Chào Gào, là một nhà văn trẻ có cá tính, các tác phẩm của Gào luôn chứa đựng những yêu hận mãnh liệt, đâu là nguồn cảm hứng giúp Gào viết nên những tác phẩm ấy?
Cảm hứng không của riêng mình mà mình nghĩ với hầu hết những người viết đều đến từ những gì xung quanh họ, gần gũi với họ. Đôi khi, đó là trải nghiệm của bản thân, có lúc nó lại là câu chuyện mà mình vô tình ghi chép được.
“Đã có thời gian, mỗi ngày đều là một cuộc chiến. Nhưng thật may mắn, cuối cùng mình cũng đã thắng. Và khi vượt qua những điều tưởng chừng như không thể vượt qua ấy, ta lại thấy cuộc sống của mình có giá trị hơn, tốt đẹp hơn” – Gào Tanny chia sẻ về những sai lầm từng mắc phải.
Có tác phẩm nào bắt nguồn từ những câu chuyện cuộc đời của bạn?
Khi mình ra mắt tác phẩm thứ hai, có tên là “Nhật ký son môi”, có người đã nhận xét rằng, Gào có lối viết văn “tự ăn mình”. Độc giả khi tiếp cận những sáng tác của Gào, không chỉ nhìn thấy bản thân chính họ trong đó, mà còn một phần nào đó bóng dáng của người viết. Sở dĩ có điều ấy bởi trong từng tác phẩm, chất liệu sáng tác của Gào luôn không thể thiếu câu chuyện của chính mình, có thể chỉ là một chút xen kẽ trong những tình huống của tác phẩm.
Là tác giả nổi tiếng từ cộng đồng mạng khi còn rất trẻ, việc nổi tiếng sớm đã mang đến thuận lợi và khó khăn gì cho bạn?
Người trẻ không thể thiếu những sai lầm. Sai lầm khiến cho họ trưởng thành, sai lầm cũng có thể khiến cho họ ngã gục. Việc nổi tiếng từ khá sớm khiến cho những sai lầm của Gào dễ được nhiều người biết đến hơn, vì thế, việc đứng dậy từ sai lầm của Gào cũng khó khăn hơn. Đã có thời gian, mỗi ngày đều là một cuộc chiến. Nhưng thật may mắn, cuối cùng mình cũng đã thắng. Và khi vượt qua những điều tưởng chừng như không thể vượt qua ấy, ta lại thấy cuộc sống của mình có giá trị hơn, tốt đẹp hơn.
Gào thường chia sẻ những câu chuyện của mình trên mạng xã hội với lời văn sắc sảo khiến người đọc hình dung về bạn là một người cá tính khá mạnh, nhưng khi tiếp xúc với Gào bên ngoài, tôi lại thấy bạn là một người khá gần gũi và hòa đồng. Vì sao lại có sự đối lập hình ảnh như vậy?
Gào ở thời điểm này, là một phụ nữ 27 tuổi, đã khác rất nhiều khi mới bắt đầu viết văn khi 17 tuổi. Mười năm trôi qua, con người ta không thể không lớn. Lớn cả hình hài, lớn trong suy nghĩ. Ở những hoàn cảnh khác nhau, môi trường khác nhau, cách bày tỏ thái độ và quan điểm cũng khác nhau. Về cơ bản, Gào không phải là một người dễ hoà đồng và quảng giao, nhưng với những người mà Gào có cơ hội tiếp xúc, Gào không muốn họ thấy mình ở một góc nhìn quá gai góc. Xét cho cùng thì việc gồng mình ở mọi nơi, chỉ khiến cho bản thân gặp nhiều bất lợi. Còn trên mạng xã hội, Gào tự do và thoải mái hơn với những quan điểm của mình về cuộc sống. Khi viết, Gào thường chỉ quan tâm đến vấn đề mình muốn nói. Nhưng khi nói chuyện trực tiếp, thì Gào chú ý đến quan điểm của đối phương nhiều hơn, đó cũng là một cách để thể hiện sự tôn trọng người nói chuyện với mình.
Mạng xã hội hiện nay là một nơi có khá nhiều thị phi, bạn có ngại việc chia sẻ chuyện gia đình trên mạng?
Gào đã lấy chồng, có con cũng được một vài năm rồi. Cuộc sống gia đình mang lại cho Gào nhiều bài học đáng quý và cái nhìn tích cực, lạc quan trong cuộc sống. Thực ra, mỗi câu chuyện Gào chia sẻ về gia đình nhỏ của mình, chứa đựng trong đó rất nhiều chiêm nghiệm của bản thân về cách cân bằng và giữ gìn tổ ấm. Trên mạng, quá nhiều điều buồn lo, khóc than, cũng không thiếu những câu chuyện đau lòng khiến người ta mất đi hy vọng. Gào cũng chỉ mong những gì mình nói, những suy nghĩ tích cực mình chia sẻ về gia đình, sẽ khiến mọi người có cái nhìn toàn cảnh hơn về cuộc sống hôn nhân, bớt đi bi quan không đáng có. Còn ai nói gì mặc người đó. Người ta nói “nhân nào quả nấy”, gieo rắc thị phi, chỉ chuốc lấy buồn lo. Còn với Gào, gieo niềm vui, để gặt về hạnh phúc!
“Đối với nghề viết, niềm đam mê ấy còn phải gắn liền với đạo đức của người cầm bút” – nhà văn Gào chia sẻ.
Nhiều người nghĩ rằng làm nhà văn thì khó giàu, bạn nghĩ sao về điều này?
Gào không viết sách để kiếm tiền, chỉ viết vì thích, viết tuỳ hứng, viết cho vui thôi, nên Gào không quan tâm tới thu nhập từ nghề viết. Công việc chính của Gào là kinh doanh. Thực lòng, Gào không biết phải trả lời câu hỏi này ra sao? Vì thu nhập chính của Gào không từ việc viết và Gào cũng không thể thay mặt những nhà văn khác để nói về việc giàu nghèo của họ được.
Hiện nay, niềm đam mê viết và đọc sách đang được nhiều bạn trẻ yêu thích. Từ đó, các bạn có xu hướng muốn thử sức trong lĩnh vực làm báo, viết văn. Là một người đi trước, Gào có kinh nghiệm gì để chia sẻ với các bạn trẻ khi muốn chọn công việc này?
Nghề nghiệp nào cũng vậy, muốn theo đuổi phải có đam mê. Đối với nghề viết, niềm đam mê ấy còn phải gắn liền với đạo đức của người cầm bút. Nếu bạn theo đuổi đam mê trở thành nhà văn nhà báo, chỉ để bẻ cong ngòi bút, hay ham muốn nổi tiếng sau những áng văn chương hư cấu, thì Gào nghĩ thực sự ước mong đấy rất đáng buồn. Gào hy vọng mỗi người viết đều có lương tâm nghề nghiệp, theo đuổi đam mê bằng trái tim chính trực. Sứ mệnh của một người viết vô cùng thiêng liêng, không chỉ nói lên tiếng lòng của biết bao người khác, mà còn có thể định hướng tương lai của cả một thế hệ sau này. Nếu yêu và đam mê điều gì đó, hãy nghiêm túc với nó, thành thực với nó, và hết lòng vì nó.
Nghề viết là nghề bán con chữ để nuôi thân, bạn có lo lắng nếu một ngày bạn không còn đủ cảm xúc để viết nữa, bạn sẽ làm gì?
Như Gào đã chia sẻ đó, Gào không sống bằng nghề viết. Gào chỉ viết khi mình thích thôi, nên hoàn toàn không bị phụ thuộc tài chính và tâm lý vào việc còn đủ cảm xúc để viết nữa hay không? Nếu không có cảm xúc, thì đơn giản là mình không viết thôi. Càng trưởng thành, Gào càng muốn nếu đã bắt tay vào sáng tác, thì tác phẩm phải có giá trị. Thế nên, nếu hết cảm xúc, thì chờ tới lúc cảm xúc trở về sẽ viết tiếp, không buông bút viết bừa, viết linh tinh, hạ mình viết những điều vô nghĩa.
Gào phân bổ thời gian trong ngày của mình như thế nào để vừa có thể chăm sóc con, lo việc nhà, vừa tập trung viết lách và phát triển kinh doanh?
Gần hai năm trở lại đây, Gào không viết nhiều, gần như không có tác phẩm mới, chỉ một vài tản văn chia sẻ trên trang cá nhân chứ không ra sách. Bởi phần lớn thời gian Gào quá bận rộn với việc gia đình, kinh doanh nên việc viết gặp nhiều hạn chế. Hy vọng khi công việc kinh doanh đi vào ổn định, Gào có thể sắp xếp được không gian sáng tác của riêng mình.
Là một nhà văn, chắc hẳn đọc sách là niềm đam mê không thể thiếu của bạn. Gào có thể giới thiệu tên 3 cuốn sách mà bạn yêu thích nhất của mình? Những câu chuyện hay bài học nào trong những cuốn sách yêu thích mà Gào tâm đắc nhất?
Đầu tiên là cuốn “Thiếu nữ đánh cờ vây” của tác giả Trung Quốc – Sơn Táp, được nhà văn viết bằng tiếng Pháp. Gào đã đọc khi còn là một cô bé. Cuốn sách cho Gào bài học về tình yêu và những cảm xúc mãnh liệt của sự hy sinh trong tình yêu. Gào đã đọc đi đọc lại nhiều lần cuốn sách này, cảm xúc lần nào cũng còn y nguyên, trọn vẹn, là một tuổi trẻ rực rỡ và tình yêu đầy khát vọng. Thứ hai là cuốn “Hãy chăm sóc mẹ” của Shin Kyung Sook, tác giả Hàn Quốc, một tác phẩm lay động lòng người với bài học về tình yêu thương gia đình và những giá trị nhân văn to lớn phía sau câu chuyện ấy. Và cuối cùng là cuốn “Dạy con kiểu Nhật”, vì bây giờ Gào đã là mẹ rồi mà. (cười)
Theo SKCĐ