Đề tài ngoại tình chưa bao giờ hết hot

Phim về đề tài hôn nhân và gia đình là dòng phim chủ đạo trên sóng truyền hình, trong đó chuyện ngoại tình luôn là đề tài nóng được các nhà làm phim lựa chọn.

phim-ngoai-tinh-3-1read-only-1607430754406862232395 Cố Giai (Đồng Dao đóng) trong 30 chưa phải là hết trở thành mẫu phụ nữ được mơ ước nhờ sự thông minh và cuộc sống hôn nhân rất hạnh phúc – Ảnh: Weibo

Chuyện hôn nhân tan vỡ hay ngoại tình vốn là một vấn đề “muôn thuở” nhưng luôn được quan tâm. Khán giả dù bất bình, đồng cảm hay tò mò đều bị thu hút bởi câu chuyện trong phim. Điều này dễ hiểu khi phần lớn người xem truyền hình là phụ nữ nội trợ.

Từ “gia vị” đến “đặc sản” trên màn ảnh nhỏ

Khi những bà nội trợ hành động, Sự quyến rũ của người vợ, Son môi hồng là những bộ phim Hàn Quốc từng gây sốt màn ảnh nhỏ, điển hình cho dòng phim xoay quanh chủ đề ngoại tình.

Năm nay, bộ phim Thế giới hôn nhân cùng đề tài cũng rất được chú ý. Phim đạt tỉ lệ xem truyền hình cáp cao nhất Hàn Quốc với rating trung bình 18,8%. Penthouse: Cuộc chiến thượng lưu đang phát sóng cũng thống trị khung giờ đầu tuần và thu hút khán giả nhờ câu chuyện ngoại tình trong phim.

Ở Việt Nam, phim đề tài ngoại tình cũng chiếm sóng màn ảnh nhỏ, nhất là trên sóng của Đài truyền hình Việt Nam. Ngoại tình được đề cập trong nhiều bộ phim gia đình như Đừng bắt em phải quên, Về nhà đi con, Trói buộc yêu thương… Còn trong Hoa hồng trên ngực trái, Hôn nhân trong ngõ hẹp, Bán chồng…, ngoại tình là nội dung chính được nhà làm phim tập trung khai thác.

Bộ phim truyền hình Trung Quốc về phụ nữ tuổi 30 rất được chú ý thời gian qua – 30 chưa phải là hết – cũng đề cập đến vấn đề ngoại tình như một khủng hoảng trong cuộc sống mà đa số phụ nữ gặp phải.

Đề tài ngoại tình chưa bao giờ hết hot - Ảnh 2. Thế giới hôn nhân chuyển thể từ loạt phim Doctor Foster của Anh, là bộ phim đạt rating cao kỷ lục và gây sốt khi lột tả chân thực cuộc sống hôn nhân – Ảnh: HANCINEMA

Với phim truyền hình Thái Lan, ngoại tình và những màn đánh ghen trở thành một gia vị, thậm chí là “đặc sản” không thể thiếu ở các bộ phim xứ chùa vàng.

Các vấn đề ngoại tình trong phim cũng dẫn đến những cuộc tranh luận không hồi kết: từ chuyện đúng sai trong hôn nhân, “tiểu tam”, chuyện níu giữ vì con cái hay dứt khoát chia tay. Phim còn đánh vào tâm lý thích thị phi của người xem. Cứ nhìn các clip đánh ghen, tố ngoại tình xôn xao trên mạng xã hội thì không khó hiểu khi người xem bị cuốn vào câu chuyện ngoại tình trong phim.

Nội dung thiếu đột phá

Đa số phim có chủ đề ngoại tình vẫn đi vào lối mòn. Nhiều phim chỉ quanh đi quẩn lại chuyện lừa dối, ghen tuông, trả thù, nhiều khi vô tình truyền đi thông điệp thiếu nhân văn. Nhân vật Phương Nga (Ngọc Lan đóng) trong Bán chồng khiến người xem vừa thương vừa ghét khi rơi vào vòng xoáy tội ác để trả thù chồng và nhân tình. Đằng sau cảm giác hả hê phút chốc là nỗi bi ai trống rỗng khi đánh mất bản thân.

Cách xây dựng nhân vật trong phim về ngoại tình vẫn còn một màu: phụ nữ thì cam chịu, nhu nhược; đàn ông tham lam, ích kỷ và kẻ thứ ba trơ tráo, hai mặt. Ở một số phim, tính cách nhân vật khá mâu thuẫn gây khó chịu. Như trong phim Đừng bắt em phải quên, nhân vật Ngân – người vợ thì quá ngây thơ, còn “tiểu tam” Linh thì trơ trẽn, giả tạo.

Vì muốn lôi kéo người xem, tình tiết ngoại tình được lạm dụng vô tội vạ dẫn đến cảm giác nhàm chán nhiều khi ức chế cho khán giả.

Đề tài ngoại tình chưa bao giờ hết hot - Ảnh 3. Phương Nga (Ngọc Lan) khiến người xem vừa thương cảm vừa sợ hãi khi làm mọi thứ để trả thù sự bội bạc của chồng – Ảnh chụp màn hình

Bên cạnh đó, vẫn có những bộ phim đổi mới hơn trong cách kể khi nhấn vào hành trình vượt qua nỗi đau và hoàn thiện bản thân của người phụ nữ hậu ly hôn. Sau nỗ lực níu kéo, Khuê trong Hoa hồng trên ngực trái nhận ra đã đến lúc dứt khoát tạm biệt đời sống hôn nhân. Người phụ nữ nội trợ từng bước xây dựng sự nghiệp và tìm lại hạnh phúc cho bản thân. Sau cuộc hôn nhân thất bại, Cố Giai trong 30 chưa phải là hết cũng trở về vùng quê tận hưởng cuộc sống bình yên như mong muốn.

Những hình tượng nhân vật như vậy ít nhiều truyền cảm hứng cho những người đồng cảnh. Họ đại diện cho phụ nữ hiện đại phá vỡ định kiến về người đàn bà đã ly hôn. Phụ nữ hoàn toàn có thể đứng dậy sau đổ vỡ để trở thành những “phiên bản” hoàn hảo hơn của chính mình.

Phim đề tài ngoại tình cũng dần chú ý hơn đến nhiều vấn đề mang tính xã hội như tâm lý con cái khi bố mẹ rạn nứt, cách hành xử trong hôn nhân… thay vì chỉ xoay quanh cuộc chiến lừa dối, tranh giành tình cảm giữa phụ nữ và đàn ông.

Các bộ phim ngoại tình tràn lan trên sóng truyền hình sẽ đem lại cái nhìn thiếu thiện cảm về hôn nhân. Tuy nhiên nếu khai thác hợp lý, dòng phim này vẫn có thể truyền tải những thông điệp tích cực và ý nghĩa.

Công thức chung

Nhân vật chính trong các phim ngoại tình thường là những người phụ nữ bị phản bội. Dù đảm đang, hiền lành như Khuê trong phim Việt Nam Hoa hồng trên ngực trái; thông minh, quyết đoán như Cố Giai trong phim Trung Quốc 30 chưa phải là hết hay thành đạt, học thức cao như Sun Woo trong phim Hàn Quốc Thế giới hôn nhân đều đối mặt với cảnh kẻ thứ ba xen vào hạnh phúc.

Trong Trói buộc yêu thương, cô gái đanh đá háo thắng như Dung lẫn cô em chồng hiền lành nhẫn nhịn như Vi cũng chịu tổn thương bởi thói trăng hoa của chồng. Câu chuyện của họ khiến người xem đều ít nhiều thấy đồng cảm.

Một điều nữa, công thức chung của các bộ phim ngoại tình thường là: cuộc sống hôn nhân đảo lộn do kẻ thứ ba chen vào khiến nhân vật chính chịu nhiều cú sốc bất hạnh. Sau cùng, nữ chính quay lại mạnh mẽ và trừng trị kẻ phản bội. Kiểu cốt truyện này đánh thẳng vào tâm lý và “ảo mộng” phái nữ với cái kết “có hậu”.

Theo Thùy Dung – tuoitre.vn

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN