Nếu âm nhạc nâng cảm xúc của bộ phim, nhân vật, câu chuyện lên đỉnh điểm thì chính những bối cảnh vừa tuyệt đẹp vừa phù hợp hoàn cảnh, sẽ khắc ghi mãi trong trí nhớ của khán giả. Vô tình trót yêu một khung hình nào đó thật nên thơ và lãng mạn thì chắc có bạn sẽ muốn được đặt chân đến, tất nhiên với điều kiện là cảnh quay ấy không được dựng bằng kỹ xảo! Cùng dạo một vòng quanh thế giới qua các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng nhất về tình yêu và về nhân loại từng khiến bao lớp khán giả lay động, cuồng chân!
Lord of the Ring (2001 – 2003)
Câu chuyện Lord of the Ring chinh phục khán giả màn bạc không còn quá xa lạ vì doanh thu gần 3 tỷ USD, nhưng chính những cảnh quay đẹp như thiên đường hạ giới đã thật sự gợi trí tò mò tột độ của người hâm mộ. Họ khám phá ra rằng bộ phim được ghi hình một phần ở khu du lịch Hobbiton (New Zealand), điểm chú ý là toàn bộ bối cảnh sắp đặt quay phim được giữ nguyên để phục vụ khách du lịch. Cho đến hiện tại, tour du lịch đến “thiên đường” vẫn còn hoạt động và giá vé tương đối hợp lý từ 79 – 195 USD (khoảng 2 – 5 triệu đồng).
Ngoài khu du lịch Hobbiton, người hâm mộ loạt phim thần tiên đình đám này còn có cơ hội tham dự tour du lịch kéo dài hai tuần mang tên chính bộ phim. Chuyến đi trải dài từ Auckland đến Queenstown – những thành phố nổi tiếng sầm uất với rất nhiều mô hình giải trí thiên nhiên như trượt tuyết hay khu vườn quốc gia Tongariro sở hữu cung đường đi bộ (ban ngày) đẹp nhất xứ.
The Beach (1999)
Mặc cho bộ phim bị chính phủ Thái Lan tẩy chay và không lập được bất kỳ thành tích nào khi trình làng, nhưng không thể phủ nhận rằng bối cảnh quá đẹp của các bờ biển thiên nhiên được sử dụng trong phim dần chinh phục rất nhiều thế hệ phượt thủ. Ngày nay nếu như nhắc đến Koh Phi Phi, Ko Samui, Krabi… hẳn dân sành điệu sẽ nghĩ ngay tới thước phim nóng bỏng của mỹ nam Leonardo DiCaprio với đàn chị Tilda Swinton trong phim.
Điều đáng ghi nhận rằng thời điểm đoàn làm phim tìm đến các hòn đảo hoang sơ này, họ đã không nhận được sự đón nhận nồng hậu từ người dân Thái Lan bởi e sợ ekip sẽ phá hủy nét đẹp thiên nhiên. Kiện tụng xả ra, song đó đã thuộc về quá khứ, bộ phim vẫn mang đến giá trị nhất định là giới thiệu vẻ đẹp của xứ sở chùa Vàng thay vì nghĩ đến Thái Lan người ta chỉ nghĩ đến mua sắm, ăn chơi và các khu phố “đèn đỏ”.
Eat, Pray, Love (2010)
Từ bao giờ Bali trở thành điểm du lịch lôi cuốn những đôi trẻ hoặc những tâm hồn thích lang thang một mình? Có lẽ bộ phim Hollywood thành công nhất khi biến Bali trở thành thiên đường là Eat, Pray, Love của Julia Roberts. Từ tiểu thuyết diễm tình bán chạy đến những thước phim đẹp đẽ trên màn ảnh rộng, khán giả thật sự choáng ngợp và khao khát được… đến Bali chỉ để tìm một người yêu thật sự.
Trong bộ phim, nhân vật Elizabeth chọn ba địa điểm du lịch là Ý, Ấn Độ và Bali. Mỗi nơi cô chọn cho mình cách thay đổi tương quan sống. Nếu nước Ý dành để thưởng thức ẩm thực thì Ấn Độ là nơi linh thiêng để cầu nguyện và gột rửa phiền muộn. Sau tất cả chiêm nghiệm về hưởng thụ (du lịch ăn uống) rồi đến nhìn lại chính mình, là lúc Elizabeth chọn Bali để tìm kiếm tình yêu đích thực, hoặc một định nghĩa mới hơn về tình yêu trai gái, đôi lứa… Ý nghĩa của bộ phim cũng như cuốn sách đã thật sự biến Bali trở thành điểm du lịch lý tưởng nhất.
In the Mood For Love (2000)
Không gì là khó hiểu nếu ta xếp Tâm Trạng Khi Yêu của đạo diễn Vương Gia Vệ vào danh sách này, bởi những ai thật sự yêu bộ phim này đều không dưới một lần mong muốn đến ngôi đền Angkor Wat thiêng liêng, trầm mặc ở cuối phim, để chạm vào cảm xúc của Châu Mộ Văn – cũng là cảm xúc chung của những kẻ lãng mạn, yêu say đắm và sâu sắc. Đỉnh điểm của sức mạnh điện ảnh là khi có tin di tích tôn giáo lớn nhất thế giới này sắp bị tàn phá, nhiều thế hệ khán giả đam mê Tâm Trạng Khi Yêu đã xách ba lô lên và đi. Dữ liệu của quốc gia này cũng cho biết vào năm 2004 tức ba năm sau khi bộ phim chiếu rộng rãi toàn cầu, đã có 561.000 du khách nước ngoài đến tỉnh Xiêm Riệp, chiếm xấp xỉ 50% lượng du khách nước ngoài đến Campuchia. Năm 2007 con số ấy tăng lên một triệu du khách. Hầu như chiếm phần lớn lợi nhuận du lịch đều được dùng vào việc phục dựng, sửa chữa ngôi đền được cho là linh thiêng và huyền bí này.
Lại nói về cảnh quay của Tâm Trạng Khi Yêu, vì sao nó ám ảnh khán giả đến vậy? Sau tất cả những khoảnh khắc ái tình câm nín với Tôn Lệ Trân – một phụ nữ đã có gia đình, Châu Mộ Văn quyết định thổ lộ tất cả tâm tư vào ở ngôi đền – nơi được cho là tàng tích cuối cùng của tình yêu. Cảnh quay thể hiện rõ nghiệt ngã thực tế thông qua những mảnh đổ nát, mô tả nỗi đau câm lặng của phận người không thể tự do yêu đương.
Vicky Cristina Barcelona (2008)
Lấy ý tưởng kịch bản về hai nữ sinh viên trẻ đi du lịch trong kỳ nghỉ hè, bộ phim tình cảm hài lãng mạn của đạo diễn Woody Allen mở ra thước phim vừa nóng bỏng, vừa giật gân nhưng cũng rất trữ tình, nữ tính. Vicky và Cristina đại diện cho hai kiểu phụ nữ hiện đại: một thông minh và mạnh mẽ, một yếu đuối ủy mị. Cả hai cùng phải lòng một người đàn ông đã có vợ tên là Juan Antonio, chuyến đi chơi khám phá Barcelona quyến rũ ở Tây Ban Nha giờ đây trở thành hành trình khám phá bản năng và tình yêu.
Do lần đầu tiên quay phim tại Barcelona, đạo diễn Woody Allen quyết định để hai nhân vật của mình như hai vị khách xa lạ tham quan các thắng cảnh, di tích tuyệt đẹp… đồng thời lồng ghép vào đó là tâm hồn yêu mãnh liệt, dữ dội nhưng thủy chung của con người nơi đây. Bộ phim hấp dẫn khán giả không chỉ bởi mối tình tay ba tay tư đầy kịch tính trên phim, mà còn cho khán giả thấy được những khung cảnh mang đậm dấu ấn nghệ thuật, kiến trúc đỉnh cao ở Bercelona, và tất nhiên không thiếu guitar và những giọng ca sân khấu ngoài trời hút hồn… Tất cả đều khiến người xem không ngừng nghĩ tới viễn cảnh được đến tận nơi và trải nghiệm tận cùng.
Under the Tuscan Sun (2003)
Có cấu tứ khá giống với Eat, Pray, Love mô tả về đời sống tâm linh tình cảm của những người phụ nữ trung niên, bộ phim dễ dàng trở thành “bài học điện ảnh” với nhiều khán giả nữ. Phim xoay quanh Frances, cô nhà văn vừa ly dị chồng và muốn đổi không khí nên đã mua một căn biệt thự ở thị trấn nhỏ bên bờ Cortona. Tại đây, Frances bắt đầu mối tình đầy đam mê với anh chàng người Ý điển trai Marcello, nhưng rốt cuộc cô phải từ bỏ anh vì thói trăng hoa. Thất vọng nối tiếp tuyệt vọng, dường như Frances chẳng còn muốn yêu nữa mà chỉ muốn tận hưởng cuộc sống rực rỡ sắc màu dưới ánh mặt trời Tuscan cho đến khi chợt nhận ra, duyên may vẫn đến…
Được ghi hình phần lớn ở miền đồng quê thơ mộng nước Ý, bộ phim như đoạn quảng cáo du lịch khéo léo lồng ghép vào câu chuyện tình lãng mạn, day dứt. Người xem không thể rời mắt khỏi những thảo nguyên ngút ngàn hoa, những ngôi làng cheo leo ôm lấy vách núi hay những vườn nho, vườn ôliu xanh mướt…
Lost In Translation (2003)
Do một nữ đạo diễn dàn dựng (Sofia Coppola) vì vậy mà bộ phim thấm đượm tinh thần duyên dáng, xen lẫn sự bí ẩn đầy quyến rũ. Chuyện phim là cuộc gặp gỡ, làm quen rồi thấu hiểu nhau một cách kì lạ giữa Charlotte – cô sinh viên vừa tốt nghiệp và Bob Harris – một nam tài tử đến tuổi giã từ hào quang. Cả hai có cùng điểm chung là cô đơn, gặp khủng hoảng tinh thần và vô tình tìm thấy sự đồng điệu nơi nhau qua vài câu thoại, ánh nhìn và một vài kỉ niệm nho nhỏ trải dài hai quận sầm uất nhất Tokyo là Shinjuku và Shibuya. Bộ phim tinh tế nhận vô số lời khen, giúp tác giả Sofia trở thành số ít những nữ biên kịch được đề cử Oscar trong lịch sử giải thưởng danh giá.
Ấn tượng từ bộ phim đã được trang web du lịch Nhật bản Japan Guide ưu tiên đưa vào chương trình khám phá nước Nhật. Những cảnh phim thực hiện ở Kyoto với hình ảnh đền thờ Heian Shrine, Nanzenji Temple cũng trở thành điểm đến với dân mê du lịch. Thậm chí, quán karaoke của một cảnh quay kinh điển trong phim cũng được giới thiệu chi tiết trên trang web này, nhằm thu hút thêm những khán giả yêu thích bộ phim…
Midnight In Paris (2011)
Nhiều người nói rằng bộ phim này là cách tri ân của tác giả Woody Allen dành cho Paris – thành phố mà ông yêu thích, cũng như chính con người nước Pháp dành thiện cảm đặc biệt cho ông nhiều thập kỷ qua. Ra mắt lần đầu tiên tại Liên hoan phim Cannes, Midnight In Paris trở thành thiên tình ca dành cho những kẻ yêu đương mộng mơ và hoài cổ về thời vang bóng đã khuất. Bộ phim thành công đến nỗi sau đó nó nhận được ba đề cử Oscar và thu về con số gấp ba lần kinh phí thực hiện.
Chưa hết, hầu hết những cảnh quay và các địa danh nổi tiếng trên phim như vườn Claude Monet, cung điện Versailles, đường 18 Rue du Louvre… đều có trong tour du lịch cùng tên thu hút nhiều du khách gần xa – những ai lần đầu chạm vào Kinh đô ánh sáng. Midnight In Paris là câu chuyện ảo mộng về Gil, một chàng nhà văn người Mỹ, cùng vị hôn thê xinh đẹp Inez đến Paris nghỉ dưỡng. Một tối lang thang như mọi khi, ngắm trời ngắm đất, Gil bỗng lạc vào thế giới cổ xưa những năm 20 thông qua cỗ xe quay ngược quá khứ. Từ đó Gil đưa người hâm mộ trở về với vẻ đẹp nội tâm và cốt lõi của Paris…
Điện ảnh đương đại Việt Nam không thiếu các cảnh quay đẹp mắt, tuy nhiên thường được lồng ghép vụng về vì nhiều lý do từ quảng bá, quảng cáo cho đến… nhà tài trợ. Chỉ một số ít phim tạo được cảm giác gần gũi và chân thật về bối cảnh Việt trong phim Việt. Nổi bật nhất phải kể đến 1735 km ra đời vào năm 2005, được quay từ Nam chí Bắc với cốt truyện trẻ trung và thời thượng. Tuy nhiên bộ phim này chỉ được một nhóm đối tượng khán giả tri thức bấy giờ chú ý và thường bị báo chí ví von là “sinh nhầm thời”.
Cùng thời điểm, khán giả Việt được dịp thưởng ngoạn cảnh đẹp mờ ảo cao nguyên đá Đồng Văn qua Chuyện của Pao do Ngô Quang Hải thực hiện. Bộ phim gặt hái một số giải thưởng và chu du vài Liên hoan phim quốc tế nhưng mãi sau này, cơn sốt du lịch Hà Giang, Đồng Văn với hình ảnh hoa tam giác mạch dễ nhớ, dễ yêu mới mở rộng trong cộng đồng trẻ. Gần đây nhất là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ , thực hiện tại Phú Yên. Trước đó không lâu, Victor Vũ cũng khiến người hâm mộ thích thú với những thước phim cổ trang Thiên mệnh anh hùng quay tại Ninh Bình.
ĐỨC TRẦN