Những đoạn clip ngắn được chia sẻ với tiêu đề “review” trên mạng xã hội Việt Nam có những mặt tích cực và tiêu cực gì?
- 100 phim Hollywood bị hoãn chiếu do COVID-19, có ‘No Time to Die’ và ‘Black Widow’
- Phim Trung Quốc được và mất gì khi cấm thể loại cổ trang cung đấu?
- Bom tấn “Tenet” trở thành miếng mồi béo bở cho nạn phim lậu
Trong thời gian gần đây, trào lưu phim review đã trở thành một chủ đề gây sốt, nhận được nhiều sự quan tâm từ công chúng trên các ứng dụng mạng xã hội khác nhau. Không quá đỗi xa lạ, song nó như mang đến “hơi thở” tươi mới đối với cư dân mạng. Nói đi cũng phải nói lại, trào lưu nào cũng có hai mặt, tích cực xen lẫn tiêu cực và liệu chúng ta tiếp tục đón nhận, lên án hay đề xuất biện pháp cải thiện.
Đầu tiên, khán giả chúng ta đang hiểu sai ý nghĩa của chủ đề “review phim”. Trên thực tế, review là đánh giá, nhận xét hay bài phê bình về một bộ phim dưới cái nhìn khách quan. Người đánh giá nên giải thích cách câu chuyện xây dựng mà không cần thiết phải spoil và nêu ra những cú plot twist.
Bản chất của nó có thể đưa ra một bản tóm tắt cốt truyện và người đánh giá nêu ý kiến để trở thành tài liệu tham khảo. Nếu thấy hợp lý, khán giả sẽ biết được liệu họ có muốn xem bộ phim dựa trên đánh giá này hay không. Bởi lẽ đó, review không phải là kể hết nội dung câu chuyện từ đầu cho đến cuối và “phá hoại” trải nghiệm của người khác.
Trở lại với câu chuyện Phim review “đổ bộ” đại trà trên hàng chục fanpage lớn nhỏ tại Việt Nam. Cho đến thời điểm hiện tại, “người người nhà nhà” đang đắm chìm vào những clip phim được đặt dưới tiêu đề “review” có thời lượng từ 5 đến10 phút. Và để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu cư dân mạng khắp nước, các fanpage đã tập trung “tái sinh” ra ít nhất ba video ngắn trong một ngày.
Được biết, cha đẻ của hầu hết những chiếc clip phim review ở Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc. Các fanpage đã tận dụng nguồn vốn sẵn có trên các ứng dụng mạng xã hội và “thu gom” về để tái sử dụng. Ban đầu, họ sẽ thay đổi nhạc nền để làm mất đi giọng đọc chính chủ người Hoa. Sau đó là lồng tiếng và có thêm phụ đề tiếng Việt để người xem dễ hiểu.
Về mặt tích cực
Tiết kiệm thời gian: Những đoạn video được xem là review này phù hợp với đối tượng người bận rộn trong công việc và học tập. Thay vì bỏ hàng giờ đồng hồ ra rạp hay mở máy tính thưởng thức một bộ phim, chúng ta có thể hiểu rõ được “tất tần tật” về câu chuyện cũng như các tình tiết hấp dẫn nhất chỉ trong vỏn vẹn vài phút.
Dễ hình dung: Sẽ rất khó tưởng tượng ra các tình tiết sinh động nếu chỉ ngồi đọc câu chuyện về bộ phim thông qua một bài báo, kèm theo một số hình ảnh tĩnh. Thậm chí, chúng ta còn có cảm giác chán ngán khi phải đọc quá nhiều và não bộ không kịp tiếp thu. Thay vào đó, những đoạn clip ngắn sẽ giúp chúng ta thoải mái theo dõi mà không sợ bỏ lại phía sau.
Dễ ngủ: Trên thực tế, giọng đọc kèm theo một số nhạc nền quá đỗi quen thuộc trong các đoạn clip là một liều thuốc an thần giúp người xem chìm vào giấc ngủ. Lấy kinh nghiệm cá nhân, tôi mất ngủ thường xuyên và trằn trọc hàng đêm do stress. Một ngày nọ, tôi nằm xem những đoạn clip ngắn trong không gian tĩnh và đôi khi cũng mệt đến mức nhắm mắt lắng nghe câu chuyện. Kết quả, nó như có ma lực khiến tâm trạng thoải mái, đầu óc được thư giãn và đi vào giấc ngủ say lúc nào chẳng hay.
Về mặt tiêu cực
Sai sót nội dung: Vốn dĩ được lấy nguồn từ các trang mạng xã hội Trung Quốc, do đó các ngôn từ được dịch thuật lại không chuẩn so với bản gốc và bản full được phát hành trên màn ảnh rộng của từng tác phẩm. Đôi khi, câu chuyện rối rắm, các nút thắt trong nội dung chưa được gỡ ra vì thời lượng ngắn. Đôi khi giọng đọc quá “hấp tấp” khiến người xem không theo kịp nội dụng. Với thể loại này, bỏ lỡ vài giây cũng khiến ta khó có thể hiểu nội dung kéo theo phía sau.
Sai tên của các nhân vật: Không thể vơ đũa cả nắm nhưng hầu hết các clip phim Âu Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đều bị đọc sai khiến khán giả vô cùng khó chịu. Ví dụ: Trong bộ phim điện ảnh Ký sinh trùng của Hàn Quốc, một số video đọc tên của nhân vật Kim Ki Jeong như sau: “Kim Ki Zê Ông”.
Đáng nói và ngán ngẩm hơn là khi thấy những bộ phim thuộc các quốc gia trên bị Trung Hoa hoá một cách “trơ trẽn”. Nhưng bản thân fanpage Việt Nam không tìm cách khắc phục. Cụ thể, diễn viên chính sẽ “auto” được gọi với cái tên đậm chất Hoa ngữ như A Tuấn, Tiểu Mỹ, lão Hồ. Ngoài ra, họ cũng dùng các thuật ngữ mang tính chất tượng hình như “chị tóc đen”, “em tóc ngắn”, “anh tóc xoăn”, “cô tóc vàng”.
Nhạc phim: Chỉ có một vài bản nhạc có thể đếm được trên đầu ngón tay nhưng được lập đi lập lại trong hàng chục đoạn video. Mỗi lần nhạc nền vang lên đều tạo cảm giác khó chịu và kém sức hút trong quá trình theo dõi.
Mất đi trải nghiệm: Một sản phẩm nghệ thuật được làm ra với mục đích truyền tải thông điệp. Sau khi bản thân tự mình chiêm nghiệm, dành thời gian thưởng thức những giá trị tuyệt vời trong một bộ phim dài 90 phút, chúng ta sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề. Có thể đưa ra bình luận khách quan hoặc chủ quan tuỳ vào cảm nhận của bản thân chứ không phải bị “dắt mũi” và phù thuộc vào nhận xét cá nhân của người làm ra clip “review”.
Mất cảm xúc: Mỗi một bộ phim đều thuộc các thể loại như hài, tình cảm lãng mạn, kinh dị hình sự. Thông qua đoạn clip ngắn thuật lại trên mạng, tất cả những gì người xem tiếp thu được chỉ là nội dung và cái kết. Ngoài ra, chúng ta không có được giây phút ngộp thở với những pha hành động, vã mồ hôi và thót tim trước cảnh kinh dị bất ngờ, sở da gà với cảnh chém giết hay chết chóc. Bên cạnh đó, cũng khó có cơ hộp để cười trong tình huống tấu hài, rơi nước mắt trước cảnh quay xúc động về cái kết bi thương giữa tình yêu trai gái và tình cảm gia đình.
Thiếu tôn trọng: Để cho ra đời một “đứa con tinh thần”, đội ngũ sản xuất đã vắt kiệt sức để thực hiện. Từ khâu lên kịch bản, đến việc lựa chọn đạo diễn và đàn diễn viên cho phù hợp. Nhận được số vốn đầu tư, họ sẽ tiến hành quay phim trong một khoảng thời gian dài, chỉnh sửa cắt dựng và cuối cùng cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh.
Như vậy, phía nhà sản xuất đã bỏ ra rất nhiều thời gian, chi phí và công sức để đáp ứng nhu cầu giải trí cho con người. Thế nhưng, nếu bạn “từ chối” xem một bộ phim ít nhất một lần thì quả thật đáng buồn. Từng giây từng phút trong một bộ phim dài 90 hay 120 phút đều quý giá và nó đi kèm với mồ hôi nước mắt của diễn viên cũng như ekip làm phim.
Xét cho cùng, chúng ta đừng quá lạm dụng vào những đoạn clip ngắn kể lại nội dung. Thay vào đó, nếu có thời gian rảnh hãy xem một tác phẩm để nâng cao sự hiểu biết. Chúng ta có thể học hỏi được cả kinh nghiệm diễn xuất, kỹ thuật quay dựng phim, văn hoá nghệ thuật cũng như bài học cuộc sống.
Theo Hạnh Phạm – saostar.vn