Chứng mù màu là khi không thể nhìn thấy màu sắc hay cảm nhận khác biệt màu sắc trong điều kiện ánh sáng bình thường.
Các nguyên nhân phổ biến là do thiếu sót các tế bào hình nón ở võng mạc có nhiệm vụ cảm nhận màu sắc và truyền thông tin đến thần kinh thị giác. Đây là loại mù màu do đột biến gen trên nhiễm sắc thể X nên nếu thiếu hay hư hỏng, chứng mù màu xảy ra ở nam giới nhiều hơn ở phụ nữ bởi vì nam giới chỉ có một nhiễm sắc thể X trong khi phụ nữ có hai nhiễm sắc thể này.
Chứng mù màu cũng có thể do chấn thương hay độc chất tác động trên mắt, trên thần kinh thị giác hay trên não. Nhà hóa học người Anh John Dalton đã công bố bài báo khoa học đầu tiên về chứng mù màu vào năm 1798 như “một sự kiện bất thường liên quan đến tầm nhìn màu sắc” sau khi phát hiện chứng mù màu của chính mình vì không nhận ra màu thực của hai trái táo mà mẹ ông cầm trên tay.
Trên võng mạc mỗi người có các tế bào hình que hoạt động trong ánh sáng yếu và các tế bào hình nón hoạt động trong ánh sáng ban ngày. Thông thường, có ba loại tế bào hình nón, mỗi loại chứa một sắc tố khác nhau và được kích hoạt khi hấp thụ ánh sáng. Ba thụ thể này thường gọi là tế bào hình nón màu xanh, tế bào hình nón màu xanh lá cây và tế bào hình nón màu đỏ. Có ba loại mù màu do di truyền hay do bẩm sinh:
Chứng mù màu toàn thể là mất khả năng phân biệt màu sắc do đó người bệnh nhìn mọi thứ như xem truyền hình đen trắng, gây ra do khiếm khuyết hoàn toàn tế bào nón. Loại này cực kỳ hiếm, người bệnh không phân biệt bất kỳ màu sắc gì kết hợp với sợ ánh sáng, rung giật nhãn cầu và thị lực kém.
Chứng mù màu đỏ gây ra do vắng mặt hoàn toàn các tế bào nón cảm thụ màu đỏ. Màu đỏ tinh khiết không thể nhìn thấy, thay vào đó xuất hiện màu đen, màu tím hay màu vàng rất mờ.
Chứng mù màu xanh là do thiếu tế bào nón cảm thụ màu xanh nên không phân biệt màu đỏ và xanh, rất nguy hiểm khi lái xe không biết lúc nào cần phải dừng lại, lúc nào có thể đi tiếp.
Muốn chẩn đoán bệnh mù màu cũng không khó, thày thuốc chỉ cần đưa ra các bảng có ba màu cơ bản, nếu đọc sai là mắc bệnh. Thày thuốc cũng dùng hình ảnh huỳnh quang miễn dịch để xác định mã màu đỏ – xanh.
Ngoài nguyên nhân di truyền còn các nguyên nhân khác gây chứng mù màu bao gồm tổn thương não hay võng mạc gây ra do tai nạn và chấn thương ở thùy chẩm hay do tiếp xúc với ánh sáng cực tím. Mù màu cũng do các bệnh thoái hóa điểm vàng, tổn thương võng mạc do bệnh tiểu đường hay thiếu hụt vitamin A.
Hiện nay thày thuốc chưa có phương pháp trị bệnh mù màu, nhưng người ta đang thử nghiệm một loại kính đặc biệt lấy tên là mắt thần hay mắt nhân tạo “eyeborg” giúp nhìn được ba màu cơ bản. Nhiều ứng dụng cho iPhone và iPad nhằm giúp đỡ những người mù màu xem được các màu sắc tốt hơn. Nhiều ứng dụng cho phép điều chỉnh hình ảnh lấy từ máy ảnh đặc biệt có tên là “daltonizer”.
Tạp chí Nature cho biết các nhà nghiên cứu tại đại học Washington và Florida đang thí nghiệm cung cấp tầm nhìn ba màu cho khỉ sóc vốn chỉ có tầm nhìn hai màu qua sử dụng liệu pháp gen, đây chính là hy vọng mới cho người bệnh mù màu.
Phụ Nữ Ngày Nay