Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 40 trao giải vàng ở hạng mục phim truyện cho hai phim Kẻ sát nhân cô độc và Sinh tử. Năm nay có bảy phim truyện dài tập, ba phim ngắn tập (5 tập) tham dự liên hoan.
- 10 bộ phim Hoa ngữ bị ‘ném đá’ nhiều nhất trong năm 2020
- ‘Tiệc trăng máu’ vào Top 3 phim Việt ăn khách nhất lịch sử
- CDC Hà Nội: Phim ‘Lửa ấm’ tuyên truyền ‘sai rất nghiêm trọng’ về nhiễm HIV
Phim Sinh tử – Ảnh: ĐPCC
Nói về các tác phẩm dự thi năm nay, ông Nguyễn Quốc Hưng – thành viên ban giám khảo – nhận định: “Năm nay số lượng phim không bằng những năm trước. Điều này phản ánh thực tế khó khăn trong sản xuất phim truyền hình của cả nước, đồng nghĩa với sự thu hẹp của truyền hình truyền thống trước sức ép to lớn của các loại hình chương trình bùng nổ trên mạng Internet”.
“Khán giả ngày nay xem phim rất chọn lọc, khó tính và đòi hỏi cao. Họ buộc nhà sản xuất và đội ngũ làm phim phải nỗ lực sáng tạo, đầu tư nghiêm túc nếu muốn sống sót trong một thị trường phim ảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay” – Đạo diễn Quốc Hưng.
Thiếu vắng cảm xúc đẹp
Nếu xét về chủ đề và cách thực hiện thì quả thật Sinh tử và Kẻ sát nhân cô độc có phần nhỉnh hơn năm phim còn lại. Sinh tử (phát sóng trên VTV1 vào đầu năm 2020) tạo được sự chú ý vì khai thác đề tài chính luận đang nóng hiện nay là tham nhũng và lợi ích nhóm. Những tình tiết trong phim ngồn ngộn tính thời sự.
Còn Kẻ sát nhân cô độc (đang phát sóng trên HTV9) lại đề cập đến tâm lý tội phạm ít được khai thác. Phim do đạo diễn Trần Đức Long – vốn xuất thân là quay phim giỏi – thực hiện nên hình ảnh phim đẹp, đậm chất ngôn ngữ điện ảnh.
Luật trời và Vua bánh mì (đều phát sóng trên THVL1) đoạt huy chương bạc. Theo thông tin từ hai nhà sản xuất phim này, hai phim thường xuyên dẫn đầu danh sách những chương trình có số lượng người xem cao.
Luật trời khai thác câu chuyện nhân quả ở đời. Vua bánh mì chuyển thể từ kịch bản Hàn Quốc, được “biến hóa” thành phim theo phong cách Nam Bộ xưa và nay. Cả hai phim đôi chỗ còn dài dòng, chi tiết khai thác khiên cưỡng…
Và cũng thẳng thắn nhìn nhận, một số phim vẫn tràn ngập môtip quen thuộc quanh các âm mưu, sự trả thù, đấu đá, tranh giành quyền lợi trong các gia đình xưa lẫn nay. Ngay như ba phim cùng tham gia liên hoan – Vua bánh mì, Luật trời, Giọt máu vô hình – cùng khai thác kịch tính từ tình tiết lợi dụng một đứa trẻ…
Đạo diễn, diễn viên Hạnh Thúy – lần đầu làm giám khảo Liên hoan truyền hình toàn quốc – bày tỏ: “Đề tài các phim mang đến liên hoan khá phong phú và mang màu sắc riêng. Phim miền Bắc mạnh về tính chính luận, trong khi phim miền Nam thì mang tính giải trí và khai thác tâm lý, bị kịch gia đình nhiều.
Qua các phim này, cá nhân tôi thấy rằng có thể vì muốn thu hút khán giả mà một số phim tập trung khai thác yếu tố mâu thuẫn gia đình, xã hội khốc liệt, thiếu vắng những câu chuyện mang lại cảm xúc đẹp, nhân văn. Tôi nghĩ các nhà làm phim Việt nên suy nghĩ để cân bằng những yếu tố ấy trong phim của mình”.
Các tác giả nhận giải Vàng thể loại phim truyền hình dài tập và giải nam – nữ diễn viên xuất sắc nhất – Ảnh: MAI THƯƠNG
Cần thay đổi hệ thống chính sách
Những nhận định của các giám khảo liên hoan truyền hình đã phần nào khái quát một năm phim truyền hình Việt buồn nhiều hơn vui: khá thất thế trong cuộc cạnh tranh với phim bộ – đặc biệt của Hàn Quốc – trên mạng, dịch COVID-19 bùng nổ làm ảnh hưởng đến quy trình sản xuất của các phim.
Tuy vậy, một số phim, trong đó có cả phim không dự thi, đã khiến khán giả thích thú theo dõi như Nhà trọ balanha, Tình yêu và tham vọng, Cát đỏ… Nhưng thật sự xét trên mặt bằng chung chưa có phim nào tạo được cú hích, chiếm được tình cảm của đông đảo khán giả như Về nhà đi con, Tiếng sét trong mưa hay Gạo nếp gạo tẻ (phần 1)… từng làm được.
Không chỉ kịch bản hay luôn là “bài toán khó giải”, diễn viên – một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên sự thành công của bộ phim – năm nay cũng chỉ có vài gương mặt để lại ấn tượng như Ngọc Lan, Thúy Diễm, Nhan Phúc Vinh, Việt Anh, Lã Thanh Huyền, Xuân Nghị…
Nguyên nhân vẫn là câu chuyện muôn thuở: chi phí sản xuất phim giậm chân tại chỗ trong hơn 10 năm qua (khoảng 180 triệu đồng/tập), trong khi vật giá thì leo thang mỗi ngày. Nhà sản xuất luôn bị áp lực về tài chính để có thể đầu tư quay cho chỉn chu.
Công thức chung được áp dụng hiện nay là quay càng nhanh càng tốt, chọn vài “hot boy, hot girl” để gây sự chú ý cho phim. Phim được quay nhanh, quay gấp nên đôi khi diễn viên không có thời gian đầu tư cho vai diễn.
Vì vậy, đạo diễn Hoàng Anh cho rằng để phim Việt phát triển và thu hút khán giả, rất cần có sự chung tay của nhiều người, đòi hỏi cần sự thay đổi cả một hệ thống chính sách từ các nhà đài, nhà sản xuất.
Diễn viên Ngọc Lan và Việt Anh đoạt giải Diễn viên xuất sắc
Tại lễ công bố và trao giải các tác phẩm dự thi Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 40 ở Hà Nội, ban tổ chức đã trao 38 giải vàng, 63 giải bạc và 109 bằng khen cho các tác phẩm đăng ký dự thi ở 9 thể loại. Trong đó, Giải vàng ở thể loại phim truyện truyền hình dài tập được trao cho phim Sinh tử và Kẻ sát nhân cô độc. Hai giải thưởng cá nhân ở thể loại này – Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất và Nam diễn viên chính xuất sắc nhất – lần lượt thuộc về Ngọc Lan (vai Trang, phim Luật trời) và Việt Anh (vai Mai Hồng Vũ, phim Sinh tử). Đánh giá về chất lượng các tác phẩm đoạt giải năm nay, ông Trần Bình Minh – tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam – cho biết: “Năm nay, 422 tác phẩm dự thi ở 9 thể loại chương trình phần lớn có tính báo chí cao, bám sát vào dòng thời sự lớn của đất nước như dịch COVID-19, bão lũ miền Trung… và góp phần phản ánh rất rõ thực tế tác nghiệp ở nhiều địa phương”. MAI THƯƠNG |
Theo HOÀNG LÊ – Tuoitre.vn