Stress hay căng thẳng trong tiếng Việt có thể là từ khóa quen thuộc trong ngôn ngữ hàng ngày, đến độ nhiều người không còn biết nó là gì hay nói về cái gì. Chuyên gia tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy sẽ giúp quý độc giả hiểu rõ về khái niệm và các đặc điểm liên quan đến stress. Cùng tìm hiểu nhé!
Khi đối diện với những yêu cầu hay đòi hỏi của cuộc sống, cá nhân có thể rơi vào một khoảnh khắc của sự “căng” lên – đó là stress hay căng thẳng. Và do vậy, stress hay căng thẳng là điều rất bình thường, và ai cũng có thể gặp trong cuộc sống hàng ngày của mình.
Đã có câu trả lời từ nghiên cứu khoa học cho việc ở thời đại hiện nay, những người bước vào tuổi trung niên (40-60 tuổi) ngày nay có tỉ lệ căng thẳng cao hơn những năm 1990, bởi vì những yêu cầu cho cuộc sống gia tăng áp lực về cả số lượng lẫn chất lượng. Brian Mastroianni trong một bài báo trên Healthline ngày 17/05/2020 dẫn lại nghiên cứu của tiến sỹ David Almeida cho biết những diễn biến của thời hiện đại liên quan đến: Gia tăng phát triển công nghệ cao khiến cho cơ hội và cả nguy cơ mở rộng ra toàn cầu; Sự cởi mở hơn của các gia đình với vai trò cá nhân của từng thành viên, sự đẩy mạnh thăng tiến cá nhân của từng thành viên trong gia đình; Các yêu cầu công việc ngày càng nhiều hơn và không dừng lại ở văn phòng mà có thể ở bất kỳ đâu (với một số người là không có giới hạn); Sự phân hóa giàu nghèo càng ngày càng rõ rệt hơn. Cũng phải tính đến những người tuổi trung niên được xem như đang đảm nhận vai trò kép, vừa chăm sóc cha mẹ già và vừa chăm sóc con cái đang vào tuổi vị thành niên.
Đặc biệt nữ giới trong bối cảnh vừa đảm bảo công việc trong gia đình vừa đáp ứng các yêu cầu cho công việc ngoài xã hội. Nhiều nghiên cứu cũng ghi nhận phụ nữ có nguy cơ căng thẳng lên tới gấp hai lần nam giới, liên quan đến khuynh hướng tự chỉ trích và bản tính hướng tới sự hoàn hảo.
Đối diện với những yêu cầu của cuộc sống là bình thường, nhưng có thể đáp ứng yêu cầu đó hay không là điều cần bàn. Khi một yêu cầu xuất hiện, đầu óc của chúng ta sẽ trải qua quá trình thẩm định ban đầu, nếu đòi hỏi đó là trong khả năng thì mọi chuyện bình thường, nhưng nếu đòi hỏi đó có vẻ vượt ra ngoài khả năng thì có thể xuất hiện những biểu hiện của căng thẳng. Quá trình thẩm định lần thứ nhất đó là quan trọng để cá nhân xác định một yêu cầu đối với mình có khả năng gây khó dễ hay không. Nếu có thấy dấu hiệu vượt quá khả năng, cá nhân sẽ trải qua quá trình thẩm định thứ hai (thẩm định thứ cấp), quá trình này xem xét liệu cá nhân có thể huy động nguồn lực để đáp ứng hay không. Nếu nguồn lực là có đủ mọi chuyện sẽ nhanh chóng ổn định, nếu nguồn lực là không đủ hoặc không thể huy động được, cơ thể và tâm trí của chúng ta sẽ rơi vào trạng thái mỏi mệt và căng thẳng.
Một cá nhân khỏe mạnh (healthy) về cả thể chất lẫn tinh thần sẽ ít gặp rủi ro hơn so với một cá nhân không khỏe mạnh. Sự khỏe mạnh như vậy bao gồm: Cơ thể khỏe; Tâm lý khỏe (suy nghĩ, cảm xúc, và hành vi); Mối quan hệ xã hội khỏe; và có thể kể thêm đời sống tâm linh khỏe. Việc của chúng ta không phải là làm thế nào với stress mà là làm sao để chúng ta có thể sở hữu một con người khỏe mạnh.
Có những giải pháp thoạt đầu hữu ích nhưng dễ dàng nhận thấy gây hại như hút thuốc, uống rượu, mua sắm, chơi game, ăn uống… và nhiều nhiều nữa mà chúng ta có thể nghĩ ra. Cần sự can đảm để đổi hệ thống chiến lược có giá trị và hữu ích hơn để đối phó với cuộc sống nhiều căng thẳng.
Các chiến lược hữu ích phổ biến bao gồm:
1. Phát triển cơ thể khỏe mạnh. Để tâm đến ăn uống điều độ và lành mạnh, để tâm xây dựng thói quen ngủ và nghỉ hợp lý để cơ thể tái tạo năng lượng và thư giãn, để tập hướng bản thân đến một vài hoạt động có tính “đổ mồ hôi” hàng ngày. 2. Phát triển nhận thức. Tâm trí, đầu óc của chúng ta có thể là “kẻ sinh chuyện”, nhận diện lại và điều chỉnh. Thứ nhất là gạt ra những niềm tin sai trái hay phi lý và thay vào đó những niềm tin có căn cứ khoa học hơn. Niềm tin khỏe sẽ làm nền cho lối nhìn đời khỏe. Tìm đến một khóa học từ một người hay một tổ chức đáng tin cậy, tìm một cuốn sách đúng vào điều mình quan tâm và đọc. Thứ đến là cải thiện việc đối xử với bản thân. Tốt nhất là tử tế với chính mình và chấp nhận những giới hạn của chính mình. Một mục tiêu tốt cần khả thì chứ không chỉ có ước muốn. 3. Phát triển năng lực giải quyết vấn đề. Có những vấn đề mà suy nghĩ hay cơ thể khỏe mạnh không giải quyết được, bởi cần một kỹ năng chuyên biệt. Kỹ năng về căn bản bao gồm: Những kỹ năng sống còn, giúp một cá nhân có thể tồn tại trong mọi tình huống; Những kỹ năng năng xã hội gồm các cách thức để xây dựng và duy trì một mối quan hệ khỏe mạnh trong khi vẫn luôn là mình; Những kỹ năng nghề nghiệp, để có thể làm hoàn thành một công việc cụ thể. 4. Phát triển đời sống cảm xúc. Khả năng để làm hòa dịu những cảm xúc mỏi mệt, khó chịu, tức giận, hay đau khổ của chính mình trong các tình huống. |
Kết hợp với việc điều chỉnh suy nghĩ về bản thân, có thể dự trù cho mình một kế hoạch định chăm sóc chính mình hữu hiệu. Đơn giản là dành thời gian cho bản thân (me time), dành cơ hội để thư giãn, và nhất là phát triển lòng đam mê của chính mình.
Với không khí của hiện tại, có thể một nhóm hoặc một lớp yoga hay thiền chánh niệm là hữu ích để thực hành mỗi ngày.
Chuyên gia tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy