sẻ.

doações stop hunger 2015(1)

Chuyện 2: Một nhóm thiện nguyện

Lên công tác vùng cao Tây Bắc, ông tiến sĩ và những người bạn chứng kiến cảnh trẻ em chỉ được ăn cơm trắng với muối và canh rau lỏng bỏng. Không đành lòng, họ rủ nhau quyên tiền để gửi lên mua thêm thức ăn cho các cháu. Sau khi câu chuyện được đăng lên blog, càng nhiều người biết và tôn trọng uy tín cá nhân ông, đã sẵn sàng quyên tiền để “chung tay” cải thiện bữa ăn của học sinh miền núi. Sau bữa ăn là cải thiện tới đồ dùng học tập, tới cơ sở vật chất của các điểm trường – những nơi mà họ đến – nhìn thấy – chia sẻ – và quay lại…

dung-tien-the-nao-de-mua-hanh-phuc-02657b42

Chuyện 3: Một cá nhân

Chị phụ nữ trạc tứ tuần ấy có gia đình êm ấm với hai đứa con xinh xắn, học hành giỏi giang. Vậy nhưng, thứ Bảy hàng tuần chị đều tới thăm nuôi một em bé mồ côi có hoàn cảnh khó khăn đang sống cùng bà ngoại. Chị bảo: “Những em bé có bệnh tật hiểm nghèo cũng cần giúp nhưng sức mình không giúp được. Mình chỉ có thể quan tâm đến một em, nhìn em ấy lớn lên từng ngày, ngoan ngoãn, với sự giúp đỡ của mình. Vậy thấy an tâm hơn!”.

Ai làm từ thiện cũng xuất phát từ cái tâm của mình. Nhưng nhiều người chọn cách thay vì “bỏ tiền” vào các hiệp hội, tổ chức để làm từ thiện thì lăn xả vào tự làm. Dù gần hay xa xôi, họ cũng tự tay mang những phần quà của mình đến tận tay đồng bào, cùng nếm trải những khó khăn, cùng chia sẻ những bất hạnh cùng đồng bào.

Thêm nữa, trừ những trường hợp cứu trợ bão lũ thiên tai cần ưu tiên những món quà kịp thời như gạo, như lương thực, thực phẩm, tấm chăn ấm hay món “tiền nóng” để trang trải ngay, nhiều doanh nghiệp/tổ chức chọn cách “trao cần câu”: chuyển giao con giống, tư liệu (dụng cụ) sản xuất, chuyển giao công nghệ, thậm chí là bao tiêu sản phẩm, giúp bà con cơ hội cải thiện cuộc sống.

hand_heart

“Của cho không bằng cách cho”. Điều này càng đúng trong trường hợp làm từ thiện. Làm từ thiện mà chỉ “cho đi” cái tâm thiện của mình thôi là chưa đủ. Cần hơn nữa là cho đúng nơi, đúng người, đúng cách, khi ấy, cái tâm con người ta mới thực sự lưu dấu và nở hoa giữa cuộc đời này.

 Anh Vân (Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN