Sau những bữa tiệc liên miên thì dạ dày gặp các vấn đề về tiêu hóa như: chướng bụng, đầy hơi, ăn không tiêu, chán ăn… Điều này dẫn đến tâm lý lo sợ khi phải đối mặt với các món ăn trên bàn tiệc. Để phòng tránh và chống lại những khó chịu này, cùng tham khảo những thông tin dưới đây nhé.
- Lợi ích tuyệt vời từ rượu vang đến sức khỏe của bạn
- Giải rượu nhanh chóng cùng Condition
- 5 thực phẩm tốt cho bao tử
Men vi sinh là gì?
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO, 2001) thì probiotics là chất trợ sinh – là vi sinh vật sống, nếu đưa vào cơ thể với lượng đầy đủ và có hàm lượng ổn định, thì sẽ cải thiện được sự cân bằng của tạp khuẩn ruột và có nhiều lợi ích cho sức khỏe người dùng. Hay nói cách khác, probiotics là những vi khuẩn sống trong đường tiêu hóa. Chúng được mệnh danh là “vi khuẩn tốt bụng” bởi vì giúp cơ thể bảo vệ chống lại một số các vi khuẩn có hại, nấm và siêu vi. Các probiotics phổ biến thường được sử dụng thuộc hai nhóm là Lactobacillus và Bifidobacterium.
Lợi ích từ men vi sinh
- Xây dựng hệ thống miễn dịch
Trong cơ thể người có chứa tới hơn 400 loại vi khuẩn khác nhau, trong đó có những vi khuẩn có hại, những vi khuẩn có lợi và probiotic là một lợi khuẩn. Các probiotic đóng vai trò ức chế sự phát triển của các vi khuẩn gây hại nhờ khả năng cân bằng độ pH trong môi trường đường ruột của nó. Trong cơ thể người có khoảng 80% các hoạt động miễn dịch là xuất phát từ sự hoạt động của đường ruột. Chính vì vậy nếu đường ruột không khỏe mạnh, tức là các vi khuẩn có hại lấn át những vi khuẩn có lợi gây ra sự suy yếu miễn dịch từ đó không những làm cho hệ tiêu hóa gặp vấn đề về mà toàn bộ các cơ quan trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng.
- Kiểm soát hệ tiêu hóa
Các vi sinh vật có lợi hay có hại để sống sót sau quá trình tiêu hóa diễn ra bên trong cơ thể thì chúng cần có sự kết nối với các tế bào biểu mô trên thành ruột. Tuy nhiên khi đường ruột được cung cấp các Probiotic, thì những vi khuẩn có lợi này sẽ chiến đấu và tranh giành chỗ cư trú với những vi khuẩn có hại, đánh bật chúng ra khỏi mối gắn kết với các biểu mô trên thành ruột, cô lập và làm giảm lượng chất độc tiết ra của các vi khuẩn gây hại. Từ đó các vi khuẩn có hại bị tiêu diệt và trả lại sự khỏe mạnh cho hệ tiêu hóa, giúp cơ thể hấp thu tốt các dưỡng chất và hạn chế các chứng đầy hơi, ăn không tiêu, chán ăn…
- Làm đẹp da
Probiotic khi đi vào cơ thể thì sản sinh ra các axit lactic để tổng hợp các chất kháng khuẩn, chính vì vậy mà nó có vai trò ngăn ngừa sự xâm nhập và kiềm chế hoạt động của các loại vi khuẩn có hại, bảo vệ da khỏi sự tác động từ những tác nhân gậy hại ngoài môi trường như bụi bẩn, vi khuẩn… và tiết ra chất kháng sinh kích thích quá trình làm lành các thương tổn của da như sẹo do mụn nhọt, các thương tích, tái tạo da mới, hạn chế hiện tượng lão hóa… Nhiều nghiên cứu khoa học gần đây cho biết tiêu thụ các thực phẩm có chứa probiotics hàng ngày sẽ mang đến cho chị em làn da khỏe mạnh, mịn màng và có độ đàn hồi cao. Người ta đã tìm thấy gần như đầy đủ trong các thực phẩm như sữa chua, bơ, phô mai… các dưỡng chất cần thiết cho da như vitamin A, B, D… và các khoáng chất như canxi, sắt giữ vai trò quan trọng đối với làn da.
Bổ sung probiotic đúng cách
Đối với việc bổ sung probiotic qua thực phẩm, có thể ăn hai hũ sữa chua sau khi ăn 30 phút. Còn đối với việc bổ sung thông qua chế phẩm nên xem rõ lượng probiotic ghi trên nhãn sản phẩm. Thông thường mỗi người trung bình cần cung cấp cho cơ thể khoảng 13 ngàn tỉ probiotic mỗi ngày. Ngoài ra nên chú ý một số điều sau đây:
- Không nên dùng cùng một lúc với thuốc kháng sinh, nếu bắt buộc phải dùng thì nên để sau 30 phút hoặc lâu hơn trước khi dùng các chế phẩm probiotic.
- Sử dụng đều đặn có thể dẫn đến đầy hơi (do các probiotic), nên bạn có thể dùng vào ban đêm thay vì buổi sáng.
- Không uống các thuốc có chứa probiotic bằng nước nóng và uống nhiều nước khi sử dụng probiotic.
- Không nên dùng chung chế phẩm probiotic với các loại thuốc khác hoặc thảo dược hay liệu pháp chữa bệnh tự nhiên.
Thực phẩm có chứa probiotic:
Các chế phẩm từ sữa: Sữa chua, sữa bột, phô mai, sữa đậu nành, bơ…
Rau dưa đã chế biến: kim chi, dưa cải muối, cà rốt, các loại rau khác…
Các thực phẩm khác: giấm rượu táo, mật ong, súp miso, các món làm từ đậu tương lên men, chocolate đen, rong biển…
H.D (tổng hợp)