Cuộc thi ảnh Phụ Nữ và Cuộc Sống – Ảnh đẹp số tháng 6

Cuộc thi ảnh Phụ Nữ và Cuộc sống: Ảnh đẹp số tháng 6

Câu chuyện của tác giả:

Tấm ảnh được chụp tại làng gốm cổ Tân Vạn – là làng gốm cổ nhất Nam Bộ được xây dựng từ năm 1878 nằm bên sông Đồng Nai thuộc phường Tân Vạn, TP Biên Hòa. Người phụ nữ lặng lẽ trong công việc hàng ngày của mình, có thể rất vất vả nhưng gương mặt ngời niềm vui đã cuốn hút tôi…

(Trần Thị Dung – sinh viên trường đại học Sân khấu-Điện ảnh TP.HCM)

_MG_4673

Một góc nhìn:

  • Nguồn sáng chính được tập trung nơi chủ thể, một người phụ nữ đang trong một công đoạn của một tiến trình hình thành sản phẩm gốm, trạng thái tâm lý thoải mái nơi chủ thể khiến ta nghĩ rằng công việc là hấp dẫn (có thể do thu nhập cao) hoặc cô ấy đang có một tâm trạng thoải mái nào đó (niềm vui, hạnh phúc… nơi cuộc sống của cô).
  • Việc chọn giải pháp dìm tối từ bối cảnh đến tiền cảnh (mà vẫn cố gắng bảo toàn chi tiết nơi vùng tối), ngoài việc giúp nổi bật chủ thể, khiến người xem tập trung hơn vào nhân vật đang làm việc, thì tự thân những vùng tối đó gợi cho người xem cảm nhận về một nghề nghiệp với nhiều vất vả, nhọc nhằn, những lo toan chồng chất, những đắng khổ chập chùng…
  • Những vòng tròn xuất hiện nơi vùng tiền cảnh (là miệng của những sản phẩm) gợi cho người xem về cấu trúc của sự mềm mại, tròn trịa, hàm chứa cảm giác của sự tinh tế, tỉ mỉ, vốn thường sẽ phù hợp với nét dịu dàng, cần mẫn của người phụ nữ…
  • Những chiếc lu, vại hay chậu gì đó xuất hiện phía sau lưng của nhân vật (phía phải khung hình), được chồng chất ở vị trí cao gợi mở về một công việc luôn bị sự thúc ép, áp lực…
  • Ánh sáng từ phía sau lưng cô gái chiếu tới, thể hiện cảm giác về một công việc mà người ta phải cặm cụi hướng vào bóng tối, và tạo ra những vẻ đẹp, sự tươi sáng cho thế giới ngoài kia…

Câu chuyện của tác giả: 

Tôi đã có vài lần đến đảo Lý Sơn và khi nào cũng vậy, ấn tượng mạnh đối với tôi là con người nơi đây. Tôi rất thích hình ảnh các chị, các mẹ với kính lặn, mang theo bao hoặc thùng xốp buộc dây cột vào thắt lưng rủ nhau lặn hụp dưới các gềnh đá san hô để hái rau câu vào những mùa trời êm, thuỷ triều cạn.

Rau câu ở Lý Sơn là quà của biển dành cho những người dân nơi đây với giá trị kinh tế cao và sản lượng lớn.

(Lê Sỹ Thiệp – Quảng Ngãi)

_MG_3110 (1)

Một góc nhìn:

  • Bố cục tạo hình theo đường chéo góc, tạo ấn tượng về sự chuyển động.
  • Những con người đang đi từ không gian gần tiến ra xa (từ dưới khung hình đi lên phía trên khung hình), một cảm giác của chuyến đi đang dang dở và có vẻ như đã tiến gần đến đoạn cuối (sát biên trên của khuôn hình), thế mà những chiếc bao vẫn còn đang gần như chưa có gì, một cảm giác khá buồn cho chuyến đi khó nhọc.
  • Mảng tối phía gần khiến người xem hình dung những con người này đang cố gắng vượt qua những khó khăn, trắc trở để có thể tiến ra được khung trời tươi mới hơn, tốt đẹp hơn (họ đang đi về hướng sáng sủa hơn).
  • Khi người ta phải cùng xuất hiện trong một công việc nào đó, thì hoặc là yếu tố bất trắc quá lớn, khó lường, nên rất cần sự tương hỗ, giúp đỡ nhau, hoặc là khi tiếp cận nguồn lợi, số lượng thu hoạch thường sẽ rất lớn, và chẳng ai phải tranh giành với nhau cả.
  • Sự phẳng lặng của mặt nước như phần nào cũng chia sẻ với những khó khăn của những con người này, nên không làm tăng thêm sự khó cho họ…

    Nhiếp ảnh gia Trung Thu (phụ trách)

 

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN