Biến đổi gen: chờ được vạ, má đã sưng

Từ khi thực phẩm biến đổi gen xuất hiện trong đời sống, nhiều tranh cãi đã nổ ra: phe cho rằng biến đổi gen đi ngược tự nhiên, về lâu dài sẽ hủy diệt hệ sinh thái; phe khác khẳng định biến đổi gen không có hại, là phương án giải quyết vấn nạn thiếu lương thực toàn cầu. Kết luận nào là đúng, chắc phải vài chục năm nữa mới có. Nhưng tới lúc đó, chúng ta rất có thể rơi vào tình thế “chờ được vạ, má đã sưng”.

s1GMO, “đũa thần phẫu thuật thẩm mỹ”

Biến đổi gen ở cây trồng không phải là vấn đề mới. Sự thật là, việc này đã được ông bà ta ứng dụng trong nông nghiệp từ khoảng năm 10.500 – 10.100 TCN. Việc này tạo ra các con lai có ưu thế hơn bố mẹ, như trái ngọt hơn, quả to hơn…

s8Thế nhưng, những phép lai này đồng thời mang theo cả những tính trạng lặn không mong muốn mà con người không kiểm soát được, khiến cho sản phẩm có thể có “tì vết”. Từ đó sinh ra nhu cầu giữ lại gen tốt, loại bỏ gen xấu theo ý muốn, khiến đặc điểm bất lợi ít xuất hiện hơn hoặc không xảy ra. Và GMO ra đời.

Theo WHO, GMO là viết tắt của Genetically Modified Organism, có nghĩa là “Sinh vật biến đổi gen” – bao gồm thực vật, động vật hoặc vi sinh vật – có vật liệu di truyền (DNA) bị thay đổi không bằng cách tự nhiên (giao phối/ tái hợp tự nhiên). Công nghệ này còn được gọi là công nghệ sinh học hiện đại/ công nghệ gen/ công nghệ DNA tái tổ hợp/ công nghệ di truyền DNA. Nó cho phép các gen riêng lẻ được chọn chuyển từ sinh vật này sang sinh vật khác, giữa các loài không liên quan. Thực phẩm được sản xuất từ hoặc sử dụng sinh vật biến đổi gen được gọi là thực phẩm biến đổi gen.

s3Theo đó, định nghĩa GMO này không dành cho những sản phẩm lai tạo như ghép cành, chiết cành… mà ông bà ta từng sử dụng. GMO là những sản phẩm đi ra từ phòng thí nghiệm, với bộ gen đã được “tút tát” kĩ càng như thể bạn đi phẫu thuật thẩm mỹ. Bạn có thể thấy lợi ích của công nghệ này khi là một người lười biếng: cảm thấy việc nhằn hạt khi ăn dưa hấu quả là bực mình, vậy hãy chọn dưa biến đổi gen để ăn cả trái thoải mái mà không gặp bất kì “chướng ngại” nào!

Ác quỷ hay thiên thần?

Tất nhiên, GMO ra đời không hẳn chỉ để phục vụ sự lười biếng của loài người. Các loài GMO có bộ gen được cho là vượt trội hơn lai giống tự nhiên sẽ đem đến cho bạn sản lượng cao hơn, kháng bệnh tốt hơn, giải quyết nạn đói toàn cầu, khi dân số tăng mạnh, đất nông nghiệp nhường chỗ cho nhà ở. Nó dường như đã giúp nông dân có những ngày mùa nhẹ nhàng, với năng suất vượt trội. Nổi tiếng nhất có lẽ phải kể đến đậu nành, ngô, cây bông (làm bông vải), củ cải đường, cải dầu… với sự chiếm lĩnh khoảng 90% thị trường toàn cầu.

s5s4Thế nhưng, vẻ đẹp thiên thần của “loài GMO” này dường như chỉ là vỏ bọc. Bởi sau một thời gian đưa vào sản xuất đại trà, nó bắt đầu bộc lộ những nguy hiểm.

Đầu tiên, giống GMO gây hại cho các sinh vật khác trong cùng khu vực sinh tồn, dù không chủ đích. Tạp chí Nature từng công bố một số nghiên cứu gây tranh cãi rằng phấn hoa từ ngô biến đổi gen Bt gián tiếp làm chết loài bướm vua. Ngô Bt được thiết lập bộ gen chống lại sâu đục thân ngô, nhưng phấn hoa của chúng theo gió bay lẫn vào phấn hoa của hoa bông tai – thức ăn của bướm vua – gây ra cái chết trên diện rộng của loài này. Nhiều loài khác cũng bị ảnh hưởng theo. Số lượng côn trùng giảm khiến việc thụ phấn tự nhiên của các loài khác trong khu vực cũng giảm.

Giống GMO cũng làm giảm hiệu quả của thuốc trừ sâu. Trong tự nhiên, các loài liên tục tìm ra cách đối phó mới với “địch thủ”. Luc Jacquet, đạo diễn phim tài liệu người Pháp đã từng lý giải về điều này trong bộ phim Rừng xanh kì diệu (2013): Trong rừng, cây lạc tiên chỉ có một kẻ thù là sâu bướm Heliooonius. Lạc tiên đời sau, đã đột biến lá của mình trở nên rất độc khiến loài sâu bướm này chết rụi khi ăn. Do đó, lạc-tiên-mới trở nên phồn thịnh, và Heliooonius lại tìm cách tiến hóa để miễn nhiễm với chất độc này. Để chống lại, Lạc-tiên-mới “nghĩ” ra cách thay đổi hình dạng lá để đánh lừa Heliooonius… Cứ như thế, các giống loài liên tục “nâng cấp” chính mình và đối thủ.

s6Giống GMO cũng kích thích việc “nâng cấp” đó ở đối thủ. Các đối thủ nhanh chóng tiến hóa để đánh bại sự ưu việt của giống GMO, rồi trở thành hiểm họa với giống thuần chủng – vốn còn chưa có nổi bộ gen như giống GMO. Thuốc trừ sâu, khi đó, không còn mấy tác dụng. Điều này khiến cho giống cây thuần chủng đối mặt với “thảm họa tuyệt chủng” lúc nào không hay.

Điều nguy hiểm thứ ba, là giống GMO có thể chuyển gen các loài khác một cách không chủ đích. Côn trùng đâu phân biệt được cánh đồng này trồng GMO, không được thụ phấn. Chúng bay từ cánh đồng GMO này sang cánh đồng giống bản địa khác, vô tình thụ phấn chéo, có khi mang theo “gen kháng cỏ dại” của cây ngô GMO cho chính… cỏ dại, làm bùng phát nạn “siêu cỏ”. “Siêu cỏ” xâm lấn đất đai, làm mất cân bằng sinh thái vùng.

Cuối cùng, việc phụ thuộc vào giống GMO có thể là một chiêu trò chính trị như giả thuyết của nhà báo Micheal Pollan trong Tối nay ăn gì? Thế lưỡng nan của loài ăn tạp. Các cây trồng từ giống GMO không có khả năng sinh sản. Bạn không thể trồng ngô từ hạt giống GMO, nếu có, cây cũng không cho trái. Nếu nông dân bỏ hạt giống thuần chủng bản địa, tới mùa chỉ việc đi mua hạt giống từ nhà máy, họ sẽ bị phụ thuộc cả đời: nhà máy cho trồng giống nào thì trồng giống đó, mất khả năng kiểm soát tính trạng sinh vật, mất luôn sự kiểm soát trên cánh đồng, bởi kinh nghiệm trông nắng trông mưa tích lũy qua trăm năm “không có cửa” với sinh vật biến đổi gen. Điều đó có nghĩa là, sự tự chủ của nông dân hoàn toàn bị tước đoạt.

Đặc biệt, các nhà khoa học còn cố gắng chuyển gen động vật vào thực vật, có lẽ mong muốn cho ra một loài cây quang hợp mà sản xuất được thịt bò (?!), giống như nghi vấn trường hợp “giống lúa vàng” (golden rice) nổi tiếng một thời. GMO quả thực ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Nếu không, người ta đã không lánh như lánh hủi như trường hợp bạch đàn biến đổi gen ArborGen: bị từ chối và lên án mạnh mẽ ở Nam Hoa Kỳ, New Zealand dù “chịu lạnh tốt, tạo ra ít xơ và cho sản phẩm ethanol (một loại nhiên liệu sinh học) chất lượng cao”!

Bên cạnh đó, giống GMO còn bị nghi vấn ảnh hưởng tới chính loài người như tăng tỉ lệ dị ứng thực phẩm, gây ra các bệnh về da như mề đay, viêm da…

Chờ được vạ, má đã sưng

Dù được “bảo kê” bởi rất đông giới khoa học, cho rằng GMO không có hại cho sức khỏe con người, nhưng làn sóng phản đối GMO vẫn diễn ra vô cùng mạnh mẽ trên thế giới. Chưa cần xem xét báo cáo khoa học hay số liệu nào từ chính phủ, chỉ riêng việc từng có “tiền sử” nhà nghiên cứu nhận tiền từ công ty sản xuất sữa bò, che giấu việc sữa bò gây loãng xương đã đủ để người dân mất lòng tin vào khoa học. Rất có thể vài chục năm nữa, khi giống GMO trở nên mất kiểm soát, giới nghiên cứu mới thú nhận mình đã nhầm. Khi ấy, chúng ta và con cháu chúng ta – những thế hệ lớn lên từ GMO – không biết sẽ dùng cách nào để… nôn hết đống thức-ăn-lòng-tin ấy ra khỏi người?

Khi ấy, rất có thể là, chờ được vạ, má đã sưng!

s7Làm sao để phân biệt đâu là GMO, đâu là non GMO?

* Ưu tiên dùng sản phẩm bản địa quen thuộc, như tránh tham lam chọn đậu nành hạt to – bởi giống thuần chủng hạt nhỏ và chắc.

* Tránh sử dụng rau củ, cây trái “lạ” như táo, khoai tây không thâm, dưa hấu không hạt…

* Cẩn thận khi lựa chọn thực phẩm có nguy cơ biến đổi gen cao như đậu nành, ngô, cải dầu, cà chua, cà rốt, củ cải đường… Thậm chí, lợn, gà nuôi bằng đậu nành hay ngô biến đổi gen (phơi nhiễm GMO) cũng là hiểm họa.

* Chọn quần áo từ vải linen (vải lanh) hay bông hữu cơ thay vì quần áo công nghiệp.

* Đọc nhãn kĩ càng:

– Chọn sản phẩm có chứng nhận hữu cơ hay Non-GMO Project Verified, tem mác rõ ràng (thường là các sản phẩm nhập ngoại).

– Tránh xa những sản phẩm trong thành phần có chứa đậu nành, dầu hạt cải, ngô, củ cải đường… hay chế phẩm từ chúng (bột ngô, xi-rô ngô, chất làm ngọt như fructose, dextrose, glucose, protein đậu nành, đậu nành phân lập, isoflavone đậu nành, lecithin đậu nành, protein thực vật, protein thực vật kết cấu (TVP)…). Hầu hết các sản phẩm chế biến sẵn như nước tương công nghiệp, bánh quy, bim bim, sữa chua… đều có ít nhiều các thành phần này. Tốt nhất, bạn nên tự làm đồ ăn vặt ở nhà, lựa chọn gia vị thô truyền thống.

– Đọc mã tem: Nếu là số có 4 chữ số, thực phẩm đó được sản xuất theo phương pháp truyền thống, nhưng có thể chứa GMO. Nếu là số có 5 chữ số, bắt đầu bằng số 8, đó là thực phẩm GMO. Nếu là số có 5 chữ số, bắt đầu bằng số 9, đó là thực phẩm hữu cơ, non GMO. Tuy nhiên, tem mác này ở Việt Nam có vẻ… không đáng tin cho lắm!

* Cẩn thận với các tuyên bố “tự nhiên” hay “theo hướng hữu cơ”. Không có chuẩn nào như thế cả.

Hà Bi

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN