Nguy cơ bệnh tiêu chảy với người dân vùng lũ

Hiện tại, 5 tỉnh/thành miền Trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đang phải đối mặt với mưa lũ. Theo thống kê ban đầu đã có hơn 130 người chết và mất tích, hàng triệu gia súc, gia cầm bị cuốn trôi. Đời sống của vài triệu người dân đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, người dân vùng lũ đang phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh.

Theo các chuyên gia, trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số vi sinh vật, bụi, rác, chất thải,… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Những dịch bệnh phổ biến trong vùng lũ như: sốt xuất huyết, sốt rét, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ. Tuy nhiên, gặp nhiều nhất là tiêu chảy, bởi môi trường ô nhiễm và thiếu nước sạch.

12-1603291684508413312578-16032928139491631079077-0-0-363-580-crop-1603292822252425378866

Người dân vùng lũ phải đối mặt với nhiều nguy cơ, trong đó có dịch bệnh. Ảnh: Viettime

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng 3 lần hoặc nhiều hơn mỗi ngày. Bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn. Bệnh có liên quan chặt chẽ với điều kiện môi trường, nước, an toàn thực phẩm và thói quen vệ sinh của người dân.

Bệnh nhân bị tiêu chảy sẽ có các triệu chứng nhiễm khuẩn cấp tính đường tiêu hóa như đầy bụng, sôi bụng; tiêu chảy liên tục, nhiều lần, lúc đầu phân lỏng, sau toàn nước, nôn, lúc đầu nôn ra thức ăn, sau chỉ nôn ra toàn nước trong hoặc màu vàng nhạt; người mệt lả, có thể bị chuột rút. Biểu hiện tình trạng mất nước từ nhẹ đến nặng như: khát nước, da khô, nhăn nheo, hốc hác, mắt trũng, mạch nhanh, huyết áp hạ, có khi không đo được huyết áp, tiểu tiện ít hoặc vô niệu, chân tay lạnh, có thể dẫn đến tử vong.

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy nhưng với vùng lũ thì nguồn nước bị ô nhiễm là nguyên nhân chính. Bởi khu vực này không cung cấp đủ nước sạch, điều kiện vệ sinh môi trường không tốt.

ttxvnngapothuathienhue1-16032931356041051849268 Người dân xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế, di chuyển trong nước lũ (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, khi bị tiêu chảy quan trọng nhất là bù nước và điện giải. Người dân có thể bù nước bằng dung dịch oresol hoặc viên hydrite, chú ý pha dung dịch bù nước phải theo đúng hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất. “Bệnh nhân khi đã dùng thuốc và bù nước, điện giải mà các triệu chứng không cải thiện hoặc tiêu chảy có kèm theo sốt, nôn, kèm theo tình trạng mất nước mắt trũng, môi khô, ít nước tiểu, lú lẫn, lơ mơ thì cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế”, ông Phu nói.

Để đảm bảo nguồn nước ăn uống và nước sinh hoạt trong vùng lũ, từ đó hạn chế mắc tiêu chảy, người dân cần sử dụng nước sạch, ăn chín, uống sôi, giữ vệ sinh môi trường. Tại khu vực không có nước sạch, người dân có thể dùng hợp chất chứa clo theo đúng hướng dẫn và nồng độ quy định để đạt nồng độ Clo dư từ 0,3-0,5mg/lít nước. Trong trường hợp xử lý nguồn nước bằng bột cloramin B hàm lượng 25 – 30%, cần dùng với nồng độ 10mg/lít.

Cũng theo ông Phu, sau khi lũ rút, chính quyền địa phương và người dân cần tổ chức tổng vệ sinh nhà cửa và khu vực xung quanh nhà, đường làng ngõ xóm. Thu gom rác, cây cối, xác động thực vật chôn lấp kỹ và xử lý đúng quy trình, phải rắc vôi bột phủ lên xác động vật trước khi lấp đất. Người dân cần thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn; dụng cụ, bát đũa cần rửa sạch để khô ráo; bảo quản thức ăn đã nấu chín bằng cách đậy lồng bàn, tránh ruồi, nhặng, gián, thạch sùng, bụi bặm làm nhiễm bẩn.

Theo Linh Trần – phunuvietnam.vn

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN