Sau khi Hương Giang đăng quang Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2018, bên cạnh niềm vui xen lẫn tự hào về chiếc vương miện thì cũng có những nghi ngại về chuyện để được như Hương Giang, có quá nhiều đau đớn mà một người muốn chuyển giới phải bước qua.
Con đường Hương Giang Idol tìm về “bản năng gốc” cũng như việc cô đăng quang Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2018 đang được coi như một biểu tượng cho tinh thần dám đối mặt, vượt qua nhiều khó khăn, đau đớn mọi mặt để được sống đúng với mình.
Tất nhiên, Hương Giang không phải trường hợp đầu tiên, duy nhất song cho tới thời điểm hiện tại, lại có rất ít người khao khát chuyển giới mà không dám dấn thân đến cùng như cô.
Nếu hỏi 10 người chuyển giới thì có lẽ cả 10 người đều trùng hợp ở những khó khăn của quá trình này như: tiêm hormone một thời gian dài, đau đớn tột cùng và trầm cảm sau phẫu thuật, khả năng thích ứng với những “bộ phận” mới sau can thiệp chuyển giới… Chưa kể chi phí bạc tỷ cho toàn bộ quá trình này.
Ở Việt Nam, dù chưa có số liệu thống kê chính xác về số lượng người chuyển giới nhưng theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ người chuyển giới chiếm khoảng 0,3%-0,5% dân số.
Nếu với dân số hiện khoảng 93,7 triệu người (số liệu năm 2017) thì nước ta có khoảng 270.000 – 450.000 người mong muốn chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, số người thực sự đã tiến hành phẫu thuật chuyển đổi giới tính một cách hoàn toàn vẫn còn rất ít.
Thực tế, không phải ai mong muốn chuyển giới chỉ cần mỗi chuyện khao khát, hy vọng là xong mà họ phải giải quyết rất nhiều bài toán hóc búa khác. Đầu tiên, là dù điều 37 Bộ Luật Dân sự đã thông qua công nhận quyền chuyển đổi giới tính, nhưng vẫn chưa có luật chuyên ngành, hướng dẫn thi hành cụ thể.
Bên cạnh đó là điều kiện kinh tế để chi trả cho phẫu thuật hoặc bảo đảm về sức khoẻ để trải qua các cuộc phẫu thuật với nhiều nguy cơ xấu có thể xảy ra.
Riêng người sử dụng hormone theo đường tiêm hay uống mỗi năm tiêu tốn khoảng từ 1 triệu đến 17 triệu đồng. Người có mong muốn được chuyển giới phải chi trả kinh phí khoảng 4.000-5.000 đô la Mỹ, (khoảng 90 – 110 triệu đồng); thậm chí là từ 30.000- 35.000 đô la Mỹ (khoảng hơn 700 triệu đồng) cho một cuộc phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Chưa kể, không phải ai cũng đủ dũng cảm, tự tin, tâm lý vững vàng để thực hiện chuyển đổi giới tính bằng cách can thiệp dao kéo, phẫu thuật.
Nhưng đó có phải là khó khăn lớn nhất với những người chuyển giới như Hương Giang không? Có lẽ là không! Khó khăn lớn nhất với họ là vấn đề đối diện gia đình, dư luận, cộng đồng trước và sau khi chuyển giới.
Trước Hương Giang, một người đầy bản lĩnh như diễn viên – ca sĩ Cindy Thái Tài không hề hấn gì khi phẫu thuật mà gần như sụp đổ khi bị đám đông “bao vây”, ngắm nghía lúc trở về nước.
Họ đợi cô ở cửa hiệu trang điểm nơi cô làm việc suốt ngày nọ qua ngày kia, không thôi bàn tán, chỉ trỏ. Cuối cùng, Cindy Thái Tài chọn cách đối diện dư luận bằng việc thẳng thắn trả lời mọi câu hỏi, đặc biệt là câu hỏi của giới truyền thông, báo chỉ để “một lần cho xong”.
Người ta dễ dàng nhận thấy bản lĩnh, sự mạnh mẽ ở những người chuyển giới như Cindy Thái Tài, Hương Giang, Lâm Khánh Chi… nhưng sự tổn thương, đau đớn thẳm sâu bên trong họ thì chính bản thân họ phải đối mặt âm thầm với nhiều ám ảnh, đau đớn.
Hoa hậu Chuyển giới Hương Giang kể, sau khi trở về từ Thái Lan, thậm chí bố cô không hề biết con mình đã phẫu thuật. Chỉ có mẹ Hương Giang biết, bà là người đã chăm sóc con và khóc rất nhiều. Đến khi cô tham gia cuộc thi “Vietnam Idol”, bố mới biết con mình đã chuyển giới nhưng phải rất lâu sau ông mới chấp nhận được thực tế ấy.
Để có được hiện tại thành công, Hương Giang trải qua nhiều trở ngại, tổn thương và cả những sai lầm. Như vậy có đáng không? Trước câu hỏi ấy, cô trả lời: “Cái được lớn nhất là tôi chẳng còn phải giấu giếm mình là một cô gái trong hình hài chàng trai nữa!”
Cái giá cho sự thay đổi ngoại hình, giới tính như Hương Giang quả thật quá đắt đỏ. Đắt ở đây ngoài nghĩa đen thông thường về chi phí, thời gian còn là sự rủi ro về tính mạng. Thực tế cho thấy, không phải ca phẫu thuật chuyển giới nào cũng thành công.
Thậm chí, nhiều người bị biến chứng, tổn thọ, sau phẫu thuật sa đà vào công nghệ thẩm mỹ đến mức thành “phiên bản lỗi”… Chỉ riêng việc chấp nhận đánh đổi thời gian, tính mạng cho cuộc “lột xác” ấy đã là cái giá quá đắt. Và người “chịu đựng” cái giá đắt đỏ ấy không chỉ là cá nhân người chuyển giới mà còn ở gia đình, người thân của họ.
Chúng ta có thể vui mừng, khâm phục một người đẹp chuyển giới thành công, ghi được thành tích đáng kể trong một cuộc thi nhan sắc ở cộng đồng của họ nhưng chúng ta có thể cũng buồn bã, xót xa khi nghe đến cái giá đắt đỏ cho sự đánh đổi này.
Thế nên, ngay sau khi Hương Giang đăng quang ngôi vị Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2018, một Facebooker khá nổi tiếng đã không ngần ngại khi chia sẻ trên mạng xã hội: “Tôi thấy không nên đăng hình những bạn chuyển giới phẫu thuật đẹp, điều đó làm những bạn khác mơ và bằng mọi cách qua Thái Lan chuyển giới. Việc một người đẹp Việt đăng quang tại Thái Lan không loại trừ khả năng họ nhằm vào nhu cầu chuyển giới đang rất đông ở Việt Nam trong khi ở Thái Lan đã bão hòa. Những ca đại phẫu để được đẹp sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ, tuổi thọ của các bạn. Các bạn lý giải là cần phải đẹp cần phải nữ tính để được người yêu, tôi không nghĩ đó là cái lý đúng, khi họ yêu bạn thì họ đã biết bạn đã như thế nào…”
Dù sao, đó vẫn chỉ là suy nghĩ của người ngoài cuộc. Còn khi đi tìm câu trả lời từ những người trong cuộc như Hương Giang, Cindy Thái Tài, Lâm Khánh Chi… chúng tôi nhận được cùng một quan điểm rằng: Với những người “tạo hóa” trót “nhầm ngôi”, họ sẵn sàng đánh đổi cả sự sống, cuộc đời để một phút được là chính mình.
Tất nhiên, trong hành trình đầy nghiệt ngã ấy, nỗi đau không hề độc lập mà liên đới tới bao người khác trong gia đình, trong xã hội nên không ít người chuyển giới sau khi được là chính mình rồi, họ thoát khỏi nỗi cô đơn này lại đối diện với trăm ngàn nỗi cô đơn khác.
Theo Giadinhnet