Một cô gái 26 tuổi, xinh đẹp, đang có tất cả, và phát hiện ung thư giai đoạn 4, đã di căn. Cô ấy sẽ làm gì để đi qua tử địa, để lại có một ngày hai năm sau, kể lại câu chuyện của mình cho những phụ nữ luôn luôn có thể bỏ lại tất cả, nhưng niềm tin và sự lạc quan thì phải đem theo, chừng nào mình còn sống… Cô gái ấy là Quỳnh, một giảng viên đại học khoa thiết kế, một cư dân Sài Gòn.
Chị phát hiện bị ung thư với những triệu chứng gì? Sau bao lâu?
Tôi bị ho khan một thời gian dài. Do amidan của tôi xưa nay dễ bị viêm nên chuyện ho khan kéo dài thỉnh thoảng vẫn hay xảy ra, và sau một thời gian sẽ tự khỏi bệnh. Vì thế lần này tôi cũng nghĩ như vậy. Đồng thời cùng lúc này, tôi lại bị đau khớp háng, tôi đã đi khám nhiều bệnh viện chuyên về cơ xương khớp, làm nhiều xét nghiệm được chỉ định, và tất cả đều chẩn đoán tôi bị viêm khớp nên đều kê đơn thuốc điều trị, tuy nhiên tôi uống thuốc rất lâu (tầm sáu tháng) vẫn không khỏi, đổi hết từ loại thuốc này qua loại thuốc khác mà vẫn không hết, những cơn đau khớp không đến thường xuyên mà chỉ thỉnh thoảng, chính điều đó cũng khiến tôi chủ quan với triệu chứng bất thường này.
Khi thấy bản thân ho khan kéo dài, tôi quyết định đi bệnh viện để khám amidan, đề nghị xin được cắt amidan để tránh tình trạng viêm thường xuyên gây cho tôi nhiều khó chịu. Khi bác sĩ nội soi amidan của tôi và kết luận amidan chỉ bị viêm nhẹ, gây sưng và gây sốt chứ không thể gây ho khan kéo dài như tôi đã trình bày, bác sĩ chỉ định cho tôi đi chụp X-quang phổi. Sau khi đọc phim X-quang phổi của tôi, phát hiện phổi có vùng mờ khá lớn, bác sĩ lập tức chỉ định cho tôi đi chụp CT. Và kết quả là phát hiện ra tôi có 3 cái u trong phổi, trong đó u lớn nhất có kích thước tầm 10cm. Sau đó, tôi đã mất rất nhiều thời gian đi xét nghiệm tại các bệnh viện khác nhau, tiến hành sinh thiết khá nhiều lần, phải thực hiện mổ để bóc tách hạch di căn tại xương đòn thì mới có kết luận chính xác mình bị ung thư gì. Tôi được chỉ định chụp PET CT để xác định chính xác các vị trí tế bào ung thư trên toàn cơ thể, và sau đó, các bác sĩ đã có kết luận cuối cùng là tôi bị ung thư hạch bạch huyết giai đoạn 4A, tức ung thư đã di căn vào hai xương háng, đó là lí do vì sao khớp háng của tôi dù có đổi bao nhiêu đơn thuốc khác nhau thì thỉnh thoảng vẫn đau buốt khiến tôi không thể đi lại.
Cảm xúc đầu tiên và suy nghĩ khi chị biết mình mắc bệnh là…?
Tất nhiên là vô cùng bất ngờ, kèm theo đó là cảm giác thật sự khó tin. Bởi thời điểm đó tôi mới 27 tuổi, còn trẻ, chưa kể tôi là người thường xuyên tập gym và bơi lội đều đặn, không nhậu nhẹt hay rượu bia gì cả. Nhưng bản thân tôi là người thích nghi khá nhanh đối với sự thay đổi, nên tôi nhớ rằng mình đã mất tầm 1-2 ngày gì đó để chấp nhận sự thật rằng căn bệnh quái ác đã chọn mình rồi, việc cần thiết nhất lúc đó chỉ là phải dành toàn bộ sức lực cuối cùng để chống chọi thôi, không được nghĩ thêm gì khác.
Bắt đầu nghe tư vấn, chị có xác định ngay phương pháp điều trị là Đông y hay Tây y không? Hay ai nói gì cũng nghe?
Thật sự chuyện Đông y hay Tây y trong điều trị bệnh ung thư nói riêng và các bệnh nan y nói chung là một vấn đề hết sức khó nói, nó phụ thuộc rất nhiều vào việc lựa chọn của chính bệnh nhân. Người thân lúc này vì lo cho bạn nên sẽ tìm mọi cách có thể để giúp bạn vì họ mong cứu được bạn, người ta có câu “Có bệnh thì vái tứ phương” mà.
Tôi cũng không ngoại lệ, bản thân tôi đã thử cả Đông y và Tây y. Tuy nhiên dù phương pháp nào cũng vậy, cách hiệu quả nhất là bạn phải tự lắng nghe được cơ thể của mình phản hồi. Có phương pháp đối với người này thì hiệu quả, đối với người kia thì lại không. Với tôi, cuối cùng tôi chọn liệu pháp hóa trị, nhưng kết hợp kèm theo là sự thay đổi trong thói quen ăn uống để nâng đỡ cơ thể, giúp cơ thể nâng cao khả năng tự chữa lành cho các tổn thương bên trong. Điều này thật sự cần sự kiên trì cũng như quyết tâm rất lớn. Lúc này, hơn gì hết, niềm tin và sự quyết tâm sẽ là những điều quan trọng nhất bạn cần phải duy trì để vượt qua mọi thứ.
Chị điều trị bao lâu, tại những bệnh viện nào? Tìm chọn bệnh viện này vì sao?
Về mặt Tây y, tôi đã tiến hành hóa trị tám chu kỳ, mỗi chu kỳ được chia thành hai lần hóa trị, tổng cộng số lần hóa trị của tôi là mười sáu lần. Tôi điều trị tại bệnh viện Quân y 175 – nơi có trang thiết bị tốt và đội ngũ bác sĩ tận tâm.
Cảm giác đáng sợ nhất trong quá trình điều trị là…?
Là tôi luôn luôn phải tìm mọi cách để ý chí và niềm tin về sự thành công của việc điều trị lấn át và chiến thắng được cảm giác đau đớn mà bệnh tật mang lại. Phải hạn chế được tối đa sự tấn công của cảm xúc bi quan và những điều gây phiền muộn. Luôn cố gắng tìm đến những hoạt động, những thú vui có thể tạo ra cảm giác vui vẻ và năng lượng tích cực. Bởi lẽ tôi hiểu rằng, khi con người ta ở trong trạng thái tiêu cực thì tế bào ung thư sẽ phát triển và sản sinh với tốc độ nhanh hơn khi ở trong trạng thái tích cực.
Thực đơn trong quá trình điều trị?
Tôi nghiên cứu rất nhiều về chế độ ăn uống, mua rất nhiều sách hay để cập nhật kiến thức, từ đó mình có sự điều chỉnh dần dần trong thực đơn của mình. Tôi nói không với tất cả những sản phẩm có nguồn gốc từ sữa động vật, tập thói quen từ bỏ các thực phẩm có tính axit, thay vào đó là sử dụng các thực phẩm có tính kiềm. Bởi vì tế bào ung thư sẽ không phát triển trong môi trường kiềm.
Chị có dùng thực phẩm chức năng kèm theo không?
Tôi dùng khá nhiều các loại thực phẩm chức năng trong khoảng thời gian tiến hành hóa trị. Sau khi hóa trị xong tôi vẫn tiếp tục sử dụng, nhưng phân bổ lại liều lượng và thời gian sử dụng chúng cho hợp lí hơn.
Chị điều trị bao lâu thì có kết quả khả thi?
Theo phác đồ bác sĩ điều trị đưa ra từ đầu thì sau khi xong giai đoạn hóa trị, tôi sẽ phải chuyển qua giai đoạn xạ trị. Nhưng thật may mắn, sau tám chu kỳ hóa trị, tôi đã đáp ứng thuốc rất tốt, kết quả rất khả quan, nên tôi không cần phải xạ trị thêm nữa.
Người ta nói cần nhất niềm tin và lạc quan khi điều trị. Có khi nào chị thấy niềm tin ấy chỉ là một chấm nhỏ xa xôi giữa mênh mông đau đớn và muốn buông tay? Rồi sau đó, cách gì để chị lại tiếp tục mong muốn sống?
Chưa bao giờ, tôi có cảm giác muốn buông tay. Tôi luôn nghĩ đơn giản rằng, cuộc đời mỗi một con người, dù sớm hay muộn, chắc chắn ai rồi cũng đều phải trải qua biến cố. Và nếu biến cố của mình đến vào lúc mình 28 tuổi thế này, thì tôi nghĩ là mình may mắn. Bởi vì tôi còn trẻ, tôi còn nhiều sức lực để cố gắng, tôi còn nhiều sự quyết tâm. Trước đó có người đã từng nói với tôi rằng năm 28 tuổi sẽ là năm tôi gặp biến cố lớn nhất của cuộc đời. Và giây phút nhớ lại lời nói ấy, tôi tự nhủ, nếu tôi có thể cố gắng vượt qua được biến cố lớn nhất này, thì chẳng phải sau này tôi sẽ càng thêm tin tưởng bản thân trước những sóng gió tương lai hay sao.
Chị có chia sẻ những cơn đau đớn với người thân không? Tâm lí của họ thế nào?
Thật ra mình không cần nói ra, người thân mình cũng sẽ tự nhìn thấy được, nếu mình nói nhiều quá chẳng phải họ càng đau lòng hơn sao.
Với những người còn đang đi qua Tử địa, còn đang chiến đấu với căn bệnh nan y đáng sợ này, chị muốn nói gì với họ?
Điều đầu tiên, tôi sẽ giới thiệu họ đọc cuốn sách “7 tỷ đường đến hạnh phúc”. Đó cũng là cuốn sách đầu tiên tôi đọc từ lúc mình phát hiện được bệnh, và nó đã giúp tôi có niềm tin rất lớn vào tinh thần và ý chí của bản thân. Tế bào ung thư chẳng qua là tế bào bị lỗi, thay vì tìm cách loại bỏ nó triệt để, bạn hãy nghĩ đơn giản hơn một chút, tìm cách sống thuận hòa với nó, ngăn nó phát triển bằng lối sống lành mạnh cũng như tinh thần lạc quan vui vẻ của mình. Tôi luôn tâm niệm rằng cơ thể mình vẫn đang chứa các tế bào ung thư, và nhiệm vụ của tôi là phải luôn duy trì được một môi trường sống ức chế sự phát triển của chúng, yêu thương chúng, chung sống hòa bình với chúng. Nhiều người hay nghĩ cái chết thật đáng sợ. Nhưng thật ra, chúng ta với mỗi ngày đang sống chẳng phải cũng là từng ngày bước thêm một bước tiến gần hơn với tử địa hay sao. Thay vì tập trung vào nỗi sợ và nỗi đau, bạn hãy để dành năng lượng tâm trí để lưu giữ những niềm vui dù là nhỏ nhất xảy ra xung quanh cuộc sống của bạn. Niềm vui là thứ năng lượng sạch nhất, tinh khiết nhất, dễ tìm thấy nhất nhưng lại có tác dụng lớn nhất trong việc ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.
Lan Anh