Răng khôn, tên nha khoa chính xác là răng số 8, thủ phạm của những cơn đau nhức khi trưởng thành, nỗi lo lắng khôn nguôi cả khi nó không (hoặc chưa) đau, có thật sự đáng sợ và cần phải nhổ bỏ?
Bình thường, chỉ là vị trí thôi!
4 chiếc răng bị coi là đặc biệt và thường xuyên gây khó chịu khi mọc này, nằm vị trí trong cùng của hàm và thường chỉ mọc lên sau khi bạn 18 tuổi, có lẽ vì thế nó được gọi là răng khôn.
Cũng như răng số 6,7, răng số 8 là răng hàm, dùng để nhai các thực phẩm cứng, nhưng mọc ở vị trí trong cùng của hàm, lại xuất hiện sau chót, nên nó thường gây ra rắc rối. Ngoài ra, vì ở vị trí trong hốc kẹt, răng dễ bị phần nướu lợi trùm lên che khuất nên rất khó vệ sinh.
Vì vậy, răng số 8 thường gây nên đau đớn và phiền toái khi:
– Bị viêm lợi trùm, có thể biến chứng thành viêm mô tế bào hay nhiễm trùng máu, rất nguy hiểm.
– Thức ăn bị giắt ở kẽ răng số 7 – số 8, tạo mảng bám, gây hôi miệng, viêm lợi, viêm chân răng, cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng nặng gây nguy hiểm.
– Răng mọc ngang, đâm vào răng số 7, hoặc làm xô lệch các răng phía trước, hàm răng sẽ bị hô hoặc lổn nhổn khó coi.
– Mọc lệch đâm vào răng số 7 gây hỏng răng số 7 và rất đau đớn do nướu răng là nơi chứa nhiều dây thần kinh, dễ gây đau đầu.
Nên luôn luôn phải nhổ răng số 8?
Đó là khi chúng gây các phiền toái trên. Khoảng 10% nhân loại không bị răng số 8 làm phiền, thậm chí chúng vẫn khỏe mạnh và hữu ích.
Chỉ khi “răng khôn mọc lệch” thì việc nhổ bỏ là bắt buộc!
Nếu nó chưa hề gây đau đớn, 18 tuổi, bạn hãy đi chụp phim răng và để bác sĩ chỉ định nhổ hay giữ răng số 8.
Nếu phải nhổ răng số 8, cần biết những gì?
Răng số 8 có thể nhổ cùng lúc 2 cái cùng phía nếu được bác sĩ chỉ định.
Chụp phim, thử máu trước khi nhổ là cần thiết.
Chảy máu sau khi nhổ răng là bình thường, thậm chí cái vết mổ lấy răng còn cần khâu lại, bạn không thể nói lớn hay há miệng rộng như bình thường trong vài ngày, nếu tình trạng kéo dài hơn thì nên đến gặp bác sĩ.
Những trường hợp hiếm gặp như: Sốc phản vệ, choáng khi phẫu thuật đều được bác sĩ chuẩn bị xử lý nếu xảy ra.
Nhổ bỏ răng số 8 sau 35 tuổi được cho là khó hơn và mất nhiều thời gian hơn để phục hồi.
Không nên nhổ răng vào lúc đang sưng đau, đang ốm, có bệnh máu khó đông, bị bệnh tim mạch,huyết áp…
Nên nhổ răng số 8 vào tuổi 18-20 vì khả năng phục hồi của cơ thể tốt. Khi răng số 8 đã có biến chứng thì tuổi nào cũng cần phải nhổ.
Nên nhổ răng số 8 vào buổi sáng hoặc đầu giờ chiều, không nên nhổ vào lúc chiều muộn hoặc tối, tránh biến chứng hay sốc phản vệ không được phát hiện và xử lý kịp thời.
Phụ nữ không nên nhổ răng số 8?
– Phụ nữ có thai và đang cho con bú không nên nhổ răng số 8 vì sẽ ảnh hưởng đến thai nhi và con nhỏ.
– Phụ nữ nên nhổ tất cả các răng số 8 trước khi lấy chồng và có thai.
– Không nhổ răng này khi đang kỳ kinh nguyệt.
Thanh Trần