Đời sống tốt lên, chúng ta không còn phải chạy ăn từng bữa, dè xẻn lương thực phòng khi mất mùa. Những tưởng như vậy chất lượng cuộc sống sẽ tăng cao. Nhưng không, Việt Nam vừa mới “thăng hạng” về tỉ suất mắc mới trên bản đồ ung thư thế giới, từ vị trí 99/185 lên 91/185 và tỉ suất tử vong trên 100.000 người từ 56/185 lên 50/185 (số liệu lần lượt tương ứng với 2018 và 2020, theo GLOBOCAN).
Bệnh đến từ miệng
Cuộc kiểm tra gần đây của Ban quản lý An toàn Thực phẩm TP. HCM cho ra một con số hết hồn: gần 50% mẫu rau quả, trái cây ở các chợ đầu mối có dư lượng hóa chất, hơn 40% mẫu hải sản phát hiện kim loại nặng, trong đó nhiều mẫu vượt giới hạn cho phép… Tình trạng này có thể là một lí giải cho những con số ngày càng tăng của ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa đang có dấu hiệu “vươn lên” vị trí “á quân” trong bảng tổng sắp. Bởi chỉ có hai yếu tố chính tạo điều kiện cho ung thư phát triển, gồm các điều kiện có sẵn (như tuổi tác, giới tính, di truyền) và các điều kiện môi trường (chế độ dinh dưỡng, lối sống). Trong đó, thực phẩm đóng vai trò vô cùng quan trọng, chi phối hầu hết yếu tố thứ hai.
Theo Cao Bảo Anh, nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành miễn dịch học, Đại học Harvard (Mỹ), các hóa chất độc hại có khả năng xâm nhiễm và làm sai lệch thông tin DNA của tế bào. Trong quá trình nhân đôi hay tổng hợp DNA, tế bào có thể sao chép cả phần lỗi mà hóa chất gây ra, dẫn đến những đột biến lâu dài.
Bình thường, các tế bào trong cơ thể có sẵn chương trình Apoptosis (chết theo chương trình). Theo đó, khi xảy ra tổn thương quá mức chịu đựng, tế bào sẽ kích hoạt chương trình tự hủy để bảo vệ cơ thể. Chúng tự phân thành các mảnh nhỏ, sau đó được đại thực bào hoặc tế bào tua dọn dẹp sạch sẽ, không để lại bất kì dấu vết gì dù là nhỏ nhất. Thế nhưng, khi DNA bị chất độc can thiệp và đột biến, có thể sẽ làm vô hiệu Apoptosis. Nghĩa là, tế bào này bị biến chất, trở thành tế bào ác tính, không thể tự hủy để bảo vệ cơ thể được nữa.
Cùng cơ chế như vậy, khi đại tràng liên tục phải xử lý các thức ăn nhiều muối, chất béo chuyển hóa, lại có ít chất xơ hỗ trợ… thì về lâu dài sẽ xuất hiện các polyp, hay còn gọi là tế bào tăng sinh. Ban đầu, chúng là những khối u lành tính trong lòng ống đại tràng hoặc trực tràng. Polyp rất phổ biến, khoảng 4 người thì có một người có ít nhất 1 polyp vào tuổi 50, và cứ 6 cái thì có 1 cái phát triển thành ung thư trong vòng 10 năm.
Theo GLOBOCAN, năm 2020 tỉ lệ ung thư đường tiêu hóa ở phụ nữ là 13,4%, còn ở đàn ông là 21,9%. Một tài liệu của Trung tâm Ung thư Parkway cho biết khoảng 50% người bệnh bị ung thư đường tiêu hóa không có những biểu hiện bên ngoài ở giai đoạn đầu của bệnh. Họ vẫn ăn uống và sinh hoạt bình thường. Chỉ đến khi thấy đau đớn, đi ngoài có máu, sụt cân đột ngột… người bệnh đi khám thì đã vào giai đoạn muộn, khó chữa trị. Lúc này, các tế bào ác tính thâm nhập vào máu, tấn công hạch bạch huyết – nơi được coi là trận địa phòng thủ, cơ quan đầu não của hệ miễn dịch. Và từ đó, nguy hiểm hơn, chúng bắt đầu di căn.
Tránh tử thần bằng tầm soát và lối sống lành mạnh
Bác sĩ Zee Ying Kiat (Chuyên gia tư vấn cấp cao về Ung thư nội khoa, Trung tâm Ung thư Parkway) trong cuộc trao đổi với chuyên trang Sức Khỏe của Phụ Nữ Ngày Nay vào tháng 7.2022 đã nhấn mạnh: “Tỉ lệ khỏi bệnh và có cuộc sống bình thường ở những bệnh nhân phát hiện sớm là 50%. Với sự phát triển của y học hiện đại, trước đây những bệnh nhân bị tổn thương vào tới gan, sau phẫu thuật và xạ trị có thể chỉ 10% là cải thiện tiên lượng. Con số này hiện nay là 30-40%. Còn nếu để muộn, bệnh ở giai đoạn 3 và 4 (có di căn) thì thời gian sống có thể chỉ khoảng 5 năm”.
Chính vì thế, lời khuyên điều đầu tiên của bác sĩ Zee Ying Kiat là đi khám ngay khi có bất kì một trong các dấu hiệu nào dưới đây, đặc biệt là khi bạn từ 45 đến 50 tuổi:
– Bị tiêu chảy hoặc táo bón.
– Có máu trong phân.
– Khó chịu dai dẳng ở ổ bụng, như co cứng cơ, chướng bụng hoặc đau.
– Cảm giác ruột không rỗng hoàn toàn sau khi đi nặng.
– Sụt cân không rõ nguyên nhân.
Những người được xác định là có khối u ác tính sẽ được tư vấn phác đồ điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị bao gồm dùng thuốc uống hoặc truyền, xạ trị, hóa trị, điều trị trúng đích, điều trị miễn dịch, phẫu thuật… Với những người có u lành hoặc có nguy cơ, chỉ cần đi tầm soát định kì theo khuyến cáo:
– Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân: hàng năm
– Nội soi đại tràng sigma: 5 năm/lần
– Hoặc nội soi đại tràng: 10 năm/lần
– Chụp hình quang tuyến: 10 năm/lần
– Khám trực tràng: 5 tới 10 năm/lần
“Giữa các nguyên nhân không thể hoặc khó thay đổi như tuổi tác, gen, ô nhiễm môi trường sống… thì vẫn còn đó một phương thức mà bất kì ai cũng có thể tự xây dựng cho mình, nhằm tránh rơi vào lưới tử thần với ung thư. Đó là thiết lập lối sống lành mạnh, với chế độ dinh dưỡng phù hợp và vận động mỗi ngày” – Bác sĩ Zee Ying Kiat cho biết.
Đã có những bằng chứng cho thấy những người hoạt động thể chất nhiều hơn có nguy cơ mắc ung thư đại tràng thấp hơn. Những người đàn ông năng động nhất có thể giảm 19-28% nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng so với những người ít hoạt động nhất.
Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc quyết định ai quay vào ô có bệnh. Uống ba ly rượu vang hoặc hai ly bia trở lên hàng ngày làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng lên tới 52% so với người không hoặc ít uống rượu. Hút thuốc lá không chỉ là nguyên nhân gây ung thư phổi, mà còn làm tăng nguy cơ ung thư ruột đến 20%. Chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, ít chất xơ… cũng đóng góp 35% trong vai trò gây ra ung thư.
Dù nguy hiểm và nhiều đau đớn, nhưng ung thư không phải là án tử. Khả năng “thoát” bệnh và khỏi bệnh, có một cuộc sống bình thường là rất cao, nếu mỗi người biết quý trọng cơ thể mình. Lối sống lành mạnh, tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực và tầm soát định kì theo khuyến cáo là chìa khóa để “né” tử thần mà mỗi người hoàn toàn có thể và nên thực hiện ngay từ bây giờ.
Mạc Hà