Phòng khám da liễu, 9:00 sáng, một phụ nữ tầm 40 tuổi đến với tôi để được tư vấn về việc trẻ hóa khuôn mặt. Chị giải bày: “Khoảng một vài tháng trở lại đây, tôi chợt nhận thấy các nếp nhăn ở nửa mặt bên trái của tôi dường như nhiều và rõ hơn so với nửa mặt bên phải, tại sao lại như vậy?”. Tôi hỏi “Có phải chị có thói quen ngủ nghiêng bên trái không?” Chị trả lời “Vâng, nhưng chúng có liên quan với nhau sao bác sĩ?”
Lão hóa và nếp nhăn da là một tiến trình của quy luật tự nhiên, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như di truyền, ánh sáng mặt trời, stress, ăn uống quá kiêng khem làm giảm nguồn cung cấp collagen từ thực phẩm, thói quen biểu cảm gương mặt (nheo mắt, đá lông nheo, nhăn trán, chu môi), vv… Không một phụ nữ nào trên trái đất này mong muốn có nếp nhăn trên khuôn mặt mình, họ luôn cố gắng làm sao càng tươi trẻ càng tốt. Nhưng ít ai chú ý rằng, ngủ sai tư thế có thể tạo ra những “nếp nhăn ngủ”. Và như thế, giấc ngủ hàng đêm đã vô tình đánh cắp vẻ đẹp của chúng ta, khiến chúng ta có vẻ ngoài già nua hơn tuổi thật của chính mình…
“Nếp nhăn ngủ” là gì?
Các nếp nhăn đa phần được hình thành là do sự co thắt lặp đi lặp lại của các cơ vùng mặt khi chúng ta biểu hiện cảm xúc (như cau mày, đá lông nheo, chu môi, mỉm cười, nhướn mày, nheo mắt,…), đó là lý do tại sao chúng được gọi là “nếp nhăn động”. Nếp nhăn ngủ không như vậy. Viện da liễu Hoa Kỳ định nghĩa nếp nhăn ngủ là kết quả của việc khuôn mặt bị đè ép, được hình thành và tăng dần lên, từ đêm này qua đêm khác khi chúng ta ngủ. Vì nếp nhăn ngủ không do quá trình co cơ, nên còn được gọi là “nếp nhăn tĩnh”.
Theo một cuộc khảo sát của Mỹ năm 2012, khoảng 74% người dân có thói quen nằm ngủ nghiêng, 16% ngủ sấp và 10% nằm ngửa. Việc ngủ sấp và ngủ nghiêng dễ tạo ra các nếp nhăn xấu xí ở trán, gò má, chân mày và cằm. Trong khi đó, ngủ ngửa khiến khuôn mặt chúng ta tiếp xúc với không khí, tư thế này vừa hạn chế bị mụn do da tiếp xúc với vi khuẩn có trong drap giường vừa giảm nếp nhăn và hiện tượng mắt sưng húp vào sáng hôm sau. Tư thế ngủ ngửa còn được các bác sĩ cột sống – cơ xương khớp khuyến cáo, vì nó giúp đầu – cổ và cột sống duy trì tư thế trung tính. Đây cũng là tư thế khá lý tưởng để giảm triệu chứng nóng rát vùng ngực, ợ hơi ợ chua do bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Vấn đề sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu cô gái đang độ son trẻ 20 – 25 tuổi, các nếp nhăn này sẽ mất đi nhanh chóng sau vài phút. Nhưng khi già, da trở nên mỏng, chảy xệ và chùng nhão, các nếp nhăn ngủ cũng sẽ vì thế hình thành dễ dàng hơn nhưng lại rất khó để mất đi. Các nếp nhăn ngủ này càng ngày sẽ càng rõ hơn, do thói quen ngủ nghiêng từ đêm này qua đêm khác.
Vậy phải làm sao để ngăn ngừa nếp nhăn ngủ?
Khi những nếp nhăn xuất hiện, chúng ta thường vội vàng tìm đến với mỹ phẩm, nhưng cách này chỉ có tác dụng che giấu tạm thời mà thôi. Cách tốt nhất để giảm những nếp nhăn ngủ là ngủ ngửa.
Với một số người, việc ngủ ngửa thật dễ dàng. Nhưng phải những ai sinh – ra – đã – ngủ – nghiêng thì mới biết rằng, để thay đổi thói quen từ ngủ nghiêng sang ngủ ngửa là một vấn đề cực kỳ khó khăn và nan giải. Bản thân tôi đã nỗ lực tự kỷ ám thị mỗi tối là “ngủ ngửa… ngủ ngửa… ngủ ngửa…”, với sự trợ giúp của chiếc gối chữ U quấn quanh cổ để hạn chế xoay người. Nhưng sáng hôm sau tôi vẫn chào ngày mới trong tư thế yêu thích của mình là cuộn tròn như con mèo, với chằng chịt là những nếp hằn trên gương mặt. Cho đến cách đây không lâu, tôi mới có thể ngủ trọn một đêm mà hoàn toàn không nghiêng trái, không nghiêng phải, không nằm úp. Nhưng lúc này tôi nhận ra một vấn đề to lớn là cổ và lưng tôi đau ê ẩm, giấc ngủ đêm không thoải mái khiến tôi gà gật cả ngày hôm sau, kèm theo lời phê bình của chồng “dạo này em ngủ ngáy quá” dù trước đó tôi không hề ngáy ngủ.
“Chẳng còn giải pháp nào khác ngoài ngủ ngửa hay sao? Nếu phải ngủ khổ sở vậy, tôi thà có nếp nhăn còn hơn…”
Tin vui là nếp nhăn ngủ có thể điều trị được! Các bác sĩ da liễu thường kê một loại kem giữ ẩm thoa ban đêm có hoạt chất chống lão hóa như vitamin C, retinol, hay peptide (dù hiệu quả của các loại kem này trong việc điều trị nếp nhăn ngủ khá hạn chế). Những ai có điều kiện kinh tế dư dả, có thể được tư vấn xóa nếp nhăn ngủ bằng chất làm đầy như Juvederm®, Restylane® hoặc là nâng cơ trẻ hóa khuôn mặt bằng chỉ. Nhưng các nếp nhăn ngủ sẽ xuất hiện trở lại, nếu chúng ta vẫn cứ đè ép khuôn mặt bằng cách nằm sấp hoặc nằm nghiêng. Hoặc chúng ta sẽ phải chấp nhận tiêu tốn tiền bạc vào việc tiêm chất làm đầy và nâng cơ định kỳ.
Tóm lại, việc bắt ép một ai đó phải thay đổi thói quen, khi họ đang trong tình trạng ngủ vô thức nghe thật phi lý. Thực tế cho thấy, không có tư thế ngủ nào là chuẩn mực cho tất cả mọi người. Ví dụ như phụ nữ có thai, nên nằm ngủ nghiêng trái để máu tới nuôi thai nhi trong tử cung được thuận lợi, hay như người bị hội chứng ngưng thở khi ngủ lại được các chuyên gia hô hấp khuyên nên ngủ nghiêng. Chỉ cần chúng ta đừng lão hóa quá sớm khi tuổi còn son rỗi 25 – 30, còn lại thì những nếp – nhăn – đúng – tuổi lại là một vấn đề không hề đáng sợ, hoàn toàn chấp nhận được, và phụ nữ không nên quá ám ảnh về nó. Nếu có thể ngủ ngửa được thì tốt, không được thì thôi. Vì xét cho cùng, điều quan trọng nhất của giấc ngủ là chúng ta thấy sảng khoái khỏe mạnh mỗi khi thức dậy, chứ không phải là đếm xem trên mặt mình đêm qua có thêm 1 hay 2 nếp nhăn. Một số người đặt niềm tin vào một chiếc gối – chống – nhăn xuất hiện trên thị trường được làm từ chất liệu xốp và có hình dạng độc đáo, với lời quảng cáo là giúp giảm bớt sự tiếp xúc và đè ép lên khuôn mặt. Tôi cũng mong chờ chiếc gối này thực sự hiệu quả.
Trong khi hầu hết các bác sĩ da liễu và bác sĩ thẩm mỹ trên thế giới đều đồng tình rằng “cách chúng ta ngủ chắc chắn ảnh hưởng tới nếp nhăn trên mặt”, thì tiến sĩ Brett Kotlus, Michigan (Mỹ), sau khi khảo sát trên 100 phụ nữ lại kết luận ngược lại “tư thế ngủ chẳng liên quan gì đến các nếp nhăn da cả”. Sự mâu thuẫn này rất thường gặp trong y học, giống như là một số bác sĩ cho rằng nếu uống sữa nhiều sẽ mọc mụn, thì những người khác lại sống chết phản đối lại điều đó. |
Bác sĩ ANH THƯ – Chuyên khoa Da liễu
Phụ Nữ Ngày Nay