Không chỉ có sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh diễn biến khá phức tạp. Vì thế mọi người cần chủ động phòng chống bệnh cho chính gia đình mình.
TP Hồ Chí Minh ghi nhận nhiều trường hợp mắc tay chân miệng
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, tính từ đầu năm đến nay, thành phố có gần 10.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 76% so với cùng kỳ năm 2014. Số ca mắc tay, chân, miệng toàn thành phố là 5.400 trường hợp. Đáng lưu ý là từ tháng 9 đến tháng 11 là cao điểm thứ 2 trong năm của bệnh tay chân miệng.
Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ đối mặt với dịch sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng trong 2 tuần cuối tháng 9 mà bệnh tay, chân, miệng cũng gia tăng đột biến trong thời gian này.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trung bình mỗi tuần của tháng 8 có 75 ca tay, chân, miệng nhập viện thì sang đầu tháng 9, tăng lên 150 ca. Đến cuối tháng 9, mỗi tuần ghi nhận đến 300 ca nhập viện vì tay, chân, miệng, tức là tăng trên 3 lần so với một tuần của tháng 8. Tính chung trong cả tháng 9, số ca tay, chân, miệng nhập viện lên đến 860 trường hợp, trong đó có 10 trường hợp nặng.
BS Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm của Bệnh viện Nhi đồng 1 chỉ trong vòng 2 tuần qua, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện đã tăng gấp đôi. Bệnh tay chân miệng có 2 mùa dịch. Đợt 1 vào tháng 4, 5, 6 và đợt 2 vào tháng 9, 10, kéo dài tới đỉnh dịch là tháng 11, tháng 12.
Triệu chứng của bệnh tay chân miệng như sốt nhẹ 2 ngày, sau hết sốt thì bỏng miệng, có trẻ bị bỏ ăn, sau đó nổi mẩn, phỏng nước hoặc sốt cao khó hạ, nôn ói nhiều, ngủ giật mình chới với… Ngoài ra một số bé bị run tay, run chân, nổi bong, nổi vân, tay chân lạnh thì là dấu hiệu tay chân miệng quá nặng, có biến chứng. Nếu không được điều trị kịp thời, tay chân miệng biến chứng thường để lại di chứng rất nặng nề như viêm não hay chậm phát triển trí tuệ…
Cần phát hiện sớm bệnh
BS Khanh lưu ý, loại vi rút này tương đối bền, có thể sống ở tay nắm cửa, lưu giữ trên đồ chơi, bàn học rất lâu. Do đó, trong trường học nếu xảy ra các ca nhiễm tay chân miệng thì trẻ bệnh phải được nghỉ học, cách ly đến trường tối thiểu 10 ngày, trong trường phải phòng ngừa ngay bằng cách vệ sinh khử khuẩn bằng Cloramin B và phải làm thường xuyên.
Đáng lưu ý tay chân miệng là bệnh lây lan nhưng không liên quan tới vấn đề vệ sinh mà bệnh lây qua vi rút đường tiêu hóa, từ người mang vi rút sang người lành, nhất là trong khâu trực tiếp chăm sóc trẻ.
Vì vậy không cho trẻ tiếp xúc với trẻ mắc bệnh vì khi trẻ ngồi chơi với nhau, lây qua nước miếng do văng, bắn vào nhau.
Khi thấy trẻ có biểu hiện vết lở miệng, sốt khóc quấy rất dễ nhận biết bệnh tay chân miệngnhưng có bé bị bệnh này lại có biểu hiện rất “kín đáo” như chỉ nổi vài mụn nước nhỏ xíu ở lòng bàn tay, chân. Nếu trẻ sốt cao theo cơn kèm bỏ ăn, lập tức phải nghĩ đến ngay bệnh tay chân miệng. Kể cả trước đó đã làm xét nghiệm máu hay khám rồi, vì đôi khi phải sốt sau 72 tiếng xét nghiệm Ev71 mới chuẩn.Do vậy, việc quan trọng nhất là cần phát hiện sớm trẻ mắc bệnh và đưa đến cơ sở y tế, BS Khanh nhấn mạnh.
Cách chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng
Cho trẻ uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu hóa. Không làm trẻ đau họng thêm bằng cách dùng muỗng mềm cho ăn, không cho ngậm vú nhựa, không cho ăn, uống đồ có vị chua hoặc có gia vị.
Đặc biệt không được mớm cơm cho con nít là nguyên nhân gây lây bệnh từ người lớn sang trẻ em cần được loại bỏ
Vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn. Tại các vị trí bị thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm. Có thể súc miệng bằng nước muối loãng nếu trẻ súc được.
Quần áo, tã lót của trẻ bệnh nên được ngâm dung dịch sát khuẩn như cloramin B 2% hoặc luộc nước sôi trước khi được giặt sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch. Vật dụng cá nhân ăn uống của trẻ như bình sữa, ly uống nước, chén ăn cơm, muỗng ăn… nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ. Tắm rửa và vệ sinh nhẹ nhàng thân thể cho bé hằng ngày bằng nước sạch để tránh nhiễm khuẩn.