Dạy học trực tuyến: mạnh ai nấy làm

Trong tháng đầu tiên học sinh nghỉ học phòng dịch COVID-19, nhiều trường ĐH, CĐ, THPT, THCS đã triển khai dạy học từ xa, qua mạng.

Thầy giáo Nguyễn Xuân Ngọc đang ghi hình bài giảng môn hóa tại phòng riêng để học sinh tự học online ở nhà - Ảnh: HOÀNG AN
Thầy giáo Nguyễn Xuân Ngọc đang ghi hình bài giảng môn hóa tại phòng riêng để học sinh tự học online ở nhà – Ảnh: HOÀNG AN

Nhưng do nhiều khó khăn mà một số trường đã ngừng chỉ trong tuần đầu triển khai, số khác thì thực hiện như một giải pháp tình thế.

Chỉ đến khi thời gian nghỉ học quá dài và chưa biết còn nghỉ tới bao giờ, dạy học trực tuyến mới được chú ý hơn, triển khai thực chất hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản đối với hình thức dạy học này.

Bất cập lớn nhất của việc dạy học từ xa chính là phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh. Bản thân tôi cũng đang loay hoay không biết nên dùng hình thức kiểm tra nào để đánh giá chính xác nhất trình độ của học sinh. Bởi khi chúng ta cho học sinh làm bài kiểm tra từ xa thì rất khó kiểm soát việc các em trao đổi bài online với nhau. Điều này rất cần Bộ GD-ĐT có hướng dẫn cụ thể.

—– Thầy PHẠM THƯ TÙNG(Trường THPT Ernst Thalmann, TP.HCM) —– 

Thể dục cũng trực tuyến

Từ ngày 10-3, Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) lần đầu triển khai dạy học trực tuyến cả ở môn thể dục. Đây là “thành trì” cuối cùng trong việc vượt khó bằng cách dạy học trực tuyến tất cả các môn học theo thời khóa biểu của trường này trong thời gian học sinh không đến trường.

“10h đêm, tổ thể dục vẫn làm việc để thiết kế bài giảng. Giáo viên thể dục quen hướng dẫn, thị phạm cho học sinh trên sân nhưng giờ đây phải làm quen với máy móc thiết bị và dạy học sinh qua máy tính được kết nối mạng. Đó là một thách thức, nhưng giáo viên các môn học khác làm được thì giáo viên thể dục cũng phải làm” – một giáo viên thể dục của trường này trao đổi.

Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành là một trong số ít trường kiên trì tổ chức dạy học trực tuyến đúng theo thời khóa biểu. Học sinh có mặt vào 7h sáng để điểm danh qua mạng và trong suốt giờ học phải liên tục tương tác, trả lời câu hỏi của giáo viên.

Giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu nhà trường có thể dự giờ bất cứ môn học nào của lớp để nắm tình hình, chấn chỉnh. Những học sinh bị trục trặc như mất mạng Internet, không có mic, không tương tác, thiếu tập trung, không hoàn thành bài tập về nhà đều được thống kê trao đổi với cha mẹ học sinh sau mỗi buổi học.

“Tôi không đặt cao mục tiêu chất lượng trong đợt dạy trực tuyến này, vì sau này trường tôi cũng vẫn tổ chức thời gian dạy bù, ôn luyện để bù đắp phần còn thiếu hụt cho học sinh. Điều tôi mong muốn là thầy trò nhà trường ý thức được việc phải cố gắng để dạy học trong mọi hoàn cảnh.

Trong cuộc sống còn có nhiều khó khăn, dịch bệnh bây giờ có thể hết nhưng có thể sẽ có những trở ngại khác. Với học sinh trung học thì việc nỗ lực vượt khó, tự giác, trách nhiệm trong việc thực hiện từ xa các yêu cầu của nhà trường cũng là một phẩm chất cần được bồi đắp” – bà Nguyễn Thị Thu Anh, hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, chia sẻ.

Giáo viên Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) dạy trực tuyến - Ảnh: V.HÀ
Giáo viên Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) dạy trực tuyến – Ảnh: V.HÀ

Không được công nhận

Thiếu cơ sở về mặt pháp lý, không có sự chỉ đạo, hướng dẫn từ cơ quan quản lý giáo dục các cấp là khó khăn lớn nhất của việc dạy học từ xa nói chung, dạy học trực tuyến nói riêng.

“Trong văn bản chỉ đạo, Bộ GD-ĐT từng không công nhận dạy học trực tuyến thay thế dạy trực tiếp, vì thế phụ huynh và giáo viên đều hoang mang.

Bởi có dạy trực tuyến, dạy từ xa thì sau này vẫn phải dạy bù lại từ đầu. Trong khi để tổ chức dạy học trực tuyến, đầu tư cho cơ sở hạ tầng, cho công sức thiết kế chuẩn bị bài giảng rất lớn, nhưng kinh phí không được thu thêm. Trong tình hình này, dừng dạy trực tuyến cho đỡ rắc rối” – một giáo viên thẳng thắn cho biết.

Theo bà Trần Thị Hải Yến, giám đốc điều hành Alpha School (Hà Nội), cơ sở của bà đã đầu tư hạ tầng cho việc dạy học online rất lớn và xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến trong thời gian học sinh phải ở nhà vì dịch.

Nhưng vì việc này không được công nhận, Sở GD-ĐT cấm các trường thu học phí dù chỉ là thu đủ chi nên khó có thể triển khai bởi các trường tư, trường công lập tự chủ không có nguồn dự phòng để tổ chức dạy học miễn phí.

Ngoài các khó khăn về cơ sở pháp lý, việc dạy học từ xa nói chung và dạy trực tuyến nói riêng cũng có những bất cập do còn mới mẻ. Nhiều nơi hiểu chưa đúng, làm không tốt, không có điều kiện thực hiện.

“Có rất nhiều vấn đề phát sinh khi triển khai các hình thức dạy học từ xa khiến các trường phổ thông công lập chưa mạnh dạn triển khai. Trong đó có vấn đề cốt yếu là phải có giải pháp để giáo viên phải quản lý, kiểm soát được học sinh, nhà trường kiểm soát được chất lượng dạy học” – bà Nguyễn Thị Nhiếp, Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), nói.

“Mạnh ai nấy làm”

Nhận định về việc dạy trực tuyến hiện nay, hiệu trưởng một trường THPT tư thục ở TP.HCM cho biết hình thức dạy học trực tuyến đang theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, rất khó đánh giá hiệu quả.

“Trước hết là quy định bài dạy từ xa như thế nào là đạt yêu cầu. Không thể chụp hình các bài học trong sách giáo khoa, gửi cho học sinh qua mạng rồi gọi đó là dạy từ xa. Ở một số trường tư thục, giáo viên dạy từ xa tiết nào sẽ được hưởng mức kinh phí hỗ trợ theo tiết đó.

Tuy nhiên, một vài đồng nghiệp của tôi ở trường công lập chia sẻ rằng thời gian học sinh nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19, họ chỉ nhận được mức lương cơ bản 4-5 triệu đồng/tháng, ngoài ra không có một khoản nào thêm. Trong khi đó, họ đã bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian để soạn giáo án và dạy trực tuyến” – vị hiệu trưởng trên cho hay.

Ông Phạm Thư Tùng, giáo viên môn vật lý Trường THPT Ernst Thälmann (TP.HCM), chia sẻ: “Với tình hình hiện nay, dạy học từ xa chỉ là biện pháp tình thế thì giáo viên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ nhất, sĩ số của học sinh trường công lập gần 50 em/lớp, nếu các em không tự giác thì giáo viên khó kiểm soát hết. Tiếp theo nữa là điều kiện học tập tại nhà của học sinh không đồng đều: một số em không có máy tính tại nhà hoặc có máy nhưng không nối mạng Internet thì cũng không thể học từ xa”.

H.HG.

Cần công nhận dạy học trực tuyến

TS Lê Viết Khuyến
TS Lê Viết Khuyến

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Lê Viết Khuyến – trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam – cho biết hiệp hội đã có 3 văn bản kiến nghị về việc cần thiết công nhận các hình thức dạy học từ xa, trong đó có dạy học trực tuyến.

Với thực tế hiện nay, việc công nhận, khích lệ các trường triển khai giúp việc dạy học không bị đứt đoạn hoàn toàn.

Theo ông Khuyến, với học sinh phổ thông, việc nghỉ học dài ngày sẽ để lại những hệ lụy rất lớn. Bộ GD-ĐT lẽ ra cần phải chủ động nhìn xa hơn để có chỉ đạo ngành GD-ĐT các địa phương triển khai những hình thức dạy học từ xa ở các nhà trường.

Dạy học từ xa có từ trước đây, thông qua các hình thức học hàm thụ, dạy học qua đài phát thanh, truyền hình. Ngày nay có nhiều hình thức hơn, trong đó có dạy trực tuyến.

“Đừng so sánh việc dạy từ xa, dạy trực tuyến với dạy học truyền thống tại trường để thấy nó không bằng, rồi cấm hết. Cần so sánh dạy từ xa với không dạy gì cả. Việc khắc phục khó khăn dạy học từ xa, mức độ đạt được có thể cao, thấp khác nhau nhưng chắc chắn là hơn không dạy gì cả” – TS Lê Viết Khuyến nói.

Theo ông Khuyến, nơi nào dạy học trực tuyến tốt Bộ GD-ĐT nên công nhận. Những nơi không có điều kiện dạy trực tuyến thì nên tổ chức dạy học qua truyền hình kiến thức cơ bản, kết hợp với các hình thức kiểm soát, đánh giá học sinh gián tiếp theo từng trường, từng lớp.

Theo ý kiến các chuyên gia của Hiệp hội Các trường đại học – cao đẳng ngoài công lập, “đóng cửa trường không có nghĩa là ngừng hoạt động. Nhưng muốn các trường vận động để linh hoạt áp dụng các hình thức dạy học phù hợp trong giai đoạn chống dịch COVID-19 thì cần sự vào cuộc thực sự của Bộ GD-ĐT”.

Theo VĨNH HÀ (tuoitre.vn)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN