Tỉ lệ người mắc béo phì đang tăng nhanh ở khu vực Đông Nam Á, trong đó dẫn đầu về tốc độ là Việt Nam, hãng tin Bloomberg dẫn số liệu hãng nghiên cứu Fitch Solution.
- Ninh Dương Lan Ngọc lên tiếng về hình ảnh gầy gò, chân tay khẳng khiu
- Hành động của Trung Quốc tại khu vực bãi Tư Chính là cực kỳ nguy hiểm
Theo báo cáo Fitch Solutions Macro Research, tình trạng béo phì tăng nhanh ở Đông Nam Á tạo ra gánh nặng cho hệ thống chăm sóc ý tế và ngân sách các nước khu vực, tiêu biểu là Malaysia và Indonesia.
Đáng chú ý, Việt Nam là nước có số người béo phì (chỉ số khối cơ thể BMI trên 25) tăng nhanh nhất trong giai đoạn 5 năm tính đến hết năm 2014, ở mức 38%, theo sau là Indonesia (33%).
Tuy nhiên, tính trên tổng dân số, tỉ lệ người béo phì ở Việt Nam vẫn còn ở mức thấp (3,6%), nếu so sánh với các nước láng giềng như Malaysia (13,3%), hoặc Indonesia (5,7%).
“Tiêu chuẩn kinh tế cải thiện trong khu vực đã dẫn đến những thay đổi về lối sống, trong đó chế độ dinh dưỡng không lành mạnh trở nên phổ biến hơn. Thực phẩm giá trị dinh dưỡng thấp dễ tiếp cận, và các thói quen ăn uống kiểu phương Tây du nhập rộng rãi” – báo cáo của Fitch mô tả.
Về lâu dài, những rủi ro sức khỏe đi kèm với béo phì làm tăng chi phí chăm sóc y tế đối với các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, các nhà phân tích của Fitch đánh giá.
Malaysia là nước tiêu tốn nhiều tiền nhất vì tỉ lệ béo phì cao, chiếm đến 20% tổng chi phí chăm sóc y tế.
Theo Bloomberg, báo cáo của Fitch không bao gồm các biện pháp chống béo phì được áp dụng ở Đông Nam Á từ năm 2014. Chẳng hạn Malaysia từ ngày 1-7 năm nay đánh thuế lên các loại nước uống có đường (nước ngọt, nước trái cây, đồ uống ở nhà hàng…) để hạn chế việc tiêu thụ.
Bên ngoài Đông Nam Á, Hàn Quốc cũng là nước có số người béo phì tăng 38% trong giai đoạn 5 năm, đạt tỉ lệ 5,8% trên tổng dân số. Tại Mỹ còn “kinh hoàng” hơn: 33,7% dân số nước này béo phì (tăng 8%).
Theo Phúc Long (tuoitre.vn)