Vào vai ác xuất thần, đem lại thành công vang dội cho nhiều bộ phim, vở kịch… nhưng ít ai biết rằng, diễn viên Phương Dung đã phải trải qua nhiều “tủi nhục” từ chính vai diễn của mình.
Tào Thị – vai diễn gian ác làm nên tên tuổi của Phương Dung
Phương Dung là một nữ nghệ sĩ có nhiều thập niên gắn bó với sân khấu và màn ảnh. Chị đã để lại dấu ấn sâu đậm với những nhân vật có tính cách độc đáo. Người có thể tung hoành trong mọi loại vai, từ chính kịch tới hài hước. Nhưng đằng sau đó là rất nhiều gian truân nghề nghiệp không phải lúc nào khán giả cũng có thể biết được.
Phương Dung tâm sự về những tủi nhục khi đóng vai ác trong “Chuyện của Sao”.
Thuở mới tốt nghiệp trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM), Phương Dung may mắn được NSND Kim Cương tuyển về đoàn kịch nói của bà. Như thể duyên số đã buộc chặt lấy cuộc đời chị, từ khi đầu quân vào Đoàn kịch nói Kim Cương, NSƯT Thành Trí “bắt cóc” Phương Dung đóng nhiều vai ác và con đường đi theo các nhân vật phản diện cũng bắt đầu từ đó.
Tuy nhiên đến khi bộ phim video “Phạm Công – Cúc Hoa” ra mắt năm 1989, trở thành cơn sốt từ thành phố đến vùng nông thôn thì cô sinh viên trường Nghệ thuật Sân khấu II mới được mọi người quan tâm. Dù Tào Thị là vai “lấp chỗ trống” cho một diễn viên khác nhưng Phương Dung khi hóa thân vào nhân vật lại mượt mà, không mấy khó khăn.
Phương Dung thời đóng Tào Thị và Phương Dung ngày nay.
Gương mặt sắc sảo cộng thêm giọng lồng tiếng nghệ sĩ Tú Trinh đã góp phần tạo nên một Tào Thị đanh đá, “ác càng thêm ác”.
Phương Dung nhớ lại: “Thời đó, phim nổi đình nổi đám, diễn viên Diễm Hương được khán giả trầm trồ khen ngợi, còn vai phản diện Tào Thị của tôi bị nhiều khán giả ghét cay ghét đắng”. Chị kể, lúc phim phát sóng, khi bước chân ra đường, khán giả thấy chị đều chửi bới thậm tệ.
“Một thời gian tôi không dám ra đường vì trẻ con chạy theo ném đá bà dì ghẻ Tào Thị gian ác”, nghệ sĩ Phương Dung nói.
Không chỉ nổi danh với vai ác Tào Thị, diễn viên Phương Dung còn gây ấn tượng mạnh với khán giả với vai ác cô Ba “hội đồng” trong vở kịch nổi tiếng “Lá sầu riêng”.
“Lần đó, tôi diễn ở Hội An vở “Lá sầu riêng” của đoàn kịch Kim Cương. Nhân vật cô Ba “hội đồng” của tôi xuất hiện hét lên một tiếng, khán giả liền la ó, ném gạch đá, bánh trái lên sân khấu. Bầu sô phải tạm dừng vở diễn, tắt đèn, kéo màn, chạy ra trấn an bà con đây chỉ là vai diễn của nữ nghệ sĩ Phương Dung chứ ngoài đời không phải như vậy”, nữ nghệ sĩ kể lại.
Sau khi được bầu sô giải vây, Phương Dung ra sân khấu nhưng diễn trong nơm nớp, lo sợ, vừa diễn vừa đảo mắt xung quanh vì sợ bị ném đá.
Chị chia sẻ, đám trẻ ngày đó chạy theo ném đá chị chắc giờ đã có gia đình nhưng vai diễn Tào Thị trở thành kỷ niệm khó phai của Phương Dung suốt 30 năm qua.
Phương Dung từng bị khán giả chạy theo ném đá vì đóng vai ác.
Chuyên đóng vai ác nhưng ngoài đời… “hiền khô”
Cuộc đời với nhiều thăng trầm, vinh quang đi cùng nước mắt làm nên con người Phương Dung đầy mạnh mẽ nhưng không bao giờ thiếu cảm xúc cho những vai diễn của mình. Dù đóng vai lớn hay nhỏ, vai nào chị cũng diễn “ngọt lịm” như đời thật.
Chị cũng thử thách bản thân qua những vai người mẹ hiền lành, chịu đựng hay nữ cán bộ… nhưng ít hơn vai sở trường. Theo chị, mỗi tác phẩm đều có hai phe thiện ác, chính tà để tạo hấp dẫn, vai phụ sẽ nâng vai chính. Nếu chị đóng vai ác mà người ta ghét thì coi như đã thành công.
Ngoài phim ảnh, Phương Dung còn có đam mê lớn với các tiểu phẩm hài mà gần đây nhất là vai bà Chín Châu trong “Hội bỉm sữa vi diệu”. Trong phim, nhân vật của Phương Dung là người phụ nữ có tính bao đồng, nhiều chuyện, thường hiểu lầm các con… nhưng đây là vai khiến cho bộ phim vui vẻ, hấp dẫn hơn.
Cá tính trong nghệ thuật là vậy tuy nhiên ngoài đời Phương Dung khá… hiền. Chị kể: “Đồng nghiệp lần đầu tiên gặp tôi, 10 người thì hết 10 người nghĩ tôi dữ, khó tính… nhưng khi tiếp xúc dần thích cái tính sôi động, ào ào của tôi. Ngày nào tôi không đi quay là đoàn phim than buồn”.
Phương Dung thú nhận, bản thân chỉ khó tính, nghiêm khắc trong cách giáo dục, dạy dỗ con cháu. Chị kể, có lần cháu chị bị một cậu bé trong lớp “ăn hiếp”. Chị lên tận trường, xin giáo viên gặp cậu bé ấy. Chị hỏi cậu bé vì sao hay bắt nạt các bạn và có biết mụ dì ghẻ gian ác Tào Thị không?
Sau khi được Phương Dung giải thích về hành vi sai trái, cậu bé đó hứa sẽ không còn đánh bạn. Phương Dung còn mua kẹo tặng cho cậu bé ấy. “Tôi có những biện pháp cứng và mềm để dạy dỗ các bé. Trong nghề nghiệp tôi dễ chịu, thoải mái nhưng trong gia đình tôi khó tính và chỉn chu mọi việc”, chị nói.
Hà Tùng Long
Theo Dân Trí