Rối loạn nhịp tim là bênh lý thường gặp ở nhiều người. Một số rối loạn chỉ gây ra sự khó chịu nhẹ cho người bệnh, nhưng với những trường hợp nặng có thể khiến bệnh nhân bất tỉnh hay tử vong.
- Nguy cơ suy giảm thính lực do viêm tai giữa
- Giải pháp đẩy lùi cơn đau do thoát vị đĩa đệm
- Hi vọng – Hỏi đáp về chứng vô sinh
Tư vấn của bác sĩ, thạc sĩ Chu Trọng Hiệp – Giám đốc chuyên môn phụ trách ngoại khoa, Trưởng Khối phẫu thuật tim mạch tại bệnh viện Tim Tâm Đức giúp bạn hiểu rõ hơn về chứng bệnh này.
Triệu chứng và nguyên nhân
Bình thường, nhịp tim của một người trưởng thành, khỏe mạnh là khoảng 70 lần/phút, nhưng khi có một nguyên nhân nào đó có thể làm thay đổi nhịp tim và gây ra rối loạn. rối loạn nhịp tim là rối loạn về hoạt động điện của tế bào cơ tim. Có 4 loại rối loạn nhịp tim thường gặp: rối loạn nhịp trên thất (ngoại tâm thu nhĩ, rung nhĩ, cuồng nhĩ,…), rối loạn nhịp thất (ngoại tâm thu thất), rối loạn dẫn truyền (bloc nhĩ thất, bloc xoang nhĩ,…) và rối loạn nhịp cấp cứu (nhanh thất, rung thất, nhịp nhanh kịch phát trên thất,…). Rối loạn ở tần số là triệu chứng thường gặp nhất. Đối với rối loạn tần số tim, bệnh nhân có thể không có triệu chứng lâm sàng. Các biểu hiện thường gặp là: hồi hộp, đánh trống ngực; choáng váng, chóng mặt; cảm giác hụt nhịp (tim đang đập đột ngột ngưng nhịp); đau ngực, nặng ngực; khó thở, ngộp thở; ngất. Bên cạnh các biểu hiện thường gặp, các bác sĩ phải yêu cầu bệnh nhân tiến hành đo điện tâm đồ để biết chính xác loại rối loạn nhịp.
Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim. Bệnh có thể do bẩm sinh (bloc nhĩ thất) mắc phải (rung nhĩ, ngoại tâm thu…) hay là biểu hiện của các bệnh lý (cường giáp, van tim, bệnh mạch vành…) hoặc rối loạn chuyển hóa cơ thể (tăng hoặc giảm Kali máu, toan hoặc kiềm chuyển hóa…). Nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân. Ngoài ra, stress, thiếu ngủ, các chất kích thích như cà phê, trà, thức uống có cồn, thuốc lá, sôcôla, rượu, một số loại thuốc chữa bệnh,… đều có thể gây ra loạn nhịp.
Rối loạn nhịp tim có phải là bệnh lý nguy hiểm?
Một số rối loạn nhịp tim nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Loạn nhịp mãn tính làm cho người bệnh mệt mỏi, tụt huyết áp, dễ dẫn đến suy tim hoặc đột tử khi nhịp quá nhanh hoặc quá chậm. Thậm chí có trường hợp rối loạn nhịp tim gây nên tình trạng tạo cục máu đông làm tắt nghẽn mạch máu lên não gây nguy hiểm đến tính mạng. Mặc dù bệnh có mức độ nguy hiểm như vậy nhưng phần lớn người bệnh không biết hoặc thậm chí bỏ qua những triệu chứng ban đầu nên không chủ động thăm khám. Chính vì vậy, bệnh lý này chỉ tình cờ được phát hiện khi người bệnh đi khám sức khỏe định kỳ, hoặc tình cờ theo dõi điện tâm đồ khi khám bệnh vì một bệnh khác. Vì vậy, nếu tim bạn có các biểu hiện nêu trên thì đừng chủ quan và nên đến bệnh viện kiểm tra.
Phương pháp điều trị
Tùy theo từng nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim mà có cách điều trị như: dùng thuốc, can thiệp điện sinh lý tim hay phẫu thuật. Chi phí điều trị bệnh lý này cũng tùy thuộc vào mức độ của bệnh. Nếu bị rối loạn nhịp ở mức độ nhẹ chỉ cần dùng thuốc điều trị thì chi phí thấp nhưng nếu ở mức độ nặng cần sự can thiệp của phẫu thuật thì khá tốn kém. Dù là phương pháp điều trị nào thì người bệnh cần phải thực hiện các thói quen tốt trong cuộc sống như: tập luyện, không hút thuốc lá, chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý.
Đối với chứng bệnh này, phương pháp điều trị bằng Đông y không mang lại hiệu quả. Vì vậy, người bệnh cần lựa chọn phương pháp điều trị đúng để bệnh không diễn biến xấu và làm chậm trễ quá trình trị liệu.
Bệnh nhân tim mạch ngày càng trẻ hóa
Các bệnh lý liên quan đến tim mạch là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm, bệnh tim mạch gây ra cho hơn 17,5 triệu cái chết và dự đoán sẽ có khoảng 25 triệu người bị bệnh tim mạch tử vong vào năm 2020. Ở Việt Nam, đến năm 2017 dự đoán có khoảng 20% dân số mắc bệnh tim mạch. Điều đáng báo động là bệnh tim mạch đang tấn công mạnh vào người trẻ tuổi.
Bí quyết để có một trái tim khỏe mạnh
Một trái tim khỏe mạnh bắt đầu bằng một cuộc sống lành mạnh. Bạn cần lựa chọn những thói quen sống tốt: tập luyện thường xuyên, ăn ít chất mỡ, ăn nhiều rau và các thực phẩm chứa nhiều vitamin, duy trì cân nặng ở mức cho phép. Lưu ý, không hút thuốc lá và hạn chế dùng các chất kích thích với tim như cà phê, rượu. Những người tuổi trên 40, việc khám kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng là một biện pháp tích cực nhằm phát hiện sớm những bất thường về tim mạch. Từ đó có thể có biện pháp điều trị bệnh ngay từ khi mới khởi phát.
Các chuyên khoa điều trị tim nổi tiếng
Tại TP.HCM
- Bệnh viện Tim Tâm Đức: Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, số 4 Nguyễn Lương Bằng, P.Tân Phú, Q.7, TP. HCM (Điện thoại: 083 54110036 ).
- Viện Tim TP.HCM: 88 Thành Thái, P. 12, Q. 10, TP. HCM (Điện thoại: 083 865 1586).
- Khoa Tim mạch cấp cứu và can thiệp – Bệnh viện Thống Nhất: Số 1, Lý Thường Kiệt, P. 7, Q.Tân Bình, TP. HCM (Điện thoại: 083 864 2142).
- Khoa Nội tim mạch – Bệnh viện Chợ Rẫy: 201B Nguyễn Chí Thanh, Q.5, TP. HCM (Điện thoại: 083 8554137).
Tại Hà Nội
- Bệnh viện Tim Hà Nội: 92 Trần Hưng Đạo, Cửa Nam, Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội (Điện thoại: 043.9422430).
- Viện Tim mạch – Bệnh viện Bạch Mai: 78 Đường Giải Phóng, Phương Mai, Đống Đa, TP. Hà Nội (Điện thoại: 844 3869 3731).
Lê Tuyền (Phụ Nữ Ngày Nay)