Đã bao giờ bạn thắc mắc sao mình ủ tóc nhưng tóc vẫn không đẹp lên mà còn khô xơ hơn bình thường? Vậy thì hãy thực hiện 6 bước ủ tóc dưới đây, bạn sẽ có được mái tóc suôn mượt và óng ả một cách đầy bất ngờ đó.
Bước 1. Chọn kem ủ tóc phù hợp
Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm kem ủ tóc, từ kem ủ dành cho tóc dầu, tóc khô, tóc gãy rụng, tóc chẻ ngọn, cho đến các loại kem ủ dành cho tóc nhuộm, tóc uốn, tóc duỗi, tóc hư tổn nặng. Do đó, bạn nên căn cứ vào loại tóc cũng như tình trạng tóc của mình để lựa chọn sản phẩm kem ủ tóc phù hợp.
Bên cạnh đó, còn có các loại kem ủ nhanh với thời gian ủ từ 3 đến 5 phút hoặc kem ủ sâu từ 15 đến 20 phút. Ngoài ra, có loại kem ủ tóc phù hợp với ủ nóng để nuôi dưỡng, giúp tóc luôn bóng đẹp, phù hợp với mọi loại tóc. Còn các loại kem ủ tóc phù hợp với ủ lạnh thực hiện khi tóc bị khô, xơ nghiêm trọng, có tác dụng diệt khuẩn và cung cấp oxy cho tóc.
Bước 2. Gội đầu
Nếu tóc bạn đang trong tình trạng bết, dơ và rối thì không thể hấp thụ được bất kỳ dưỡng chất nào mà kem ủ tóc cung cấp. Muốn để kem ủ tóc thấm sâu nuôi dưỡng từng sợi tóc, các bạn nên gội sạch tóc trước khi ủ. Để mái tóc suôn mượt hơn, các bạn có thể dùng lược chải tóc trước khi gội. Sau khi gội xong và xả sạch, các bạn dùng khăn mềm quấn và thấm tóc để ráo nước.
Bước 3. Thoa kem ủ tóc
Khi thoa kem ủ lên tóc, các bạn nên chia tóc thành từ 3 đến 4 phần tùy độ dày mỏng của tóc để thoa kem ủ dễ dàng hơn và đảm bảo không bỏ sót một phần nào. Sau đó từ từ thoa đều kem ủ từ thân tới ngọn tóc theo từng phần tóc bắt đầu từ lớp tóc ngoài cùng. Các bạn lưu ý chỉ thoa một lượng kem vừa đủ, tránh thoa quá dày và thoa kem ủ ở phần ngọn tóc kỹ hơn vì ngọn tóc là nơi ít nhận được dưỡng chất từ chân tóc đưa xuống cũng như bị hư tổn nhiều nhất. Dùng tay massage nhẹ da đầu trong khi hấp tóc giúp da đầu dễ chịu và khỏe hơn.
Nếu da đầu của bạn bị dầu, tránh thoa kem trực tiếp sản phẩm lên da đầu. Còn đối với da đầu khô, thì bạn mát xa nhẹ nhàng da đầu từ 1 đến 2 phút để tăng cường dưỡng chất thiết yếu nuôi dưỡng da đầu nha.
Bước 4. Cố định tóc
Sau khi thoa kem ủ tóc, cố định tóc trên đầu lại rồi ủ tóc bằng mũ tắm hoặc khăn bông sạch và ấm. Nhiệt độ sẽ giúp biểu bì tóc mở ra, đưa các dưỡng chất thấm sâu vào lõi tóc, bổ sung các thành phần protein thiết yếu và phục hồi bên trong cấu trúc những sợi tóc yếu và nuôi dưỡng tóc từ gốc tới ngọn.
Bước 5. Ủ tóc
Thời gian ủ tóc tùy thuộc vào loại sản phẩm kem ủ là ủ nhanh hay ủ sâu và tình trạng của mái tóc. Với các loại kem ủ nhanh, thì chỉ cần ủ khoảng từ 3 đến 5 phút là xả được. Còn với các loại kem ủ sâu, thì cần thời gian từ 20 đến 30 phút. Đối với tóc khô và hư tổn, ủ lâu sẽ tăng cường dưỡng ẩm và phục hồi tóc toàn diện. Còn đối với tóc dầu, nếu ủ quá lâu sẽ khiến tóc dễ dơ, bị nhờn và bết dính.
Bước 6. Xả sạch tóc
Tháo mũ tắm hoặc khăn quấn tóc ra, xả tóc thật sạch với nước lạnh. Nước lạnh không chỉ giúp xả sạch kem ủ tóc mà còn giúp biểu bì tóc đóng lại để giữ các dưỡng chất lưu lại bên trong sợi tóc. Không cần dùng thêm dầu xả và không nên xả lại tóc bằng nước quá kỹ khiến các dưỡng chất bị trôi.
Lời khuyên:
– Bạn không nên sử dụng dầu xả trước khi ủ tóc vì sẽ gây ra tình trạng tóc nhanh bết dính và nhờn, đồng thời tóc sẽ không hấp thụ hết được toàn bộ dưỡng chất có trong kem ủ tóc.
– Không dùng kem ủ tóc để làm dầu xả, bởi vì kem ủ tóc chỉ phát huy tác dụng trong môi trường được ủ kín thôi.
– Không nên ủ tóc trước khi duỗi hoặc nhuộm tóc. Ủ tóc sẽ thu hẹp các biểu bì tóc, khiến tóc khó hấp thụ các loại thuốc duỗi hoặc thuốc nhuộm.
– Chỉ nên ủ tóc nhiều nhất 2 lần mỗi tuần, nếu ủ tóc quá nhiều lần sẽ làm tóc yếu đi và dễ gãy rụng, đồng thời làm tóc dễ bẩn và bết hơn.
– Có thể nhỏ thêm vài giọt tinh dầu lên tóc trong khi ủ tóc, làm như vậy tinh dầu có thể thẩm thấu sâu vào tóc và da đầu, nuôi dưỡng tóc tốt hơn từ bên trong.
Hi vọng bài viết trên đây giúp ích cho bạn trong việc làm sao ủ tóc hiệu quả và đạt kết quả tốt nhất. Chúc bạn luôn có mái tóc bóng mượt và chắc khỏe nhé!
Theo thethaovanhoa.vn