Kiếp này đi chưa trọn vẹn – Nhật ký Vu Quyên (Nữ tiến sĩ trẻ chết ở tuổi 32 vì bệnh ung thư Vú) -Kỳ 3

Nói về “Vú giả” thì sau khi tôi nhập viên mới nghe nói đến từ này. Thông thường những người mắc bệnh đều phát bệnh sau tuổi 45. Nếu may mắn phát hiện sớm, chưa bị di căn thì sẽ được phẫu thuật cắt bỏ.

Trung Quốc có rất nhiều bệnh nhân khi được hỏi “Có muốn giữ vú không?” thì thông thường sẽ mạnh dạn nói “Lo giữ mạng chứ giữ vú có ích gì?” Cho nên phòng hóa trị thông thường người ra vào là những chị em phụ nữ chỉ còn một vú. Tôi là bệnh nhân trẻ tuổi nhất nhưng vận khí xấu nhất, khi phát hiện thì đã phát tán rất nặng, không đủ điều kiện phẫu thuật nữa, cho nên là người duy nhất không cần vú giả.

Bây giờ nghĩ lại, vú có lẽ là cơ quan vô dụng nhất trên cơ thể người phụ nữ, cho nên vú giả không phải thực hiện chức năng như chân tay giả, chỉ cần để cho có thứ nhô nhô ra, sau khi mặc quần áo lên có giá trị nhìn ngắm mà thôi. Vú giả bán rất đắt tiền, hơn 1000 NDT một chiếc kèm một chiếc nịch ngực đặc chế. Nhiều cô dì có tuổi tuy thích đẹp nhưng lại thích tiền hơn, cho nên cảm thấy tốn hơn 1000 để mua một cái túi vải không có ý nghĩa lớn nên tự tay hóa phép làm vú giả.

Dì Nam Tiên Lý tuổi bệnh nhiều hơn chúng tôi, lại thích đẹp, là người làm vú giả sớm nhất. Dì truyền lại kinh nghiệm thất bại cho mọi người rằng đừng dùng bông gòn, vải vụn làm thành túi nhỏ độn trong ngực. Bởi vì “Nhụy hoa sẽ lạc trôi”. Đích thân dì kể, có một lần độn cái vú giả bằng bông tự chế đi xe buýt, xuống xe mới phát hiện mọi người đều nhìn dì ấy với ánh mắt lạ lùng. Dì cúi đầu nhìn xuống, thì ra lúc giơ tay lên nắm giữ cái vòng treo trên trần xe buýt để đứng cho vững, cái túi vải bị đùn qua đùn lại chạy tới chỗ xương đòn khớp vai. Người phụ nữ có vú mọc ở vai còn hấp dẫn ánh mắt của quần chúng hơn cả người không vú!!!

2
Dì Châu Sơn Trang thì lý thú vô cùng. Người phụ nữ lao động trời sinh có sự quan sát nhạy bén. Ban đầu dì không xài bông gòn mà chọn loại đậu xanh tạo được cảm giác chảy xệ xuống rất mạnh. Dì làm một cái túi đậu xanh nhét vào ngực làm vú giả. Hình thái rất giống mà ai cũng không nhận ra là đồ giả. Dì Trang thấy mình thông minh, dương dương tự đắc vì tiết kiệm được hơn 1000 tệ. Mấy bà cô trong phòng ai nấy nô nức bắt chước theo. Nhưng mà sau khi hóa trị lần thứ tư, cô con gái lớn của dì Trang mới phát hiện ra một vấn đề. Cô cảm thấy ngực mẹ ngày càng mất cân đối. Bên ngực độn túi đậu có vẻ phồng to hơn. Thế là cô bèn nhân lúc mẹ mình đi tắm moi cái túi ấy ra xem, kết quả làm mọi người xe xong cười đến vỡ bụng: đậu xanh vì hút ẩm mồ hôi nên đã mọc mầm thành giá!

Dì Trang một lần thảm bại, quyết tấm cải tiến. Sau nhiều tâm tư tìm kiếm, quyết định không dùng những loại đậu nữa mà dùng gạo vì gạo không mọc mầm. Nhưng trời chuyển mùa oi bức, vú gạo không quá hai tuần bắt đầu bị mốc.

Cô giáo Cam ở Phụng Hiền đã về hưu, có lẽ do được giáo dục cao hơn nên lấy làm bức xúc hành vi của dì Trang vốn mới tốt nghiệp tiểu học. Cô có giáo dục nên cho rằng lá trà tốt cho cơ thể, thế là đem lá trà phơi khô nhét đầy cái gối nhỏ làm vú trà. Thực tiễn sinh ra chân lý, lá trà quả là không mọc mầm cũng không bị mốc mà còn có mùi thơm. Nhưng ngực so với cái đầu sọ cần mềm mại hơn, cái vú trà cô giáo Cam mất mấy tuần lễ làm nên, đeo không đến nửa ngày đã bị vứt qua một bên: lá trà và cọng lá quá cứng, phần ngực từng bị động dao giải phẩu bị nó đâm đau khó tả.

Tôi tuy không có nhu cầu là vú giả nhưng cũng nhiệt tình tham dự vô việc sáng tạo vú giả. Chắc là do có sức hấp dẫn cá nhân, nên trong phòng bệnh của tôi có một nhóm fan lớn. Cho nên ý tưởng sáng tạo đổi mới của tôi rất dễ được biến thành thực tiễn. Tôi nói: “Bên ngoài người ta có bán mấy túi nước mátxa ngực. Mục đích của chúng là cho ngực nhỏ nhìn có vẻ to. Chúng ta làm to một chút thì có thể khiến người ta nhìn không thành có hay sao?”. Ý tưởng tào lao của tôi là: dùng quả bóng bơm nước. Năm ấy lúc đưa ra chủ ý này, tôi vì tế bào ung thư đã phát tán khắp xương cốt mà toàn thân không thể động đậy. Dì Ngô ở Hoàng Sơn vú di căn, lúc tế bào ung thư không phát tác, không đau thì nhìn như người bình thường. Dì rất thích ý tưởng này thế nên mang ra hiện thực hóa. Lúc xuất viện đi ăn cơm thì dùng bong bóng đựng một chút nước cất trong áo. Có một hôm tôi nằm trên giường nghe một tràng cười hô hố ngoài hành lang. Dì Ngô ôm bụng khom lưng đi vào nói: “Tiến sĩ Vu, hôm nay thang máy chật quá làm bong bóng sữa bị bể rồi. Áo tôi ướt hết trơn đây này…” (Còn tiếp).

Xem lại kỳ 1: Kiếp này đi chưa trọn vẹn – Nhật ký Vu Quyên (Nữ tiến sĩ trẻ chết ở tuổi 32 vì bệnh ung thư Vú) -Kỳ 1

Xem lại kỳ 2: Nhật ký Vu Quyên – “Kiếp này đi chưa trọn vẹn” (Nữ tiến sĩ trẻ chết ở tuổi 32 vì bệnh ung thư Vú) – kỳ 2

Dịch giả: Lương Hà

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN