Những ngày qua có tin vi khuẩn ‘ăn thịt người’ gây bệnh whitmore xuất hiện tại Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Nguyên… khiến người dân lo lắng. Cùng lúc Bệnh viện Bạch Mai có hàng loạt ca bệnh whitmore nhập viện.
Một bệnh nhân bị vi khuẩn “ăn” mất cánh mũi, ở Hà Tĩnh có bệnh nhân bị vi khuẩn ăn mất ngón chân. Vậy có hay không vi khuẩn ăn thịt người đang gây hại?
Căn bệnh bị lãng quên
Ngày 15-9, bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Ngân – khoa tai mũi họng, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An – cho biết bệnh viện này đã phát hiện và điều trị cho 3 bệnh nhi bị bệnh whitmore.
Trước đó, bệnh viện này đã tiếp nhận 3 bệnh nhi gồm: Nghiêm Thanh T. (14 tuổi, ngụ huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), Hoàng Văn C. (10 tuổi, ngụ xã Thanh Ngọc, Thanh Chương, Nghệ An), Nguyễn Công H. (11 tuổi, ngụ xã Công Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An).
Ba bệnh nhi được người nhà đưa đến viện với tình trạng ápxe viêm tuyến nước bọt mang tai, tình trạng chuyển biến nặng.
Người nhà các em cho hay do bệnh có biểu hiện giống quai bị nên đã tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nhiều ngày không thấy bệnh tình thuyên giảm mà khu vực vùng da bị ápxe nên chuyển đến bệnh viện.
Theo bác sĩ Ngân, kết quả cấy mủ, xét nghiệm máu thì phát hiện cả 3 em nhỏ đã dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (bệnh whitmore).
Sau một thời gian điều trị, hiện bệnh nhi T. đã ổn định và được xuất viện về nhà. Riêng 2 em H. và C. đang tiếp tục được điều trị tại bệnh viện.
Trước đó, ngày 12-9, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh tiếp nhận điều trị bệnh nhân Đ.X.H. (61 tuổi, ngụ huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) mắc bệnh whitmore.
Trước khi nhập viện, bệnh nhân H. bị sốt cao liên tục, 2 ngón chân phải sưng, nóng, chảy dịch có mùi hôi… Các bác sĩ chỉ định lấy máu của bệnh nhân nuôi cấy và cho kết quả bệnh nhân mắc bệnh whitmore.
Mặc dù được điều trị tích cực nhưng bệnh nhân H. vẫn sốt cao, rét run, tình trạng nhiễm trùng nặng, do vậy Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh đã chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên.
Tiền sử của bệnh nhân H. bị đái tháo đường type II, biến chứng loét ngón 2 bàn chân phải.
Theo nhận định của các bác sĩ, do bệnh nhân này tiếp xúc với bùn đất mà không có phương tiện bảo hộ nên bị vi khuẩn Burkholderia pseudomallei xâm nhập.
Dễ nhầm lẫn bệnh
Bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Ngân lưu ý các triệu chứng lâm sàng của bệnh cũng rất mơ hồ, chẩn đoán rất khó nên dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh viêm phổi, nhiễm khuẩn da mô mềm, nhiễm khuẩn xương khớp, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, liên cầu…
Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và vẫn có thể tử vong dù đã được chẩn đoán đúng.
Trước đó, tại Bệnh viện Bạch Mai, một bệnh nhân whitmore nhập viện trong tình trạng bị vi khuẩn ăn mất phần tổ chức mềm của cánh mũi.
Ban đầu bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng huyết do tụ cầu, nhưng qua cấy máu và mủ vùng bị tổn thương cho thấy bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn whitmore.
Việc vi khuẩn “ăn” mất cánh mũi bệnh nhân khiến nhiều người gọi đây là “vi khuẩn ăn thịt người”.
Theo ông Nguyễn Trung Cấp – Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, bản chất y học không có khái niệm chính thống “vi khuẩn ăn thịt người”, nhưng những loại tác nhân gây tình trạng hoại tử rất nhanh thường được gọi tên này.
Tuy nhiên ông Cấp nhận định whitmore không phải gây hoại tử nhanh như nhiều tác nhân “ăn thịt người” khác, vì thế gọi whitmore là “vi khuẩn ăn thịt người” có phần chưa đúng.
Trong khi đó có một số nhóm liên cầu, tụ cầu… gây tình trạng hoại tử rất nhanh có thể gọi tên “vi khuẩn ăn thịt người”.
Theo ông Đỗ Duy Cường – giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, whitmore được ghi nhận rải rác từ những năm 1950 nhưng số lượng ít, 5-10 năm có khoảng 20 ca, và được xếp vào nhóm căn bệnh bị lãng quên.
Gần đây bệnh có dấu hiệu gia tăng, riêng Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 20 ca bệnh whitmore, trong đó riêng tháng 8 vừa qua có 12 ca bệnh, 4 người trong đó đã tử vong.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư tiếp nhận 10-20 bệnh nhân/năm, chưa kể bệnh nhân vào các bệnh viện ở Nghệ An, Hà Tĩnh…
Số trường hợp mắc bệnh có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt vào tháng 7-11 là thời điểm mưa nhiều hằng năm.
Phòng bệnh như thế nào?
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, rất khó khăn trong việc phòng căn bệnh này do whitmore ẩn trong đất, bùn, bệnh xâm nhập thông qua các vết thương hở, do bệnh có nhiều dấu hiệu giống các căn bệnh khác nên dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, ápxe cơ, nhiễm trùng huyết. Ngay cả khi chẩn đoán được bệnh thì việc điều trị cũng rất khó khăn, phải dùng kháng sinh liều cao điều trị tấn công trong 2 tuần, sau đó phải theo dõi và dùng kháng sinh duy trì trong 3-6 tháng nữa, tuy nhiên cho đến nay tỉ lệ tử vong do bệnh này vẫn lên đến 40%. Whitmore ẩn trong bùn, đất và người dân tiếp xúc với bùn đất không có phương tiện bảo hộ lao động lại rất nhiều. Bác sĩ Cấp cho biết đã từng có chủ ruộng ở Nghệ An nhiễm whitmore, sau đó có vài người ngã xe máy ở đó cũng nhiễm bệnh. Nhưng không dễ phát hiện những vùng có vi khuẩn trong đất như vậy. Người dân nên phòng bệnh bằng cách sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động khi lội bùn, tiếp xúc với bùn đất để phòng tránh căn bệnh này. |
Thông tin về vi khuẩn ăn thịt người V.vulnificus
Theo trang LiveScience, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vi khuẩn ăn thịt người (flesh-eating bacteria) sống ở biển có thể lây lan sang những vùng biển chưa từng bị nhiễm loại vi khuẩn này trước đó. Trang này dẫn báo cáo nghiên cứu đăng ngày 17-6 trên tạp chí Annals of Internal Medicine của nhóm tác giả thuộc Bệnh viện Đại học Cooper ở Camden, bang New Jersey (Mỹ) mô tả 5 trường hợp bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người nghiêm trọng ở những người tiếp xúc với nước biển hoặc hải sản ở vịnh Delaware, khu vực nằm giữa Delaware và New Jersey (Mỹ). Những ca nhiễm khuẩn này về lịch sử khá hiếm ở vịnh Delaware vì loại vi khuẩn ăn thịt người có tên Vibrio vulnificus (V.vulnificus) thường ưa sống ở vùng biển nước ấm, kiểu như vịnh Mexico. Tuy nhiên theo nhóm nghiên cứu, khi nhiệt độ nước biển tăng do biến đổi khí hậu, vi khuẩn V.vulnificus có thể di chuyển xa hơn về phía bắc, khiến tình trạng lây lan của nó vượt quá các giới hạn trước đây. Vi khuẩn ăn thịt người V.vulnificus thường sống ở những vùng biển có nhiệt độ trên 55 độ F (13 độ C). Nguy cơ con người bị nhiễm loại vi khuẩn này có thể tồn tại ở hai dạng: hoặc họ ăn phải loại hải sản nhiễm khuẩn V.vulnificus, hoặc họ có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với nước biển nhiễm khuẩn. Mặc dù hầu hết những người nhiễm khuẩn V.vulnificus sẽ chỉ phát sinh các triệu chứng nhẹ, nhưng cũng có những người bị nhiễm trùng máu hoặc da nghiêm trọng tới đe dọa tính mạng. Vi khuẩn V.vulnificus có thể gây chứng viêm hoại tử (necrotizing fascilitis), tình trạng nhiễm trùng vi khuẩn ăn thịt người tiến triển rất nhanh, hủy hoại phần mô của cơ và da người bệnh. Người bệnh hoặc phải cắt bỏ các chi hay tử vong. Nhóm nghiên cứu cho biết từ năm 2008-2016 bệnh viện của họ chỉ tiếp nhận 1 trường hợp nhiễm V.vulnificus. Nhưng chỉ riêng trong mùa hè 2 năm 2017 và 2018 là 5 trường hợp. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC), tình trạng nhiễm khuẩn V.vulnificus gây viêm hoại tử không xảy ra với những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Nguy cơ cao rơi vào tình trạng biến chứng nghiêm trọng này là những người có bệnh gan kinh niên hoặc một dạng bệnh nào đó gây suy yếu chức năng miễn dịch của cơ thể. Để phòng ngừa nhiễm khuẩn V.vulnificus, CDC khuyến cáo những người có vết thương hở nên tránh tiếp xúc nước biển hoặc phải dùng băng y tế chống nước. Để giảm nguy cơ nhiễm bệnh, họ cũng khuyên mọi người nên tránh ăn hải sản có vỏ (shellfish) còn sống hoặc chưa chín. |
Theo ĐẮC LUÂN (tuoitre.vn)