Điện ảnh Việt trong khoảng trên dưới một thập niên gần đây, cho dẫu chưa thực sự có nhiều nhân vật nữ tạo nên được những bứt phá hoặc đủ sức gây thảng thốt trong lòng công chúng, nhưng vẫn có thể soi chiếu được ít nhiều với hiện trạng sống động về giới nữ bổn xứ ở đời sống thật.
Họ có thể đến từ các vùng không gian và thời gian khác hẳn nhau, hoặc bất kể được chiêm nghiệm từ góc nhìn của đạo diễn thuộc giới tính nào thì điểm hội tụ ở các nhân vật nữ này cứ đong đầy thân phận rất riêng biệt và đậm đặc chất thổ nhưỡng cùng tập tính bản địa, gần như không trộn lẫn vào đâu được…
HẠT MƯA RƠI BAO LÂU…
Cách đây vừa đúng 10 năm, lần đầu tiên có một bộ phim Việt đã được xác lập tính Nữ quyền dành cho nhân vật nữ chính của mình một cách cực kỳ quyết liệt, về ý thức trong xuyên suốt câu chuyện chứ không đơn thuần điểm xuyến “hoa lá” bên cạnh cuộc đời các nhân vật nam chính khác, như trước đó.
Điều thú vị là bối cảnh câu chuyện đã được người kể chuyện liều lĩnh đẩy lùi về quá khứ cách thời nay khoảng hơn kém hai trăm năm, vào cái thuở mà các phong trào Nữ quyền trên thế giới vẫn còn chìm sâu trong bóng tối, giữa cuộc đời thật. Thế nhưng Lý An – nữ nhân vật ngày ấy – cho dẫu đang lọt thỏm giữa vùng không gian đặc quánh sự “trọng nam khinh nữ” rất đặc trưng ở một làng quê Bắc bộ của thời xa xưa nọ, đã tìm cách vượt thoát cho cuộc đời mình, chỉ bắt đầu từ một giấc mơ. Cô đã “mơ thấy mình bước chân ra khỏi làng, dù chỉ một quãng thôi. Đi đến một cánh đồng, gặp một cây to, nhặt một bông hoa, nhìn lên cây không thấy hoa. Cây lớn, tán phủ bốn, năm căn nhà. Lúc mơ không thấy và cũng không nhớ nổi được đường về nhà…”; để rồi tự thân ru ta ngậm ngùi “ở làng mình không có cây, chỉ có củi đốt lò…”, và bàng hoàng sực tỉnh khi nhận ra mình đang “đạp mãi một chỗ đất” trong thực tại. Mấu chốt tiên quyết của cuộc vượt thoát này chính là khi Lý An nhận ra mình đang ở đâu, thế giới ngoài kia sẽ có sẽ còn những gì khác lạ hơn nơi hiện sống; dù rằng vào lúc ấy cô chưa thể biết mình là ai, hoặc chính xác là mình muốn gì.
Thế rồi người con gái của ngôi làng chuyên sống bằng nghề nung đất đen làm tiểu sành đựng tro xương người chết ấy đã quyết tâm bỏ làng ra đi, tìm cuộc sống mới cho mình. Có thể trong những con mắt luôn bám đầy muội than của lò nung làng ấy là hình ảnh thất bại đầy tội nghiệp của Lý An khi cô trở về “bụng mang dạ chửa”, với một kẻ vô danh bên ngoài làng. Nhưng, đó cũng chính là cuộc đời mà cô đã muốn chọn, dám chọn và quan trọng nhất là dám sống đến cùng với điều mình tin. Dĩ nhiên là luật tục của làng thuở ấy không đủ tiến bộ với quyền sống mà ngày nay đã hiển nhiên là quyền riêng của một người phụ nữ, vậy nên Hội đồng làng đã trừng phạt Lý An bằng cách cạo đầu bôi vôi rồi thả trôi sông cùng đứa trẻ vừa được sinh ra!
Bước ngoặt của câu chuyện là khi Lý An cùng con trai nhỏ được ba người thợ mộc ở một làng xa cứu được, từ đó cô chấp nhận sống cùng với cả ba người đàn ông như một hình thái sống quần hôn thời sơ sử. Rồi một ngày, đỉnh điểm các cơn ghen của ba người đàn ông đã khiến Lý An một lần nữa phải “bứt xiềng xích” ra đi, bất kể là phải lang thang nơi chân trời vô định. Dường như đấy cũng chính là ám dụ chủ đạo của toàn bộ câu chuyện, về cung cách một người phụ nữ nỗ lực tìm kiếm cuộc sống lý tưởng và tự do cho chính mình. Có lẽ trải nghiệm và chiêm nghiệm này khá là nghiệt ngã không phải chỉ với người trong cuộc, bao gồm các nhân vật và chính tác giả, mà còn là với hầu hết công chúng khán giả Việt – những chứng nhân hữu ý lẫn vô tình. Chấp nhận hay không chấp nhận, đó cũng đã từng là điều xảy ra đâu đó trong cuộc sống thường thức của đại bộ phận người Việt, xưa và nay.
Đấy cũng chính là tinh thần cốt lõi mà bộ phim Hạt mưa rơi bao lâu (tên tiếng Anh: Bride of Silence) có thời lượng 114 phút đã truyền tải với khán giả Việt vào năm 2005, từ nữ đạo diễn Đoàn Minh Phượng. Vai Lý An do Trương Ngọc Ánh thể hiện.
VỌNG TRĂNG NƠI ĐÁY GIẾNG…
Ngược lại, với cách kể chuyện và tiếp cận nhân vật nữ theo kiểu của đàn ông khi làm nghề, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn đã chọn việc mô tả nhân vật nam chính thành một đối trọng cần có, bằng thủ pháp kể chuyện “vẽ mây nẩy trăng” để từ đó giúp người xem soi rọi lại thể tính của người nữ trong nhân vật nữ chính của mình, thông qua bộ phim Trăng nơi đáy giếng (tiếng Pháp: La lune dans le fond du puits; tiếng Anh: Moon at the Bottom of the Well), năm 2008, dựa theo tác phẩm cùng tên của nhà văn Trần Thùy Mai.
Cô giáo Hạnh (Hồng Ánh thủ vai) trong câu chuyện phim này là một mẫu người phụ nữ khá cổ điển, theo kiểu nhất mực chìu chồng, phục tùng chồng. Cô sẵn sàng chăm sóc miếng ăn giấc ngủ cho chồng mình từ trái ớt xanh không phải để ăn mà chỉ để ngắm, tỉ mỉ ướp từng đọt trà trong cánh sen, bộ quần áo không nếp gấp. Và thậm chí chỉ vì không thể tự mình có con, Hạnh cũng cam tâm chấp nhận việc tìm kiếm một người đàn bà khác cho chồng mình còn có thể có con nối dõi tông đường. Thế nhưng đời sống hôn nhân một chiều với người đàn ông gia trưởng ấy, nào đâu phải là hạnh phúc đích thực của Hạnh, nhất là khi đã có người thứ ba xen vào. Một câu chuyện tưởng chừng rất cũ vì quá phổ biến với nhiều cuộc hôn phối khuôn mẫu của nhiều gia đình Việt thế hệ xưa, khoảng từ nửa thế kỷ về trước.Và dù rằng bối cảnh câu chuyện xảy ra ở cố đô Huế thời đương đại khiến cho mọi sự cam phận và hy sinh ở người phụ nữ cứ như thể trở thành hiển nhiên, người xem đã hoàn toàn bị bất ngờ theo kiểu song hành cùng sự bất ngờ của nữ nhân vật chính, khi một ngày Hạnh đã chính thức vẫy vùng để tự bước ra khỏi “tấm lưới” của trách nhiệm và bổn phận có phần vô lối ấy, ngay cả khi chỉ vì sự thoát lưới này mà cô trở thành một con cá bị mắc cạn. Cô đã chuyển niềm tin yêu của mình với người chồng – người trần mắt thịt – sang những hình nhân vọng tưởng của cõi “đồng, bóng”, có vẻ vô hại nhưng đồng thời cũng vô cảm nơi cõi người. Cô đã mặc nhiên trở thành một con cá Chép vọng trăng, nơi đáy giếng cạn kiệt nước mỗi ngày đang sống. Một bi kịch đơn giản mà phức cảm ngoài tầm dự liệu và kiểm soát, chỉ bởi quyền sống quyền hưởng hạnh phúc thường nhật của người phụ nữ chừng như vẫn còn là điều xa khỏi tầm tay với, trong lưng chừng kết nối của hương trầm mộng tưởng giữa đôi bờ hư thực.
Hai bộ phim, hai câu chuyện dù được kể với những người khác nhau, góc nhìn khác nhau nhưng cùng một tiếng nói: thân phận phụ nữ khi không có những quyền cơ bản – quyền được mưu cầu hạnh phúc, quyền được tự do sống cho mình… Những quyền cơ bản này vẫn mãi là hành trình chưa đến đích, như nữ triết gia xứ Pháp Simone de Beauvoir (1908- 1986) từng buông lời cảm thán đầy ai oán: “Ta không sinh ra là phụ nữ. Mà ta trở thành phụ nữ” trong tác phẩm The Second Sex từng gây chấn động cả Tòa thánh Vatican, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1947, khi chính thức tìm đường mở hướng tiên phong và đột phá về quyền bình đẳng của phụ nữ!
Phước Châu (Phụ Nữ Ngày Nay)