Theo kế hoạch, hôm nay, TAND Q.Thủ Đức (TP.HCM) xét xử bị cáo Bùi Văn Sáng (37 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức) về hành vi “vi phạm quy định an toàn thực phẩm”. Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn đã có bước ngoặt mới: xử lý hình sự.
- Hà Giang báo cáo về hai dự án du lịch tại Đồng Văn
- Văn Phú – Hà Đông: Ám ảnh tuyến đường đẹp trở thành nơi “tập kết” rác thải
Để đưa ra xét xử bị cáo Bùi Văn Sáng về hành vi “vi phạm quy định an toàn thực phẩm” là cả một quá trình gian nan trong việc chứng minh hành vi phạm tội. Mọi chuyện bắt đầu từ 18 tháng trước, ngày 13-4-2018, hành vi chỉ đạo ngâm tẩm củ cải, cà rốt bằng hai loại hóa chất sodium sulfate, sodium dithionete của Sáng bị Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an TP.HCM) phát giác.
Dùng hóa chất ngâm 7 – 8 tấn củ cải/ngày
Theo nội dung vụ án, Sáng là chủ cơ sở chế biến nông sản tại P.Tam Bình (Q.Thủ Đức). Cơ sở này chưa có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Từ tháng 11-2017, Sáng thuê 3 nhân viên có nhiệm vụ rửa cà rốt, củ cải cho khách hàng tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức. Để rửa cho củ cải mau sạch đẹp và không bị hư thối, Sáng chỉ đạo cho nhân viên liên hệ mua hóa chất sodium sulfate (Na2SO4) tại chợ Tam Bình (Q.Thủ Đức) để ngâm rửa, giá rửa 1kg củ cải là 500 đồng.
Theo sự chỉ dẫn của Sáng, sau khi củ cải được rửa bằng nước sinh hoạt, các nhân viên sẽ sử dụng một muỗng cà phê hóa chất pha loãng với nước sẽ ngâm được 50kg củ cải. Mỗi ngày các nhân viên này dùng hóa chất để ngâm khoảng 7 – 8 tấn củ cải cho khách, thu lợi từ 3,5 – 4 triệu đồng.
Tại thời điểm bị bắt quả tang, cơ quan công an thu giữ được 1,6 tấn củ cải và 1,5 tấn cà rốt đã được ngâm hóa chất, tổng giá trị là 11,8 triệu đồng. Đặc biệt phát hiện thu giữ 250 gram bột màu trắng, qua giám định là chất sodium dithionete (Na2S2O4) và sodium sulfate (Na2SO4). Theo thông tư 02/VBHN-BYT của bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm thì các chất này nằm ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm.
Ngày 8-6-2018, hồ sơ vi phạm của Sáng được chuyển cho Công an Q.Thủ Đức để xử lý hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Và đây là lần đầu tiên cơ quan tố tụng tại TP.HCM truy tố, xét xử hành vi ngâm thực phẩm trong hóa chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Rất muốn xử lý hình sự, nhưng…
Bao năm qua có rất nhiều vụ vi phạm về an toàn thực phẩm nghiêm trọng như ngâm tẩm thực phẩm bằng hóa chất, sử dụng chất cấm (tạo nạc, tăng trọng) trong chăn nuôi, “phù phép” làm giả các loại thực phẩm; nhuộm măng tươi, dưa cải muối bằng chất vàng ô (Auramine O) gây nguy cơ ung thư… Dù mong muốn được xử “mạnh tay” nhưng các cơ quan chức năng chỉ loanh quanh với điệp khúc “bắt quả tang – tiêu hủy – xử phạt hành chính”.
Điển hình như loại thực phẩm liên quan đến sản phẩm động vật vi phạm lại càng nhức nhối. Gần 3 năm trước, vụ việc tưởng chừng như có thể xử lý hình sự xảy ra tại Công ty TNHH B.H (Q.3), khi công ty này “phù phép” thịt heo nái thành thịt bò, tẩm hóa chất metabisulfite.
Cụ thể, ông N.X.B. (tổng giám đốc công ty) bị Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an TP), Chi cục Chăn nuôi – thú y bắt quả tang khi đang tổ chức cho công nhân ngâm tẩm hóa chất, huyết bò và nước để “phù phép” thịt heo nái thành thịt bò tung ra thị trường tiêu thụ.
Thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng xác định công ty vừa nhập về 2.044kg thịt heo nái, đều không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Trong đó, có 865kg đã ngâm hóa chất metabisulfite mua từ chợ Kim Biên (Q.5) – loại này theo các chuyên gia chỉ được phép dùng trong bảo quản các loại rau củ, không được dùng để bảo quản thịt.
Quy trình ngâm tẩm hóa chất của ông này như sau: Thịt heo nái nguyên mảng cho cắt từng khối nửa ký hoặc cắt lát mỏng ngâm vào một dung dịch với tỉ lệ 100g hóa chất – 6 lít huyết bò – 56 lít nước lọc.
Ngâm khoảng 15 phút, số thịt này đưa vào kho bảo quản, kinh doanh gắn mác thịt bò. Như vậy với thịt heo nái nạc nhập vào chỉ 60.000 – 70.000 đồng/kg, qua sơ chế ngâm tẩm hóa chất, giám đốc công ty này bán ra cho các đầu mối giao cho nhiều quán phở trên địa bàn TP.HCM với giá từ 135.000 – 140.000 đồng/kg, tức thu lợi trên 50% sản phẩm được bán ra.
“Với các vi phạm nghiêm trọng chúng tôi đã bàn giao hồ sơ cho UBND Q.3, đề nghị Công an quận khởi tố vụ án hình sự gây tổn hại sức khỏe của người khác. Tuy nhiên, cuối cùng Viện KSND Q.3 không phê chuẩn bởi… không xác định được hậu quả cụ thể từ hành vi vi phạm và chỉ xử phạt gần 200 triệu đồng” – một cán bộ thú y TP nói.
Một hành vi nguy hiểm khác “suýt” được xử lý hình sự là sử dụng thịt heo tẩm ướp hóa chất “phù phép” thành các “đặc sản” như nai, nhím, đà điểu… do vợ chồng ông L.M.T. (Q.Thủ Đức) thực hiện.
Theo thống kê chỉ trong vòng 7 tháng (từ tháng 11-2015 đến tháng 6-2016), vợ chồng ông này bị cơ quan chức năng bắt quả tang sử dụng hóa chất ngâm tẩm, biến thịt heo thành các loại “đặc sản” đến ba lần, với quy mô sản xuất rất lớn. Nhưng cứ sau mỗi lần bị bắt, xử phạt, hai người này lại chuyển địa điểm tiếp tục hành vi vi phạm…
Trong báo cáo của Ban quản lý an toàn thực phẩm TP, trong 6 tháng đầu năm 2019 đơn vị kiểm tra trên 4.000 cơ sở thực phẩm, trong đó có gần 500 cơ sở vi phạm với số tiền xử phạt gần 7 tỉ đồng mà không có một trường hợp nào được chuyển hồ sơ xử lý hình sự. Hình thức xử lý chủ yếu là cảnh cáo và phạt tiền. Ngoài ra, (nếu có) được bổ sung các hình thức phạt để khắc phục hậu quả như dừng ở mức đình chỉ hoạt động; thu hồi, tiêu hủy sản phẩm; đình chỉ lưu hành tài liệu quảng cáo; kiểm dịch lại sản phẩm động vật…
Châu Âu nghiêm khắc với thực phẩm nhiễm hóa chất
Năm 2017, bê bối trứng nhiễm hóa chất tại châu Âu làm rúng động hàng chục quốc gia trong khối và thậm chí lan đến châu Á. Hàng triệu quả trứng nhiễm hóa chất diệt ký sinh trùng cho vật nuôi fipronil bị tiêu hủy trong tháng 8-2017. Bê bối xuất phát từ Hà Lan sau khi người ta phát hiện các trang trại sử dụng fipronil trong chăn nuôi gà khiến trứng nhiễm lượng hóa chất ở mức “nguy hiểm”. Hà Lan đã có biện pháp khẩn cấp khi cấm 180 trang trại bán trứng ra thị trường sau khi đóng cửa 7 trang trại có mẫu trứng nhiễm fipronil. Các quốc gia bị ảnh hưởng khác như Pháp, Đức, Bỉ cũng có biện pháp tương tự, trong khi Anh phát cảnh báo đến người dân và mở cuộc điều tra. Tại Hong Kong, cơ quan chức năng cũng phát hiện trứng nhập từ Hà Lan có lượng fipronil vượt quá mức cho phép. Một tháng sau đó, các bộ trưởng và lãnh đạo cơ quan an toàn thực phẩm trên toàn EU đã họp để tìm giải pháp cho bê bối trứng bẩn. Do fipronil là hóa chất bị cấm trong sản xuất thực phẩm cho người ở châu Âu, nên cuộc điều tra hình sự đã được mở. Hai giám đốc của Công ty ChickenFriend đã ra tòa sau đó do nghi ngờ họ đã biết fipronil là chất cấm nhưng vẫn sử dụng. Chủ sở hữu công ty mang tên Poultry Vision cũng bị điều tra vì đưa chất cấm vào dung dịch vệ sinh bán ra thị trường để diệt ve trên gà. Tuy nhiên vấn đề phối hợp an ninh giữa các quốc gia trong khu vực mới là điều đáng lo ngại khi Bỉ và Hà Lan là những nước đầu tiên phát hiện vấn đề nhưng lại mất đến hai tháng để báo động cho các nước láng giềng. Tại Trung Quốc, bê bối gạo nhiễm cadimi, kim loại nặng có thể gây ung thư năm 2013 dù quy mô không lớn nhưng khiến người dân ám ảnh. Theo đó, chính quyền Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông vào tháng 5-2013 xác nhận gần một nửa số gạo được kiểm nghiệm tại các nhà hàng trong thành phố có dư lượng cadimi quá lớn. Trước làn sóng phản ứng của người dân, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Quảng Châu buộc phải công bố tên các nhà hàng và cơ sở bị phát hiện có gạo chứa hàm lượng cadimi quá cao. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sau đó tuyên bố sẽ tăng cường giám sát chính phủ để xử lý các nguy cơ an toàn thực phẩm. Nguyên nhân gạo nhiễm cadimi được cho là đất nhiễm kim loại nặng tại các nông trại. Tuy nhiên, khi đó không có cơ quan nào ở Trung Quốc chịu trách nhiệm giám sát tình trạng ô nhiễm đất. NGÔ HẠNH tổng hợp |
Theo Hoàng Lộc – Tuyết Mai (tuoitre.vn)