Doanh nhân Việt – Tết này họ làm gì?

Những doanh nhân phải tất bật quanh năm suốt tháng, thậm chí bận rộn tới tận đêm 30 thì cái Tết với họ có màu sắc gì? Hãy cùng PNNN  lắng nghe những chia sẻ của họ…

Gói ghép hoài niệm, đón chào Tân Xuân – Nhà thiết kế áo dài Minh Châu

Doanh nhân Việt - Tết này họ làm gì?

“Đối với tôi, mỗi dịp Xuân về là một dịp gói ghém lại kí ức để bắt đầu những cái mới. Giờ thì tôi sống một mình, không có gia đình bên cạnh, nhưng tôi vẫn giữ thói quen trang hoàng nhà cửa, giây phút giao thừa, tôi sẽ ghé ngôi chùa gần nhà để nguyện cầu sức khỏe, công việc thuận lợi như bao gia đình khác. Bởi Tết là bắt đầu những cái mới.

Tết năm ngoái là Tết đầu tiên tôi không còn mẹ. Khi Tết đến, còn một mình với không gian riêng lẻ, tôi chỉ ngồi im lặng và nhìn ra ngoài. Cái mong mỏi ấy đến bây giờ vẫn còn, thèm bữa cơm mẹ nấu và đi chợ Tết cùng mẹ. Nhưng vô vọng. Lúc còn bé, gia đình khó khăn, nhưng bao giờ tôi cũng cùng mẹ đón cái Tết đủ đầy với không gian bình dị. Thế mà nó ấm áp lắm.

Năm nay tôi dành mùng Một để về thăm quê, nơi sinh sống lúc bé, có mẹ và bà con. Sau đó, sẽ cùng anh chị, các cậu dì ra mộ của mẹ, ngồi tâm sự với mẹ mọi điều. Mùng Hai bắt đầu du lịch một nước nào đó, để cảm nhận cái Tết phương xa. Nhưng đi đâu thì cũng  không bằng ngày Tết bên gia đình của mình…”

Tết về nhà mới – doanh nhân Hùng Cửu Long

Doanh nhân Việt - Tết này họ làm gì?

“Tôi luôn luôn chuẩn bị một tâm lý hạnh phúc và hy vọng cho những ngày Xuân đến, đặc biệt là Tết năm nay, gia đình tôi sẽ dọn về ngôi nhà mới, sau bao năm vất vả tích góp và dành dụm!

Với doanh nhân, Tết cũng là cơ hội kiếm tiền, bởi hàng hoá sản phẩm vẫn phải mua bán, đặc biệt là các khu vui chơi giải trí và dịch vụ ăn uống vẫn thu tiền vào hàng ngày, hàng giờ. Nhưng tôi cũng có cái Tết khó quên nhất trong đời, chỉ vì… mê kinh doanh. Đó là Tết năm 2003. Năm đó, thấy người ta kinh doanh dưa tết thành công, nên tôi cũng kéo dưa về bán tại chợ An Đông. Thế nhưng do dội hàng từ Trung Quốc, nên dưa ế và cho cũng không ai lấy. Tối 30 tết, tôi và vợ vẫn còn ở ngoài đường để tặng dưa, rồi dọn dưa. Thật là khóc không được, chết không xong. Bây giờ thì những cái Tết tôi dành hết thời gian cho gia đình”.

Vẫn nhớ tiếng pháo ngày xưa – Minh Trần, Chủ nhiệm chương trình truyền hình công ty truyền thông Gia Minh

Doanh nhân Việt - Tết này họ làm gì?

“Năm nay, gia đình tôi sẽ không về quê như mọi năm, mà du lịch nước ngoài. Tôi  thật sự muốn có thời gian nghỉ ngơi! Nghĩ về Tết, trong tôi vẫn là ký ức về những cái Tết năm xưa. Lúc nhỏ cứ gần Tết là rất vui, vì được ba má dẫn cả 5 anh em đi may áo quần ở nhà một thợ may quen của gia đình. Mỗi người một kiểu, một màu mình thích, xong sẽ dẫn đi đóng giày. Hồi nhỏ lạ làm sao khi tôi lại rất thích màu đỏ. Tôi nhớ những mùi hương lúc phụ ba mẹ làm bánh in, bánh thuẩn, làm mứt, củ kiệu… Và nhớ nhất là những tiếng pháo nổ từ ngày 27, 28 Tết đến đêm giao thừa. Khi dây pháo nổ xong hết rồi thì 5 anh em chạy đến tìm những trái pháo chưa nổ, mà còn tim ngắn để đốt tiếp… Bây giờ thì nhiều thứ không còn nhưng xướng lô tô vẫn là một trong những món không thể thiếu của gia đình mấy ngày Tết”

Tết về với mẹ – doanh nhân Hoàng Vân Khánh

Doanh nhân Việt - Tết này họ làm gì?

 “Những ngày cuối năm là khoảng thời gian để nói những lời cảm ơn và xin lỗi, để tìm lại yêu thương, niềm tin và cả sự thanh thản trong tâm hồn.

Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm cũ, bước vào năm mới hứa hẹn nhiều may lành. Tôi cũng như bao nhiêu người phụ nữ đã có gia đình, đều mong muốn một cái Tết đoàn viên, đầy đủ vợ chồng, con cái quây quần bên mâm cơm ấm áp. Nhưng rồi bất chợt tôi nhớ đến Mẹ…

Tôi xa nhà tính đến nay 17 năm, lấy chồng 13 năm. Những cái Tết về với Mẹ toàn từ ngày mùng Ba, sau khi đã hoàn thành trách nhiệm cúng kiếng ông bà tổ tiên bên chồng. “Thuyền theo lái, gái theo chồng” mà, câu này ai là con gái Việt đều hiểu rõ. Tôi nhớ những cái Tết lúc nhỏ. Thường thì 25 tháng Chạp mẹ đi chợ mua đồ sửa soạn gói bánh chưng. Ba Mẹ người Bắc nên không biết làm bánh tét. Lá dong mua về, mẹ bắt mình và chị Hai lấy khăn lau thiệt sạch, để ráo. Mẹ ngâm nếp, ngâm đậu xanh và ướp thịt. Ba gói bánh đẹp, đều và lớp nếp được ép chặt khít. Cứ từng cái được gói xong, mình xung phong xếp chồng lên cao như núi, tâm trạng vô cùng phấn khích. Chiều 25 bếp được nhóm lửa. Khi nước bắt đầu sôi sùng sục và bốc hơi nghi ngút, tôi nhảy tưng tưng vỗ tay hò reo: “A… Bánh sắp chín rồi hả mẹ?” Cảm xúc này, khi xa ba mẹ xuống làm dâu ở Sài Gòn, tôi không tìm thấy.

Đêm giao thừa, trời Bảo Lộc lạnh 17-18 độ. Ngồi coi tivi chờ đến 12 giờ để ba đốt pháo, mẹ cúng xôi gà mà háo hức gì đâu. Rồi Mẹ cắt bánh chưng ăn với dưa chua, hành chua, thịt đông. Nồi cháo gà bốc khói nghi ngút. Ba chị em tôi lớn lên với những ký ức thật ngọt ngào, đầm ấm bên cạnh ba mẹ như vậy đó…

Một cái Tết nữa lại sắp đến. Không có lá dong, không có nồi bánh bốc khói, nhưng ký ức vẫn ùa về như gió cuốn. Sáng ngủ dậy ôm con gái vào lòng, bất chợt mình nghĩ đến một tương lai không xa, con sẽ theo chồng, rồi mình lúc đó ra sao? Bỗng nghẹn ngào… Thôi thì cứ theo quy luật tự nhiên. Hồi mẹ lấy ba chắc bà ngoại cũng ngấn nước mắt…

Tết là để tận hưởng – Trần Thị Nhàn, giám đốc điều hành công ty may Đông Bình (Bắc Ninh)

Doanh nhân Việt - Tết này họ làm gì?

Điều hành và kiêm chủ tịch công đoàn một công ty có 420 công nhân, hầu hết là nữ nên Tết đến tôi càng phải nghĩ nhiều để tìm ra cách thưởng Tết thật ý nghĩa, không chỉ đỡ gánh nặng lo toan cho chị em, mà còn làm sao để bản thân chị em cũng được chăm chút. Thực tế là nhiều chị em, khi được thưởng Tết đều phấn khởi, nhưng sau đó mang về nhà lo Tết cho cả nhà, nhường nhịn chồng con nên bản thân mình chẳng có cái gì. Bản thân tôi, lo hết mọi việc ở công ty xong thì cũng cạn năng lượng. Nhưng tôi vẫn được vui bởi chồng tôi là người có trách nhiệm, yêu thương vợ con bằng những việc làm cụ thể, sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm chính đáng của người bạn đời. Anh ấy sắp đặt hầu hết kế hoạch và tự tay chuẩn bị thực phẩm cho Tết, lên lịch đi chúc Tết hoặc du lịch, làm danh sách quà tặng người thân… Khi về nhà, tôi chỉ việc chung tay với chồng chế biến món ăn truyền thống ưa thích, giống như một cách thư giãn chứ không hề thấy tất bật mệt mỏi. Chúng tôi thống nhất với nhau rằng, nếu việc gì liên quan đến tết nhất mà tiêu hao quá nhiều công sức và khiến chúng tôi mệt, thiếu thời gian trò chuyện với nhau thì chúng tôi loại nó ra khỏi danh sách luôn. Tết là để tận hưởng chứ không phải để chịu đựng. Còn cho riêng bản thân mình, tôi tranh thủ Tết để nghỉ ngơi thư giãn cho lại sức. Tôi cũng tự thưởng cho mình tấm áo dài đẹp, hoặc món đồ trang sức gắn đá – những thứ thời trang tôi rất thích. Ai cũng nói Tết đến càng bận, nhưng tôi cho rằng, mình cần phải biết sắp xếp việc hợp lý, mạnh dạn cắt bỏ những lề lối, tập tục Tết hao sức, dành thời gian chăm sóc chính mình thì mình khỏe đẹp hơn, yêu đời hơn, và đời cũng yêu mình hơn. Đừng nên nghĩ rằng mình cứ hy sinh cho mọi người, làm quá sức mà mệt mỏi ủ rũ là được mọi người yêu thương thông cảm đâu.

Thế giới phẳng rồi mà – Vũ Thị Hương, doanh nhân tại Beroun, Czech

Doanh nhân Việt - Tết này họ làm gì?

Gần Tết là thời điểm buôn bán nhộn nhịp nhất. Tôi cùng chồng đi lại nhiều lần lên chợ Sapa của người Việt tại Praha để lấy hàng về bán. Quay cuồng tới tận ngày 30 Tết vẫn chưa hết việc. Tuy nhiên trước đó tôi cũng đã chuẩn bị trước những đồ thực phẩm, hoa trái cho những ngày Tết rồi. Trong vườn tôi vẫn trồng được rau thơm Việt Nam, bí đao và một số loại rau khác lấy giống từ quê hương. Những nguyên liệu làm bánh chưng, gói giò, nem, chả thì ở chợ Việt Nam tại Czech có đủ cả. Đêm ba mươi Tết, trời thường rất lạnh, tôi đóng cửa hàng sớm để chuẩn bị Tết. Vừa cùng chồng tíu tít chuẩn bị nguyên liệu và chế biến món ăn, vừa mở tivi kênh dành cho người Việt Nam ở nước ngoài lên xem, mùi thức ăn thơm lan tỏa khắp nhà, tivi thì chiếu toàn cảnh ở Việt Nam sắm Tết, làm Tết nên không khí Tết vẫn đậm đặc, ấm áp, rất Việt Nam. Ở châu Âu xa xôi nhưng tôi thấy như mình vẫn đang ở Việt Nam vậy. Gần giao thừa, tôi sẽ mặc bộ quần áo mới, đẹp nhất, cùng chồng chụp mấy tấm hình đẹp, đưa lên Facebook để người nhà ở Việt Nam có thể xem. Sau đó chúng tôi trò chuyện online với người thân ở Việt Nam, xem chương trình đón giao thừa ở quê nhà.

Sớm mùng Một, mùng Hai, chúng tôi đi thăm nhà nhau và chúc Tết, ăn uống vui vẻ. Các chị em đồng hương còn mặc áo dài thật đẹp, cùng nhau đi lên cầu Tình (cầu Charles) trên sông Vltava để chụp ảnh. Nhiều người cứ nghĩ dân Việt xa xứ như chúng tôi ngày Tết sẽ âu sầu, buồn nhớ quê hương lắm, nhưng không phải, chúng tôi chẳng thiếu thốn gì, vẫn có cái Tết đậm chất Việt ở châu Âu và vô cùng thoải mái. Thế giới phẳng rồi mà, muốn gì cũng có. Quan trọng là mình lựa chọn một lối sống, một vùng đất nào đó để sống thì sống hết mình, đừng cứ đứng núi này trông núi nọ thì sẽ luôn thất vọng và nhớ tiếc quá khứ.

Nhớ phút giao thừa thiêng liêng – Nguyễn Thị Minh Thu, doanh nhân tại Bỉ

Doanh nhân Việt - Tết này họ làm gì?

2016 đã là năm thứ 10 tôi sống ở Bỉ. Những Tết đầu tiên tôi cũng hào hứng lắm và chuẩn bị nhiều thứ cho Tết. Bây giờ chúng tôi đã có 4 con, thêm công việc bộn bề hơn nên tôi cũng hạn chế bớt. Như những gia đình ở đây, chúng tôi chuẩn bị chu đáo hơn cho Noel và Tết dương lịch. Vợ chồng tôi kinh doanh cửa hàng Klasseslagerij Jean (cửa hàng thực phẩm cao cấp), nên thường vào dịp này là rất bận bịu vất vả. Nhưng dù chuẩn bị kỹ đến đâu thì tôi vẫn không thấy Tết dương lịch thiêng liêng như phút giao thừa ở Việt Nam. Vào phút giao thừa tôi thường nghĩ đến bố mẹ ở quê và cầu mong cho bố mẹ có sức khỏe, cầu mong cho gia đình nhỏ của mình hạnh phúc, công việc làm ăn của hai vợ chồng thuận lợi hơn. Tôi cũng gọi điện thoại về cho gia đình ở Việt Nam để chúc Tết, nói chuyện rất lâu rồi mới yên tâm. Tết năm nào tôi cũng thấy tự thương mình quá, vì chồng tặng quà không đúng ý. Nhưng sau đó không buồn nữa, thích cái gì thì tự mua thôi. Tùy theo điều kiện kinh tế tôi tự thưởng cho mình, khi thì túi thời trang cao cấp, giày, áo váy hay nước hoa. Khi tôi xa nhà, bạn bè quan tâm giúp đỡ bố mẹ tôi nhiều. Tôi nhớ da diết những thứ rất nhỏ, rất giản đơn như ăn cơm cá kho, rau muống luộc, chạy xe máy vòng vèo quanh hồ Hoàn Kiếm… Qua những tháng năm ở xa quê, sống độc lập, việc gì cũng đến tay mình, tôi thấy mình trưởng thành nhiều hơn, thương bố mẹ mình nhiều hơn, chứ không như hồi ở nhà thường xung đột với bố mẹ. Tôi cũng biết trân trọng những giá trị cuộc sống, gia đình, mối quan hệ bạn bè hơn.

Hải Sư – KBH (Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN