Web drama: chất lượng trồi sụt

Chưa bao giờ thị trường web drama lại ‘nở rộ’ như hiện nay. Đây không còn là mảnh đất màu mỡ cho các nghệ sĩ trẻ nữa, mà nhiều nghệ sĩ tên tuổi cũng không đứng ngoài cuộc chơi, góp phần làm nên sự ‘chuyển mình’ của thể loại này.

minh-hang-17-8-7read-only-1597891365082200498052 Minh Hằng trong Kẻ săn tin – Ảnh: ĐPCC

Trước đây, không ít sản phẩm web drama bị khán giả nhận xét làm theo kiểu nghiệp dư, miếng hài nhạt, thậm chí bị chỉ trích gay gắt là hài nhảm.

Nguyên nhân được lý giải là do sản phẩm chiếu miễn phí trên YouTube nên nhiều người quan niệm làm sao ít tốn kém chi phí nhất.

Nhưng càng về sau, các nghệ sĩ đã có sự đầu tư chỉn chu hơn cho các web drama từ khâu kịch bản, thiết bị quay – dựng, diễn viên ăn khách…

Đề tài cũng được mở rộng, khai thác về tâm linh, cổ trang hoặc đời sống tâm lý, chứ không còn bó hẹp trong các câu chuyện về giang hồ, xã hội đen hay cung đấu nữa. Số lượng tập của mỗi web drama cũng tăng, ít nhất 3 tập, nhiều nhất hiện nay là 10 tập.

Cuộc đua lượt xem và diễn viên hút view

Do đặc thù chiếu mạng, web drama không nằm ngoài cuộc đua lượt xem trên YouTube và cuộc chạy đua vào top thịnh hành. Các phim của Trấn Thành có lượt xem rất tốt (vài triệu lượt mỗi tập) và thường xuất hiện ở vị trí cao của top thịnh hành do sức hút tên tuổi nam diễn viên.

Kẻ săn tin của Minh Hằng và Đại kê chạy đi 2 của NSND Hồng Vân có lượt xem khá tốt, từ 1 triệu đến vài triệu lượt mỗi tập. Ngoài ra, các web drama năm nay thường đạt vài trăm nghìn hoặc gần 1 triệu lượt mỗi tập, con số này không quá cao.

le-giang-2-17-8-3read-only-15978913423711338329455 Lê Giang cùng lúc xuất hiện trong 3, 4 web drama đang chiếu – Ảnh: ĐPCC

Việc cần “hút view” dẫn đến một số gương mặt “hot” xuất hiện dày đặc như Lê Giang, Anh Đức, Lê Dương Bảo Lâm, Duy Khánh, Huỳnh Lập, Quang Trung…

Hiện tại, Lê Giang cùng lúc xuất hiện trong Đặc vụ thời gian, Đại kê chạy đi 2, Đệ nhất kỹ nam, Hạnh phúc trong tầm tay và trước đây là Bố già, Bao lô, Đại kê chạy đi 1, Cương thi biến…

Nhà sản xuất Hạnh phúc trong tầm tay cho biết phần lớn kinh phí web drama được dồn vào catsê cho diễn viên nổi tiếng nhằm hút khán giả. Nhưng việc đóng quá nhiều web drama khiến diễn viên bê nguyên lối diễn từ phim này sang phim khác mà không có sự đổi mới.

Đôi khi các gương mặt nổi tiếng chỉ xuất hiện trong vai khách mời để thu hút khán giả chứ không đảm nhận vai trò gì quan trọng. Điển hình là khi Trấn Thành, Đông Nhi, Lan Ngọc, Jun Phạm… đồng loạt xuất hiện trong tập đầu Kẻ săn tin.

Tiêu chí điện ảnh – chiếc áo quá rộng

“Tôi muốn làm phim mang tiếng là web drama nhưng dựng phim theo tiêu chuẩn điện ảnh, vì lỡ đầu tư rồi thì dựng sao cho kỹ” – Trấn Thành nói trong một sự kiện. Đó là riêng về dựng phim, khía cạnh mà web drama Việt có sự tiến bộ rõ rệt trong năm qua.

Còn tổng thể, web drama có thể hướng đến chất lượng điện ảnh không? Thực ra, đây là tiêu chí quá tầm và không hợp lý vì mỗi thể loại có đặc thù riêng.

Web drama hiện nay phần lớn đạt mức xinh xắn, nhẹ nhàng, nhiều tình tiết hài (đôi khi hài lố), sản xuất thiếu đầu tư, kịch bản hay bối cảnh chưa thể ngang tầm phim truyền hình, chứ chưa nói đến điện ảnh.

Khi ra mắt, nhiều web drama chiếu tập 1 tại rạp cho báo chí. Và khi chiếu trên màn ảnh lớn, nhược điểm về góc quay, khung hình, kỹ xảo hay diễn xuất lộ rất rõ. Bởi vậy, web drama vẫn còn khoảng cách rất xa với điện ảnh hay đúng hơn, không nên đặt tiêu chí điện ảnh vì không đúng với đặc thù của nền tảng.

tran-thanh-17-8-3read-only-15978913045891322594413 Trấn Thành trong Đặc vụ thời gian – Ảnh: ĐPCC

Các web drama của Trấn Thành (Bố già, Đặc vụ thời gian) có đầu tư hơn về kịch bản, tình tiết và thiết kế sản xuất so với mặt bằng web drama nói chung, nhưng còn sa vào mua nước mắt (Bố già) hay tấu hài “nhây”, dễ dãi (Đặc vụ thời gian).

Những tình huống hài này không thực sự hài hước nhưng được kéo giãn bằng thời lượng và diễn xuất để gây cười.

Riêng khoản tấu hài “nhây”, web drama rõ ràng đang làm hài lòng khán giả xem qua mạng, vốn đã quen với các clip hài tình huống ngắn tương tự trên YouTube.

Về kinh phí và độ chuyên nghiệp trong sản xuất, web drama năm nay tiến bộ so với các năm trước. Kẻ săn tin của Minh Hằng đầu tư mạnh với bối cảnh lớn, đa dạng, các pha hành động ở không gian rộng thay vì không gian hẹp để tiết kiệm chi phí như ở các web drama khác.

Do đó kinh phí cao hơn: 6 tỉ đồng cho 6 tập. Về nội dung, Kẻ săn tin nỗ lực đào sâu hơn khi khai thác chủ đề ấu dâm khá gai góc, hình sự và bớt chất đời thường so với các web drama khác.

Mặc dù vậy, các cảnh săn đuổi hoành tráng và đối đầu xã hội đen của Kẻ săn tin lại cường điệu so với nhân vật là phóng viên mảng đời tư người nổi tiếng.

Những điểm vô lý, cường điệu hoặc hơi lố trong web drama được dùng để gây cười nhưng lại tạo cảm giác thiếu nghiêm túc, thiếu chân thực, giảm chất lượng phim.

Minh Hằng cho biết cô đầu tư web drama như bước đệm cho phim điện ảnh. Nếu thành công, cô sẽ phát triển phiên bản điện ảnh. Nhưng rõ ràng để vươn đến tầm điện ảnh, các dự án phải đầu tư thêm rất nhiều về nội dung.

 

anh-4-dai-ke-chay-di-3read-only-15978912712991712159431 Các tập phim web drama liên tục lọt vào top trending YouTube – Ảnh: ĐPCC

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt web drama phát hành đã tạo được sự chú ý của khán giả. Điển hình là Đại kê chạy đi phần 2 của NSND Hồng Vân, Bố già của nghệ sĩ Trấn Thành, Nhà trọ có quá trời phòng phần 2 của diễn viên Nam Thư, Thằng khờ 3 của diễn viên Quách Ngọc Tuyên, Kẻ săn tin của diễn viên Minh Hằng hay Yêu lại từ đầu của Việt Hương.

Trước đó, trong hai năm 2018, 2019, nhiều sản phẩm được các nghệ sĩ dồn tâm huyết thực hiện: Thập Tam Muội của Thu Trang; Vi Cá tiền truyện của Quách Ngọc Tuyên; Ai chết giơ tay của diễn viên Huỳnh Lập; Nhà trọ có quá trời phòng, Thập Tứ cô nương của diễn viên Nam Thư; Tay buôn, buông tay, Ghe bẹo ghẹo ai? của Võ Đăng Khoa; Trật tự mới của Việt Hương.

Cặp đôi Thu Trang – Tiến Luật cũng đã thực hiện và sắp phát hành 2 web drama gồm Bộ tứ oan gia (dự kiến tháng 8) và Chuyện xóm tôi (dự kiến tháng 10).

l NSND Hồng Vân: Khán giả đã có sự chuyển hướng về nhu cầu thưởng thức, đó là những gì gần gũi, rất thật, đi vào giới bình dân nhất của xã hội. Yếu tố hài, tình huống đưa vào web drama phải đẩy lên nghịch lý nhưng cân đong đo đếm sao cho không bị lố.

l Diễn viên – đạo diễn Huỳnh Lập: Đây là thời điểm web drama trở thành một trong những món ăn tinh thần giải trí thiết thực.

Tuy nhiên, quá nhiều web drama ra cùng lúc chắc chắn có sự thoái trào vì có quá nhiều sự lựa chọn. Người nghệ sĩ ngoài làm thỏa mãn nhu cầu giải trí của khán giả cần phải định hướng tạo ra thị hiếu cho khán giả.

 

 

Theo Mi Ly – Hoài Phương – tuoitre.vn

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN