Các loại gia vị và thảo mộc thiên nhiên dưới đây là một trong những bí kíp giúp bảo vệ cơ thể khỏi các vấn đề về hô hấp, đồng thời tăng cường sức đề kháng chống lại các loại bệnh dễ gặp vào mùa lạnh.
- Cảnh giác biến chứng cảm lạnh gây tử vong
- Cẩm nang bảo vệ sức khỏe khi trời trở lạnh
- 15 cách giúp phòng tránh cảm cúm ở người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính trong mùa lạnh
Những ngày cuối tháng 11, đầu tháng 12, mùa đông chính thức trở về với mức nhiệt giảm sâu và những cơn gió lạnh ngay từ đầu mùa kéo theo sự xuất hiện của một loạt những căn bệnh phổ biến, trong đó có thể kể đến như: các loại bệnh về đường hô hấp, bệnh cảm cúm hoặc cảm lạnh. Tuy đây là những loại bệnh phổ biến tới mức ai cũng gặp phải ít nhất vài lần trong đời, song, nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời rất có thể gây ra những biến chứng khác, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Thuốc kháng sinh được coi là một trong những giải pháp chữa trị hiệu quả, tuy nhiên, nếu tự ý sử dụng hoặc dùng không đúng cách có thể gây ra tình trạng kháng thuốc vô cùng nguy hiểm. Do đó, hãy tận dụng những loại gia vị và thảo mộc thiên nhiên hữu ích dưới đây để nâng cao sức đề kháng của bản thân, bảo vệ sức khỏe trong thời điểm mùa cúm đang bùng phát.
Cảm lạnh là một trong những căn bệnh phổ biến trong giai đoạn thời tiết trở mùa này. (Ảnh: Internet)
10 loại gia vị và thảo mộc giúp bảo vệ cơ thể khỏi cảm lạnh và các vấn đề về hô hấp
Dưới đây là những loại gia vị và thảo mộc phòng ngừa cảm lạnh mà mỗi gia đình nên chuẩn bị sẵn trong nhà, đặc biệt vào mùa lạnh:
Quế
Quế là loại thảo mộc có tác dụng tuyệt vời trong điều trị cảm lạnh tự nhiên. (Ảnh: internet)
Những sản phẩm làm từ quế như trà quế, bột quế đều có thể làm thành những loại đồ uống giúp làm ấm cơ thể, giúp giảm nghẹt mũi và làm sạch xung huyết niêm mạc. Nhờ đặc tính kháng nấm và giảm đau của quế nên nó được sử dụng để điều trị viêm phế quản.
Quế là loại thảo mộc có tác dụng tuyệt vời trong điều trị cảm lạnh tự nhiên. Theo đó, bạn có thể trà quế hoặc pha nước sôi với bột quế để làm thành trà, hoặc rắc lên thức ăn sử dụng mỗi ngày để giúp cơ thể phòng ngừa bệnh cảm lạnh.
Gừng
Gừng giúp giảm viêm, giảm đau họng, cảm giác buồn nôn và các triệu chứng đau,… (Ảnh: internet)
Ngoài quế, gừng cũng là một trong những loại gia vị hữu ích và được dùng để chế biến rất nhiều món ăn. May mắn ở chỗ, gừng được sử dụng phổ biến và quen thuộc đối với mỗi gia đình.
Vị cay từ gừng giúp làm ấm cơ thể, đồng thời giảm viêm, đau họng và buồn nôn cùng các triệu chứng đau khác. Ngoài ra còn hỗ trợ tốt cho đường tiêu hóa và làm chậm quá trình tạo cholesterol. Nhờ thế mà một tách trà gừng khi cơ thể bị nhiễm lạnh có tác dụng rất lớn, khi đó trà gừng sẽ giúp làm ấm bụng, trừ hạn, trị cảm và làm dịu các cơn đau nhức. Không chỉ thế, khả năng chống viêm của gừng còn giúp loại bỏ chất lỏng dư thừa ra khỏi cổ họng do bị nhiễm lạnh.
Theo đó, khi bị cảm lạnh, chỉ cần pha nước nóng và thêm 2 muỗng cà phê gừng vào (có thể pha kèm chút đường cho dễ uống) và đợi khoảng vài phút là bạn đã có thức uống ấm nóng và tác dụng cao trong điều trị bệnh cảm lạnh.
Tỏi
Tỏi giàu đặc tính chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch, kháng khuẩn và thậm chí có thể tiêu diệt vi khuẩn. (Ảnh: Inetrenet)
Nhờ đặc tính chống oxy hóa, tăng cường hệ miễn dịch cùng các lợi ích chống nấm, chống viêm và kháng virus, tỏi từ lâu đã được sử dụng như một trong những sản phẩm tự nhiên giúp ngăn ngừa cảm cúm, cảm lạnh.
Để phòng ngừa các bệnh về hô hấp, ho và viêm họng, bạn có thể dùng tỏi để ngâm giấm hoặc chế biến vào nhiều món ăn và sử dụng mỗi ngày.
Cam thảo
Được biết đến là loại thảo mộc có chứa hợp chất glycyrrhizin, có tác dụng lớn trong việc chống lại các loại virus, bệnh cúm và các bệnh về đường hô hấp, do đó, muốn phòng ngừa cảm lạnh hoặc cảm cúm, bạn chỉ cần ngậm một miếng nhỏ rễ cam thảo sẽ giúp giảm ho và làm ấm cơ thể rất tốt. Ngoài ra, cam thảo có vị ngọt nên rất dễ sử dụng.
Húng quế
Húng quế có tác dụng vô cùng hiệu quả giúp hạn chế sốt và giảm các triệu chứng ho, cảm lạnh và cúm. (Ảnh: Internet)
Húng quế là một loại rau thơm được sử dụng chủ yếu trong ẩm thực, không chỉ có mùi thơm, vị ngon, húng quế còn giúp hạn chế sốt và giảm các triệu chứng ho, cảm lạnh và cúm vô cùng hiệu quả.
Húng chanh
Khác với húng quế, húng chanh chứa nhiều vitamin C, do đó sẽ giúp bạn cảm thấy thư giãn và thoải mái hơn.
Cách dùng húng chanh như sau: Bạn có thể cho 5, 6 lá húng chanh vào một chén nước rồi đổ nước sôi lên, sau đó đợi vài phút và uống như uống trà. Tuy nhiên, với những người có vấn đề về tuyến giáp thì nên đặc biệt lưu ý và cần tìm hiểu kỹ (hoặc hỏi ý kiến của bác sĩ) trước khi sử dụng húng chanh.
Húng tây
Húng tây có thể kháng khuẩn, kháng nấm và virus. (Ảnh: internet)
Để phòng ngừa cảm cúm, ho trong mùa lạnh, bạn có thể cắt nhỏ lá húng tây, hành tây và tỏi rồi ngâm với mật ong trong vòng 3 giờ đồng hồ rồi dùng với trà hoặc nước ấm mỗi ngày.
Sở dĩ có thể đem lại tác dụng này là bởi húng tây có thể kháng khuẩn, kháng nấm và virus.
Hạt tiêu đen
Hạt tiêu đen giúp làm ấm cơ thể và giảm các triệu chứng khó thở do cúm và giảm đờm. (Ảnh: Internet)
Hạt tiêu đen là một loại gia vị thường dùng trong các bữa ăn của người Việt, có vị thơm và hơi cay có thể giúp làm ấm cơ thể và giảm các triệu chứng khó thở do cúm. Ngoài ra, tiêu đen còn được người Trung Quốc sử dụng để làm giảm đờm.
Thảo mộc hương
Thảo mộc hương được biết đến là một loại thảo dược rất tốt cho hệ hô hấp. Nó không chỉ giúp cơ thể chống nhiễm trùng, giảm ho, làm dịu vùng bị kích ứng mà còn có đặc tính kháng khuẩn. Ngoài ra, thảo mộc hương còn giúp ổn định lượng đường trong máu và nuôi dưỡng vi khuẩn có lợi trong ruột.
Bởi những lý do này, các gia đình nên chuẩn bị sẵn thảo mộc hương để phòng ngừa cảm cúm, cảm lạnh.
Sả
Cây sả có vị cay, tính ấm vào 2 kinh: phế và vị, được dùng làm thuốc chữa cảm lạnh, ho do lạnh…rất hiệu quả. (Ảnh: Internet)
Từ lâu, sả được coi như một giải pháp hữu hiệu đối với những người bị cảm cúm, cảm lạnh. Bạn có thể đổ 1 cốc nước sôi trên 5/6 lá sả tươi (hoặc 1 thìa lá khô) uống lúc nóng, hoặc bạn cũng có thể thái nhỏ sả, cho vào một túi lưới rồi thả vào bồn tắm nước nóng để ngâm mình, xông hơi. Hiện nay, nhiều người cũng sử dụng sả trong pha chế để đem lại mùi thơm, vị ngon và tốt cho sức khỏe.
Theo An Nhi – phunuvietnam.vn