Chân dung tỷ phú thừa kế trẻ tuổi của H&M

Là con trai của CEO H&M, Thomas Persson (còn được biết dưới cái tên Tom Persson) có tài sản ròng khoảng 2,8 tỷ USD và là người trẻ nhất có tên trong danh sách thừa kế đế chế H&M.

Sinh năm 1985, Thomas Persson là con trai thứ hai của CEO H&M Stefan Persson, là cháu của nhà sáng lập nhãn hàng thời trang hàng hiệu giá rẻ nổi tiếng Erling Persson. Tuy nhiên, trong hồ sơ của Wealth-X, Thomas Persson lại được giới thiệu với nghề nghiệp là một ca sĩ.

Tốt nghiệp trường Met Film ở London, Anh vào năm 2014, Thomas Persson là chủ sở hữu công ty đầu tư phim truyện tại Stockholm, Thụy Điển. Vị doanh nhân trẻ tuổi này cũng là ông chủ của Viện Phim và Nghệ thuật ở thủ đô Thụy Điển.

Chân dung tỷ phú thừa kế trẻ tuổi của H&M

Dù là một doanh nhân thành đạt, nhưng sự nghiệp của Thomas Persson – tỷ phú trẻ tuổi nhất thế giới – lại không hề gắn liền với công ty của gia đình H&M. Ảnh: Forbes.

Là CEO và đồng sở hữu của Aspen Rights và Aspen Film, Thomas Persson tham gia vào nhiều công đoạn sản xuất như tổ chức, quản lý, tiếp thị và tài trợ các dự án phim, nhiếp ảnh và tổ chức triển lãm.

Lẽ dĩ nhiên, cuộc chơi với nghệ thuật không mang lại tài sản tỷ đô hay cuộc sống giàu sang, phú quý cho Thomas Persson, mà đó là nhờ phần thừa kế từ người ông quá cố. Ở tuổi 30, Persson là cổ đông của H&M, với tài sản ròng được Forbes ước tính vào khoảng 2,8 tỷ USD, trong khi cha của anh là tỷ phú giàu có nhất Thụy Điển, sở hữu 22,7 tỷ USD.

Erling Persson thành lập H&M vào năm 1947 ở Vaesteras (Thụy Điển). Thuở ban đầu, đó chỉ là một cửa hàng bán quần áo và vải vóc. Trong một lần đi Mỹ, Erling Persson để ý đến một cửa hiệu bán quần áo được rất đông người mua vì giá bán rất rẻ. Từ đó, Persson rút ra được triết lý kinh doanh chiến lược của H&M vào thời điểm đó và cả sau này, là với giá rẻ nhưng bán khối lượng nhiều thì vẫn có thể kinh doanh có lãi.

Mô hình kinh doanh này được Persson sao chép và vận dụng ngay ở Thụy Điển và thành công đến rất nhanh. Năm 1968, Persson mua lại hãng chuyên may quần áo trang phục cho thợ săn Mauritz Widforss và từ đó bán cả quần áo cho nam giới, sau đó đổi tên chính thức thành “Hennes & Mauritz” (H&M).

Đội ngũ thiết kế của H&M tại văn phòng Thụy Điển kiểm soát các bước từ việc lập kế hoạch sản xuất hàng hóa đến quản lý thông số kỹ thuật. Điều đặc biệt là thương hiệu không sở hữu các nhà máy mà khâu sản xuất được giao khoán cho khoảng 800 nhà máy ở châu Âu và châu Á.​

Tính đến tháng 5/2015, vốn hóa thị trường của H&M là gần 70 tỷ USD, là một trong 33 thương hiệu giá trị nhất thế giới. Công ty này có gần 100.000 nhân viên với doanh số bán hàng khoảng 23 tỷ USD một năm.

Nguồn Zing.vn

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN