Du Nguyên: “Gái ế vẫn cô đơn ngon lành…”

Ở tuổi 27, vừa khẳng định mình là gái ế, Du Nguyên lại vừa cho rằng đời vẫn cô đơn ngon lành và buồn là bạn, là người tình của cô.

Nữ sĩ Du Nguyên gần đây nổi bật trong làng thơ trẻ miền Bắc, bởi giọng thơ độc đáo, với nỗi buồn hoang hoải cô đơn của một tâm hồn còn rất trẻ. Đến nỗi, nhà thơ Bình Nguyên Trang, người hơn Du Nguyên cả chục tuổi, đọc thơ cô đã phải thốt lên “cô ấy góa chồng ngay giữa tuổi trẻ của mình”.

Bản thân tôi khi đọc thơ Du Nguyên lần đầu, cũng thấy lo sợ cho tuổi trẻ cô đơn lạc lối, nếu như cô đại diện cho lứa tuổi mình.

“Gái ế vẫn cô đơn ngon lành…”
Du Nguyên gần đây nổi bật trong làng thơ trẻ miền Bắc.

Du Nguyên chân thật trong thơ mình, nhưng thơ ấy thoạt đầu gợi đến một mối tình đã qua và còn lại là nỗi cô đơn chín rũ? Có phải bạn đã tận hưởng đến cùng nỗi cô đơn?

Thực ra, tình yêu trong thơ Du Nguyên chỉ là cái cớ để mình nói về những cái khác trong đời sống vốn có nhiều thứ nhộn nhạo này. Còn cái cô đơn chín rũ mà chị nói, tôi không biết mình đã tận hưởng đến cùng nỗi cô đơn ấy chưa. Điều đó tôi khó trả lời một cách rành mạch được. Nhưng tôi đã dùng cô đơn của mình để chạm vào một phần nào đó “nỗi cô đơn” của cuộc đời.

Thú thật, khi lần đầu đọc tập thơ “Khúc lêu hêu mùa hè”, tôi vừa thích, vừa hoảng sợ. Tôi sợ vì nhìn thấy tuổi trẻ cô đơn lạc lối. Bạn có lẽ phải nào cho sự cô đơn ấy không?

Sao chị lại thấy hoảng sợ khi nhìn thấy tuổi trẻ cô đơn lạc lối? Tôi nghĩ rằng, tuổi trẻ phải cô đơn lạc lối, va đập, mất mát một chút thì nó mới là tuổi trẻ. Nó mới thú vị. Tôi sợ một thứ tuổi trẻ quá viên mãn, quá tròn đầy. Nói cho cùng, những điều mà chúng ta trải qua và có được, cũng bắt nguồn từ một thứ mất mát nào đó trong cuộc đời này.

Còn lẽ phải nào đó cho một tuổi trẻ cô đơn lạc lối mà chị hỏi, tôi không định thanh minh hay giải thích gì cả. Bởi tôi chưa bao giờ thấy hoảng sợ vì nỗi cô đơn lạc lối ấy. Tôi có thể buồn bã, tan nát. Tôi có thể mông lung. Ở một thời điểm hoặc nhiều thời điểm. Nhưng tôi sẽ để nó diễn ra theo quy luật của tự nhiên. Tôi sẽ đi theo nó, ngắm nhìn và chờ đợi rốt cuộc sau nỗi cô đơn sẽ là điều gì. Sự chờ đợi khiến cho cuộc đời trở nên đặc biệt mà. Và cuối cùng của nỗi cô đơn, là gì, tôi cũng sẽ đón nhận hết.

“Gái ế vẫn cô đơn ngon lành…”
Du Nguyên – thứ hai từ phải sang cùng các bạn nhà thơ tại trại sáng táng Đại Lải.

Bạn có bao giờ lý giải nỗi cô đơn ấy chăng? Tôi không định hỏi về mối quan hệ cá nhân trong nguyên nhân, mà là trong một hoàn cảnh rộng lớn mà thế hệ các bạn đang sống?

Hoàn cảnh xã hội, thời nào cũng thế, không chỉ thời của chúng tôi – đều vọng vào tác phẩm bằng cách này hay cách khác. Ít hay nhiều tùy vào thụ cảm và khả năng chuyển tải của từng người. Có một số người lớn tuổi, họ cho rằng nỗi cô đơn của thế hệ chúng tôi khó hiểu. Chúng tôi biết gì về nỗi cô đơn. Họ dẫn giải về thời họ sống, họ đã trải qua như thế nào. Rồi một nhà văn nổi tiếng khác, có lần ngồi nói chuyện với tôi cũng hỏi rằng, thế hệ viết văn trẻ bây giờ (8x, 9x) có phải là một thế hệ làm bộ làm tịch? Nhưng tôi nghĩ thế này, nỗi cô đơn là thứ cảm xúc bản thể của con người, thời nào cũng như thời nào. Chỉ là do một vài điều kiện lịch sử – xã hội nào đó mà nỗi cô đơn ấy thành một hình hài nào đó. Ai bảo thế hệ đi trước, họ không cô đơn? Tôi đọc một số bài thơ, bản nhạc thời đó, cô đơn chết đi được.

Tôi bắt gặp nỗi hoang mang, mất mát và cả bơ vơ nữa của thế hệ chúng tôi. Thời chúng tôi sống, một số giá trị bị đổ xô, biến mất. Chúng tôi cũng có tổn thương của thế hệ mình. Chúng tôi là một thế hệ @, đang hoang hoải tìm mình.

Bạn vẫn muốn một cuộc sống gia đình theo khuôn mẫu thông thường chứ? Bạn hình dung cuộc sống ấy ra sao, với một nhà thơ khác lạ như bạn?

Tôi tôn thờ mái ấm gia đình. Khuôn mẫu thông thường hay không thông thường cũng được, miễn sao nó đúng là một mái ấm. Điều tôi nói không phải lớp vỏ gia đình mà là không khí gia đình. Có thể thơ tôi khác lạ theo đánh giá của người này người kia. Nhiều người đọc thơ tôi xong có thể nghĩ, đại loại “ờ, cái cô gái này, không biết cô ấy sẽ bước vào đời sống hôn nhân như thế nào, cô ấy có chịu được không?”. Nhưng thú thực, tôi sống giản đơn lắm. Mong ước của tôi về một mái ấm gia đình cũng giản đơn lắm.

“Gái ế vẫn cô đơn ngon lành…”

Nếu chỉ là muốn yêu, lấy chồng rồi sinh con đẻ cái, thì cô gái nào cũng làm được, cớ gì Du Nguyên cũng muốn làm?

Chị quên Du Nguyên cũng là một cô gái à? (cười)

Với nét thơ độc, lạ của bạn, có bao giờ Du Nguyên bị ném đá bởi dư luận không?

Nói ném đá thì nghe có vẻ to tát. Nhưng có một lần, tôi nhận được một lời nhận xét rằng thơ Du Nguyên là một thứ thơ không đức hạnh (chắc là người đó nói ra sau khi đọc “Thơ, chiếc quần lót và nỗi buồn không địa chỉ” và “Qua miền phụ khoa em buồn”, 2 bài thơ trích trong tập “Khúc lêu hêu mùa hè”). Lúc đó, tôi cũng chỉ biết cười một cách khoái trá mà thôi. Nếu bạn ấy đọc thơ tôi và nhìn những vật thể ấy như một tiêu chuẩn của đạo đức thì tôi chịu rồi. Tôi tự hỏi rằng, tại sao những vật thể hay cụm từ của đời sống ấy không thể xuất hiện trong thơ? Với tôi, chúng thơ chết đi được. Chúng chính là hơi thở của đời sống.

Bạn sẽ vẫn tiếp tục nhâm nhi nỗi cô đơn, và khám phá miền cô đơn vô tận trong  mình để sáng tạo? Tới đây bạn sẽ đi theo lối nào?

Tôi sẽ tiếp tục nhâm nhi nếu tôi thấy còn thú vị. Và chừng nào nó còn mang lại cho tôi một niềm khoái cảm thì tôi nghĩ, tôi sẽ vẫn khám phá nó theo cách của mình. Điều đó thực sự gây nên một cảm giác “đã” khi viết. Nó không đơn thuần là việc viết lách nữa. Nó là sự trải nghiệm của tôi với chính bản thân tôi. Để từ đó, tôi nhìn cuộc sống, những người xung quanh mình bằng một đôi mắt thứ hai và đưa vào thơ của mình.

Sau tập thơ “Khúc lêu hêu mùa hè”, tôi muốn thử sức ở một thể loại truyện ngắn, xem thử mình viết như thế nào. Không biết thơ Du Nguyên và văn Du Nguyên có khác nhau nhiều không. Tôi hy vọng, mình tìm thấy điều thú vị nào đó ở thể loại này.

 Tôi nghĩ, chỉ một người đàn ông, dù tuyệt vời đến đâu chăng nữa, chắc khó có thể bứt bạn ra khỏi cô đơn?

Như tôi nói ở trên, cô đơn là thứ cảm xúc thuộc về bản thể. Cho nên mọi vá víu, ghép vào với nhau đều không làm biến mất thứ cảm xúc đó. Có điều, nếu gặp được một ai đó tốt, hiểu mình thì nỗi cô đơn đó sẽ vui vầy hơn đôi chút. Mà tôi thấy cô đơn thú vị mà. Nó lấp đầy sự trống rỗng của đời sống trong tôi.

 

Bích Hậu (Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN