“Pleiku lạnh như mùa đông mà tôi phải mặc khố đóng phim nên bị sốt rét, tôi khóc định bỏ về. Bố Sơn ôm tôi, khuyên nhủ. Đến cảnh ôm hoa hậu Hương Giang chết ở suối, lạnh quá nên mông tôi cứ giật, chính bố Sơn bảo tôi… đập mạnh mông vào đá, đau mà yên luôn”, MC Quyền Linh kể.
- Sau 13 năm, Hồ Lệ Thu hội ngộ cùng MC Quyền Linh tại sự kiện
- Quyền Linh kêu gọi cộng đồng giúp đỡ bệnh nhân nghèo
- Giản dị nhưng độc lạ như Quyền Linh, kỉ niệm 13 năm ngày cưới với dép tổ ong và xe đạp
Chương trình “Ký ức vui vẻ” tập 11 dành nhiều thời gian để tưởng nhớ cố nhạc sĩ, NSƯT Bắc Sơn. Ông được biết đến là một nhạc sĩ, diễn viên nổi tiếng, tác giả của nhiều ca khúc âm hưởng dân ca, tham gia diễn xuất trong 60 bộ phim.
Các sáng tác của ông đều mang âm hưởng dân ca Nam bộ như “Còn thương rau đắng mọc sau hè”, “Em đi trên cỏ non”, “Còn thương góc bếp trái hè”, “Sa mưa giông”… Trong đó, ca khúc “Còn thương rau đắng mọc sau hè” đã trở thành kinh điển, gắn liền với tên tuổi danh ca Hương Lan.
Cố nhạc sĩ Bắc Sơn là một nhạc sĩ, diễn viên nổi tiếng, tác giả của nhiều ca khúc âm hưởng dân ca, tham gia diễn xuất trong 60 bộ phim.
Trong thử thách của đội thập niên 60 tuần này, khán giả một lần nữa được nhìn ngắm lại những hình ảnh và nghe lại những ca khúc của cố NSƯT, nhạc sĩ Bắc Sơn.
Nhắc tới cố NSƯT Bắc Sơn, MC Quyền Linh không khỏi xúc động, trong chương trình, đôi lúc không kiềm chế được nước mắt. Theo Quyền Linh, anh cũng là một trong số ít những nghệ sĩ được sống gần với cố NSƯT Bắc Sơn và được ông truyền đạt nhiều kinh nghiệm diễn xuất lúc mới chập chững vào nghề.
Những năm đầu bước vào nghề diễn, được tham gia vào bộ phim điện ảnh “Những đứa con của thần linh” tại Pleiku. Vào vai diễn chỉ được diện một chiếc khố của người dân tộc vào mùa lạnh nơi núi rừng, MC Quyền Linh nhớ mãi trận sốt rét dường như làm thay đổi con người anh. Có những lần quá lạnh, nam diễn viên từng bật khóc và muốn từ bỏ nghiệp diễn nhưng vì những lời răn dạy của cố NSƯT Bắc Sơn anh lại tiếp tục cố gắng.
Quyền Linh xúc động khi kể về cố nhạc sĩ Bắc Sơn.
“Tôi gọi cố NSƯT Bắc Sơn là bố Sơn vì coi ông như người bố mình. Tôi là người ăn chung, sống chung, gần gũi với bố Sơn nhiều nhất. Trong những năm đầu đời đến với điện ảnh, tôi đóng phim “Những đứa con của thần linh”.
Ngày đó, tôi chưa biết điện ảnh là gì, lên Pleiku lạnh như mùa đông miền Bắc mà phải mặc khố, nên bị sốt rét, lăn ra ốm luôn và tôi khóc, định bỏ về. Đêm đó, bố Sơn đã ôm tôi vào lòng, ôm chặt lắm và nói: “Điện ảnh gian nan lắm Linh ơi, sốt rét là chuyện thường. Bố từng sống chết, thậm chí đổ máu vì nó. Nhiều người phải hi sinh bản thân để có được một vai diễn để đời. Nếu con xác định đi theo điện ảnh thì cái chết không là gì. Cố lên con!”.
Bố Sơn đã dạy tôi cách sống chết, đổ máu vì điện ảnh như vậy. Thật sự lúc đó, tôi quá lạnh nhưng được bố Sơn ôm và xoa từng miếng dầu lên người làm tôi cảm nhận được tình cảm ấm áp đó. Sau đó, bố lấy bánh cho tôi ăn để ấm người rồi quay tiếp”, Quyền Linh nghẹn ngào kể lại.
Anh xúc động chia sẻ tiếp kỷ niệm khi làm việc cùng nam nghệ sĩ gạo cội: “Đến lúc quay cảnh ôm hoa hậu Hương Giang chết ở suối. Tôi lạnh quá nên mông cứ giật giật, đạo diễn cứ mắng, nói tôi cố gắng kìm đi, đừng để mông run thế, không quay được. Bố Sơn thấy thế mới tới dặn tôi đập mạnh mông vào đá để đau quá mà tê, yên luôn.
Tôi đi theo bố Sơn nhiều lắm. Mỗi lần đoàn làm phim đi tới đâu, bố đều đi sâu vào làng, tới từng gia đình để chăm sóc trẻ nhỏ. Bố dạy tôi: “Làm điện ảnh là phải đi để mọi người thương. Phải có người thương thì diễn viên mới sống được”.
Quyền Linh được “bố Bắc Sơn” chỉ bảo nhiều khi đóng phim “Những đứa con của thần linh” (Ảnh cắt từ clip).
Không chỉ khiến các nghệ sĩ lặng đi theo dòng kỷ niệm, “ông MC nông dân” còn khiến các nghệ sĩ bật cười khi tiết lộ: “Theo năm tháng, bố Sơn cũng dạy tôi hát. Nhưng đến khi tôi hát bài “Còn thương rau đắng mọc sau hè” thì bố nói: “Thôi, con đừng hát nữa, cứ đi đóng phim đi!”
Ngoài Quyền Linh, khách mời của đội thập niên 60, danh ca Hương Lan cũng cho biết, lúc sinh thời, vị nhạc sĩ cũng coi mình như con gái ruột. Nhắc tới ca khúc gắn với tên tuổi của mình, “Còn thương rau đắng mọc sau hè”, nữ danh ca xúc động nhớ lại: “Đây là ca khúc mà đến bất cứ chương trình nào, Hương Lan cũng hát để nhớ đến cố NSƯT Bắc Sơn”.
Không chỉ xem ông như một người nghệ sĩ lớn, một bậc tiền bối đi trước mà đối với danh ca Hương Lan, cố NSƯT Bắc Sơn không khác gì một người cha. “Mỗi lần Hương Lan về nước đều ở lại nhà chú Bắc Sơn từ sáng cho đến chiều để tâm sự và tập những ca khúc mới cho Hương Lan.
Trong giới ca sĩ không ai dám đụng chạm hay sửa ca khúc của ông hết, nhưng riêng đối với Hương Lan đó là một đặc quyền. Chỉ riêng tôi khi tập thử một ca khúc của chú vì không hát được một đoạn nên đã xin sửa lại và được đồng ý. Đó là ca khúc “Đêm nghe bài vọng cổ”.
Chú thấy tôi hát lại hay quá mới cho tôi quyền được sửa lại bài của chú sao cho hợp với tôi nhất. Chú sẽ chép lại bài hát theo đúng những gì tôi hát”, nữ ca sĩ chia sẻ.
Danh ca Hương Lan gắn liền với ca khúc “Còn thương rau đắng mọc sau hè” của cố NSƯT Bắc Sơn.
Hương Lan cũng lần đầu tiết lộ, khi ca khúc “Còn thương rau đắng mọc sau hè” do chị thể hiện được khán giả mến mộ, show nào chị cũng hát và yêu cầu được hát nhưng chị chưa hề biết mùi vị… rau đắng ra sao: “Năm 1988, tôi thu ca khúc “Còn thương rau đắng mọc sau hè”, được rất nhiều người yêu thích. Đến tận bây giờ, không một show nào tôi không hát bài hát đó. Tôi hát được khán giả yêu thích lắm mà cũng chưa biết rau đắng ăn ra làm sao. Mãi sau này về Việt Nam mới được ăn rau đắng, cháo cá. Ở bên Mỹ không có”.
Chương trình cũng gây xúc động với sự xuất hiện của 2 cô con gái ruột của cố nhạc sĩ Bắc Sơn là Bích Thủy và Hạ Châu. Thể hiện lại ca khúc nổi tiếng của người cha đáng kính, 2 nữ nghệ sĩ đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả.
Kết thúc phần trình diễn, Bích Thủy nhắc đến ngày đưa tang của cố NSƯT Bắc Sơn, danh ca Hương Lan đã đến vào lúc 1 giờ sáng để một lần nữa hát ca khúc “Còn thương rau đắng mọc sau hè” trước linh cữu ông lần cuối…
Theo Nguyễn Hằng (Dân Trí)