Vì mắc rất nhiều các chứng bệnh nguy hiểm, cô Juana Munoz sống tại Tây Ban Nha phải ở trong một chiếc lồng kính, cách biệt với thế giới bên ngoài và gần như không có tiếp xúc với những người thân.
Cô Juana Munoz, 53 tuổi sống tại Cadiz, Tây Ban Nha đã ở trong một chiếc “lồng” bằng thủy tinh trong suốt 13 năm qua. Người phụ nữ này gọi đó là “nhà tù của mình”. Nhưng nhờ sống trong nhà tù ấy, cô mới có thể sống sót đến ngày hôm nay.
Sau khi bị chẩn đoán với 4 hội chứng đe dọa tính mạng – MCS (nhạy cảm đa hóa chất), hội chứng đau cơ xơ hóa fibromyalgia, hội chứng mệt mỏi mãn tính và hội chứng nhạy cảm với sóng điện từ, Juana không có lựa chọn nào khác ngoài việc cô lập bản thân với thế giới. Cô không thể rời khỏi căn phòng đặc biệt của mình mà không tuân theo những quy định nghiêm ngặt. Bất cứ ai muốn vào bên trong đều phải khử trùng đặc biệt và chỉ mặc quần áo cotton organic. Điều đau đớn là cô không thể chạm hay ôm ai cả. Với 2 người con của mình, Juana chỉ có thể ôm con 2 lần trong năm và mỗi lần như vậy đều phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng.
Cơn ác mộng ập đến với người phụ nữ này từ cách đây 29 năm. Juana nhớ lại cô đã chạm vào một vài củ khoai tây mà chồng cô trồng ở vườn sau. Chỉ sau một cú chạm, môi và mắt cô bắt đầu sưng lên và cô được đưa ngay tới bệnh viện. Khi đến nơi, cả người cô đã sưng tấy, trông như “một con quái vật” – theo lời Juana kể lại. Dù đã được chữa trị nhưng từ sau đó, mỗi lần tiếp xúc với hóa chất là cô lại nôn mửa, dị ứng, ngất xỉu…
Càng về sau, những triệu chứng bệnh lạ càng khiến cuộc sống của Juana trở lên khó khăn. Cô phải cách li mọi thứ trong chiếc lồng kính của mình. Juana chỉ mong mỏi một ngày có thể bước ra ngoài chiếc lồng kính này và sống một cuộc đời bình thường.
Để chăm sóc cho Juana, chồng của cô phải trồng rất nhiều thực phẩm hữu cơ trong vườn. 2 lần 1 tháng, cô sẽ ăn các loại thịt hữu cơ được cung cấp từ các nhà sản xuất uy tín và khoảng 4-5 lần/tháng cô sẽ được ăn cá. Juana chỉ có thể mặc quần áo làm từ sợi 100% hữu cơ. Tuy nhiên, những khó khăn cuộc sống của cô chưa dừng lại ở đó. Sau khi được chẩn đoán mắc ung thư vú, Juana phải đến bệnh viện kiểm tra định kỳ. Cô miêu tả mỗi chuyến đi đó như “địa ngục”. Chiếc xe phải hoàn toàn không có hóa chất nhưng không phải lúc nào cũng có thể kiếm được 1 chiếc xe như vậy. Có một lần, cô đã suýt chết ngạt trước khi tới bệnh viện.
Đau cơ, ngứa người, mệt mỏi là một phần cuộc sống mỗi ngày của Juana. Tuy nhiên, cô vẫn cố gắng sống và vượt qua nỗi đau của bản thân. Trường hợp của Juana cũng giống như Johanna Watkins, một người mắc hội chứng Mast Cell Activation – hội chứng gene kỳ lạ khiến cơ thể cô phản ứng với hầu hết mọi thứ, kể cả chồng mình. Cũng giống như Juana, Johanna phải sống cách biệt với mọi người trong suốt nhiều năm liền.
(Theo Kenh14.vn)