Nhịp sống vội vàng hôm nay có làm bạn mệt mỏi và kiệt sức? Hãy tái tạo năng lượng bằng cách thử dành cho mình những giây phút lặng thinh, lắng nghe nội tại, tự mình đối diện với chính mình và thoát khỏi guồng quay vội vã của cuộc sống. Đó chính là thiền tĩnh.
Thiền tĩnh là gì?
Thiền là trạng thái kéo dài của sự tập trung đi cùng với việc suy nghiệm về một đối tượng. Việc tập trung vào một đối tượng giúp “thiền nhân” (người đang ở trạng thái thiền – PV) tránh xao lãng bởi những tiếng ồn xung quanh. Khi có sự tập trung cao độ, thiền nhân có thể sống và thẩm thấu trong đối tượng, hòa vào đối tượng và đạt đến sự bình an trong thiền.
Về hình thức, thiền được chia làm hai loại: thiền tĩnh và thiền động. Thiền tĩnh thể hiện khi bạn ngồi yên và suy tưởng trầm mặc về đối tượng như vật thể (ngọn nến, chiếc lá), ý tưởng, một phần của cơ thể hay toàn bộ cơ thể của mình (quán nội quan).
Thiền động bao gồm các loại như thiền hành, thiền khóc, thiền cười, sự bình an đến sau những chuyển động của cơ thể và sự gột rửa tâm trí.
Lợi ích từ thiền
Là một phần quan trọng của bộ môn yoga, thiền dường như đơn giản hơn yoga nhưng lợi ích của nó mang lại không thua kém yoga ở rất nhiều khía cạnh:
- Thiền giúp thư giãn đầu óc. Bạn chỉ cần kiên trì đều đặn thực hành 2 lần/ngày tương ứng với một giấc ngủ sâu, giúp đầu óc luôn minh mẫn, tăng trí nhớ và khả năng tập trung.
- Làm chậm nhịp đập của tim, trị chứng cao huyết áp và giúp cơ thể thêm khỏe mạnh tươi trẻ.
- Khi nhìn vào nội tâm của mình bạn sẽ thấy được hướng đi và mục đích thực sự trong cuộc sống.
- Gia tăng sự yên bình của tâm trí, điều trị mất ngủ.
- Đặc biệt với phái nữ hiện đại, thiền giúp gia tăng sự kiên định, khả năng giữ bình tĩnh cũng như kiểm soát tốt cảm xúc của bản thân để tránh những bệnh liên quan đến stress, qua đó giúp họ trở nên mạnh mẽ hơn, suy nghĩ thấu đáo và tường tận hơn.
Làm sao để thiền?
Các bước thực hiện bài thiền tĩnh như sau:
- Chọn một tư thế ngồi thoải mái, trên ghế hoặc trên sàn.
- Tư thế ngồi thiền tốt nhất là thế ngồi hoa sen (kiết già). Tréo hai chân, đặt bàn chân phải lên trên đùi trái và ngược lại, lòng bàn chân hướng lên trên.
Nếu không thể ngồi theo thế hoa sen, thì ngồi bán già. Đặt bàn chân phải qua đùi trái (hay ngược lại), đầu gối chạm sàn. - Hai tay thủ ấn Chin Mudra đặt nhẹ lên gối. Đây là cách bạn co gập ngón trỏ dưới ngón cái, ba ngón tay còn lại thì khép sát lại với nhau, thể hiện sự hợp nhất giữa cơ thể, tâm trí và tinh thần).
- Giữ sống lưng thẳng nhưng thoải mái, cằm song song với mặt sàn. Mắt nhắm nhẹ, hít thở đều và theo dõi hơi thở. Bạn hãy để hơi thở tự nhiên ra vào, chỉ theo dõi hơi thở.
- Ngưng để tâm đến tất cả những tiếng động bên ngoài và bên trong. Hãy thả lỏng cơ thể. Những ý nghĩ sẽ đến một cách tự nhiên. Bạn đừng chạy theo những ý nghĩ miên man đó, hãy nhận biết và trở về với hơi thở đến khi tâm trí trở nên trống rỗng, trung dung và phúc lạc.
Khi đầu óc trở nên trống rỗng, khi những suy tưởng nhẹ nhàng qua đi và những tạp niệm không còn đọng lại cũng là lúc tâm trí xuôi chảy không gì ngăn trở. Đó là lý do con người trở nên minh mẫn hơn trong thiền.
Lưu ý gì khi thiền tĩnh?
- Nên thiền vào sáng sớm hoặc buổi tối trước khi đi ngủ.
- Dành một khoảng thời gian cho việc thiền, tắt điện thoại và hạn chế những âm thanh bên ngoài.
- Không ăn quá no hoặc để bụng quá đói.
- Trang phục thoải mái.
- Nên kiên nhẫn với bản thân, cảm nhận diễn biến của việc thiền và những thay đổi bên trong cơ thể.
- Nên tìm học qua những lớp, khóa học cơ bản về thiền trước khi tự thực hành tại nhà. Bạn cần hiểu rõ điều cốt lõi và cơ bản để khi tiến hành được dễ dàng hơn.
- Nên có một vị thiền sư hướng dẫn và giải đáp những thắc mắc trong quá trình thiền.
Một số địa chỉ tham khảo:
- Yoga Secret Club: 93 Lý Phục Man, Q.7, TP.HCM
- Thiền viện Vạn Hạnh: 716 Nguyễn Kiệm, TP.HCM
- Chùa Huệ Thiên: Huyện Hóc Môn, TP.HCM
- Vô ưu trà quán: 68E Trần Quang Diệu, Hà Nội
- Thiền viện Sùng Phúc: Long Biên, Hà Nội
Phụ Nữ Ngày Nay