Đàn bà dễ có mấy tay, câu nói này dường như luôn đúng khi bàn về những nữ đạo diễn.
Phim ảnh là một ngành giải trí quan trọng trong cuộc sống hiện đại mà trong đó ngoài diễn viên thì đạo diễn chính là một người thuyền trưởng quan trọng. Hầu hết những đạo diễn trên thế giới đều là nam giới. Nhưng số lượng nữ đạo diễn ít ỏi còn lại đa phần đều được đánh giá cao và người ta hay dùng những tính từ “nữ” hơn khi nhận định về phim của những nữ đạo diễn.
Gần đây, bom tấn siêu anh hùng Wonder Woman của nữ đạo diễn Patty Jenkins được giới phê bình ngoại quốc và trong nước khen ngợi hết lời. Đến nỗi có nhiều ý kiến cho rằng Wonder Woman chính là phim siêu anh hùng hay nhất của vũ trụ DC từ trước đến nay. Quan trọng hơn khi đó lại là phim về một phụ nữ và do một phụ nữ chỉ đạo, ắt hẳn phe mày râu đều phải nghiêng mình ít nhiều.
Nhưng đó là chuyện ở xứ người, xứ mình dường như khan hiếm những nữ đạo diễn hơn hẳn. Những cái tên như Bạch Diệp, Đức Hoàn, Việt Linh hay Nguyễn Hoàng Điệp chính là những cây cột trụ của làng phim Việt ở vai trò nữ đạo diễn và đến nay vẫn rất ít người có thể thay thế. Đến nỗi khán giả Việt Nam hiện nay gần như không hề có khái niệm về những “nữ đạo diễn”. Cũng chính vì thế mà những nữ đạo diễn có xuất phát điểm là diễn viên trở nên có lợi thế hơn về tên tuổi, danh tiếng cũng như sự quan tâm của giới mộ điệu.
Năm trước, “đả nữ” Ngô Thanh Vân làm khuynh đảo làng phim Việt khi đầu tư 20 tỉ cho dự án phim điện ảnh lấy cảm hứng từ truyện cổ dân gian, kết hợp với yếu tố cổ trang và kĩ xảo rất tốn kém và quan trọng nhất là việc cô đứng ở vai trò đạo diễn. Hơn mười năm hoạt động tại Việt Nam, bắt đầu với nghề người mẫu, rồi diễn viên, bà bầu, nhà sản xuất cho đến đạo diễn một bộ phim thuộc loại liều lĩnh ở Việt Nam, Ngô Thanh Vân luôn khiến người khác cảm thấy nể và e dè.
Những người theo dõi bước đường nghệ thuật của Ngô Thanh Vân ắt đã từng thấy chị quyết liệt trên phim trường với những đường nét đấm đá dứt khoát, hay sự khó tính khiến các cậu học trò 365 vừa sợ vừa nể phục, và nhất là những trăn trở cho dự án Tấm Cám – Chuyện chưa kể. Đó cũng là lúc mà người ta nhìn thấy Ngô Thanh Vân than thở nhiều nhất, yếu đuối nhiều nhất, phân trần nhiều nhất nhưng cũng lại kiên cường vô cùng.
Sau tất cả, Tấm Cám vẫn là một bộ phim khiến nhiều người phải nghiêng mình, kể cả những vị đạo diễn dữ dằn nhất. Càng nể hơn nữa khi người lèo lái con tàu ra biển lớn đầy sóng dữ đó lại là một phụ nữ. Những điểm mạnh của Tấm Cám chính là ở kinh nghiệm mà Ngô Thanh Vân đã lăn lộn với nghề suốt bao năm, là sự quyết liệt để trở thành người tiên phong và điểm yếu của Tấm Cám cũng chính là nằm ở cái quá trình chị đã từng là một người diễn viên.
Từng là một người phải nghe theo chỉ đạo của những người đàn ông, từng là người hoạt động bằng cảm xúc của một nghệ sĩ nên chắc chắn khi phải đứng ở cương vị lãnh đạo, điều khiển những người đàn ông, phải lý trí nhiều hơn là cảm xúc thì chị đã gặp những điểm giao bối rối. Điều này vô hình chung đã khiến cho Tấm Cám chưa thể đạt đến sự thoả mãn tột cùng.
Năm ngoái có Ngô Thanh Vân thì năm nay có Hồng Ánh. Hồng Ánh thì không được đa dạng như Ngô Thanh Vân, sự nghiệp điện ảnh của chị hầu hết chỉ xoay quanh diễn xuất và sản xuất phim ảnh. Năm 2013, Hồng Ánh từng khiến nhiều người bất ngờ khi là nhà sản xuất phim Đường Đua (đạo diễn Nguyễn Khắc Huy) được đánh giá khá tốt. Một thời gian sau, chị lại đích thân trở thành đạo diễn cho Đảo của dân ngụ cư, một bộ phim nghệ thuật khá im tiếng nhưng lại rạng danh trên phim trường quốc tế. Bộ phim nhận được 8/9 đề cử tại Liên hoan phim Quốc tế Asean 2017, chiến thắng 3 giải thưởng trong đó có giải Phim hay nhất. Phim còn được chọn trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes vừa rồi và nhận được doanh thu tốt ngoài mong đợi khi công chiếu tại Việt Nam. Nhiều lời khen dành cho bộ phim, cho các diễn viên và tất nhiên là cho cả Hồng Ánh. Ấp ủ dự án chuyển thể truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư gần 10 năm, đến nỗi thời gian không còn cho phép Hồng Ánh hoá thân thành cô Chu mà buộc phải trở thành đạo diễn, bộ phim không chỉ thể hiện được sức mạnh và tài hoa của vị nữ đạo diễn trong bộ phim điện ảnh đầu tay mà còn là một tấm gương soi ngược lại cuộc đời diễn xuất của chính Hồng Ánh.
Rất nhiều vai diễn của Hồng Ánh là những người phụ nữ bị giam cầm bởi định kiến xã hội, bởi tình yêu và tự do thế nên không lạ khi Hồng Ánh lại quyết tâm với Đảo của dân ngụ cư đến như vậy. Ở đó cũng có một cô Chu bị giam cầm, cũng có những bí bách không thể lí giải của những người phụ nữ, cũng có sự giao thoa của những tâm hồn được giấu trong thầm lặng, cũng có những cảnh nóng như rất nhiều cảnh nóng mà Hồng Ánh đã thể hiện. Cũng vì thế mà nếu chưa quen với những gì Hồng Ánh đã làm, chưa xem nhiều phim Hồng Ánh đã đóng, bạn sẽ dễ dàng cho rằng Đảo của dân ngụ cư thật lỗi thời. Nhưng chính Hồng Ánh cũng từng chia sẻ, nếu được chọn cô vẫn muốn mình sẽ là cô Chu trong nhà hàng Đêm trắng. Nhưng vì thời gian, vì những điều kiện khách quan mà Hồng Ánh phải là đạo diễn Hồng Ánh của Đảo của dân ngụ cư. Nói thế để thấy dòng huyết quản tuôn trào trong nữ đạo diễn vẫn là sự nồng nhiệt của một cô diễn viên.
Cũng chính vì Việt Nam quá ít những đạo diễn nữ mà khi đánh giá một bộ phim do họ đạo diễn, người ta vẫn hay kiêng dè. Nào là “phim đầu tay được thế là tốt”, nào là “nữ mà làm được thế là giỏi rồi” nên những Tấm Cám, Đảo của dân ngụ cư sẽ trở nên bị kiềm hãm trong chính những nhận định. Vô tình điều này lại giống như bản thân Ngô Thanh Vân hay Hồng Ánh, những người được khen ngợi và nể phục bởi giới tính của họ nhiều hơn là tài năng. Cũng đúng mà cũng lại rất sai. Đúng ở chỗ chúng ta nên phục họ vì phụ nữ thường nhạy cảm hơn, nhưng hai người phụ nữ này lại dám làm nhiều thứ quyết liệt hơn những phụ nữ khác. Nhưng cũng sai ở chỗ họ sẽ không bao giờ muốn người khác khen ngợi mình chỉ vì mình là phụ nữ. Thế nên, nữ đạo diễn trở thành diễn viên muôn đời cũng sẽ có chung một điểm yếu chính là họ không thể hoàn toàn vứt bỏ lăng kính của một diễn viên để tập trung nhìn bằng con mắt của một người đạo diễn.
Phúc Du