Quan niệm sai khiến ung thư trầm trọng hơn

Ăn kiêng quá mức hoặc tìm kiếm các bài thuốc theo “kinh nghiệm” không được kiểm chứng khoa học khiến người mắc ung thư nặng hơn và bỏ lỡ cơ hội được điều trị khỏi.

Bỏ đói cơ thể làm tăng độc tính hóa trị

Người bệnh được chẩn đoán ung thư (UT) thì chế độ dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bệnh nhân không nên nghe theo những lời khuyên phản khoa học mà tự ý cắt giảm khẩu phần ăn. Nếu cơ thể suy kiệt, không đủ sức chống chọi với UT thì dù bệnh nhân có điều trị theo đúng phác đồ vẫn có thể tử vong. Do đó, duy trì dinh dưỡng đầy đủ cho người UT là cơ sở nền tảng của việc điều trị.
Nếu người mắc UT mà nhịn ăn hoặc chế độ dinh dưỡng không phù hợp sẽ phải gánh hàng loạt hậu quả, tác động tiêu cực đến sức khỏe như: suy dinh dưỡng, teo cơ, suy giảm chức năng vận động, suy giảm sức đề kháng và kéo theo hệ lụy là vết mổ chậm lành, dễ nhiễm trùng. Cùng với đó là hóa trị không đủ 100% liều, tăng độc tính, tăng chi phí điều trị, kéo dài thời gian nằm viện.
Dinh dưỡng không phù hợp còn khiến người mắc UT không đủ sức khỏe để được phẫu thuật, hóa trị, xạ trị. Chất lượng sống giảm sút, không đủ sức để tự chăm sóc bản thân.

Chăm sóc bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội Ảnh: Phương Linh
Chăm sóc bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội _ Ảnh: Phương Linh
Nhịn đói khiến tình trạng sức khỏe càng suy giảm
Đến nay, chưa có chứng minh lâm sàng nào cho thấy hiệu quả của việc điều trị UT bằng phương pháp nhịn ăn để “bỏ đói khối u” như một số thông tin lan truyền trên mạng xã hội.
Việc ăn ít hay nhịn đói chẳng những không thể ngăn chặn khối u phát triển mà còn làm tình trạng dinh dưỡng của toàn cơ thể kém đi, thể lực giảm sút, hệ miễn dịch suy giảm dẫn tới nhiễm trùng, lâu liền vết thương…, ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị.
Điều trị theo cách…cầu may
Không ít người khi biết mình bị UT đã không đến ngay các cơ sở y tế để điều trị, chữa bệnh tuân theo phác đồ của bác sĩ mà nghe theo lời mách bảo truyền miệng dùng các loại thuốc lá, thuốc đông y không rõ nguồn gốc. Đây là hành động vô tình làm người bệnh tự đánh mất thời gian vàng điều trị bệnh. Sau khi điều trị bằng thuốc lá không có hiệu quả, bệnh nặng lên, người bệnh mới quay trở lại điều trị theo lộ trình của bác sĩ thì đã muộn.
Vì vậy, phải luôn tuân thủ theo liệu trình điều trị của bác sĩ. Chỉ sử dụng phương pháp thay thế điều trị khi đã kết thúc liệu trình. Tuyệt đối không nên bỏ dở liệu trình mà bác sĩ đang điều trị cho bạn.
Có khá nhiều người bệnh UT giai đoạn cuối mà các bác sĩ cho về để “uống thuốc nam”, một cách nói khác để xác nhận sự bất lực trong các phương pháp điều trị chính thống. Trong trường hợp đó, việc thay đổi chế độ ăn hay bất cứ bài thuốc nào khác cũng sẽ là một cứu cánh, một tia hy vọng và không thể phủ nhận tác dụng tích cực về mặt tinh thần của chúng trong trường hợp này.
Ngược lại, khi người bệnh còn trong khả năng điều trị của y học hiện đại nhưng lại từ chối nó vì tin vào tác dụng thần kỳ của “một thực phẩm chức năng thần diệu”, “liệu pháp oxy tuyệt vời” hay “nước uống ion hóa/kiềm hóa”… thì đó là một tội ác. Chúng ta không phủ nhận vai trò của một vài thực phẩm chức năng hay chất vi lượng bổ sung, cũng không dám phủ định hoàn toàn khả năng chống UT của một vài bài thuốc dân gian, nhưng điều chúng ta cần làm là phải hiểu và nhận định rõ vai trò của khoa học và dân gian trong vấn đề này.
Đến nay chưa có một nghiên cứu y học nào chứng minh nhịn ăn hay ăn gạo lứt, kiêng thịt đỏ sẽ khiến khối u teo dần. Về mặt sinh học, khối UT phát triển là một diễn tiến tự nhiên phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không chỉ là dinh dưỡng. Hơn nữa, khối UT có mạch máu nuôi thông nối với mạch máu người bệnh. Vì vậy, nhịn đói là cả hai cùng đói mà người bệnh bị suy dinh dưỡng nặng nề hơn. Nguy hiểm hơn, khi người bệnh suy dinh dưỡng thì không thể thực hiện được các phương pháp điều trị: phẫu thuật, xạ trị… Hoặc nếu có điều trị thì biến chứng cũng nhiều hơn.

Theo thanhnien.vn

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN