“Kỳ nữ” Kim Cương và nghệ sĩ Thành Lộc giao lưu với hàng trăm sinh viên về kịch nói miền Nam và các kỹ thuật biểu diễn.
Trong buổi ngày 27/12, tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Nghệ sĩ Nhân dân Kim Cương cho biết vở Tôi là mẹ, do bà viết kịch bản năm 1962, là tác phẩm kịch dài đầu tiên ở Sài Gòn, với sự tham gia của Kim Vui, Xuân Phát, Lam Phương, Túy Hồng… Với bà, khó khăn trong bước đầu phát triển kịch nói miền Nam là thiếu diễn viên, hụt người sáng tác kịch bản. Bởi những năm 1950, cải lương thịnh hành hơn.
Dù gia đình bốn đời theo cải lương, Kim Cương tâm huyết với loại hình kịch thoại. Bà không ngừng học hỏi đồng nghiệp và có ba năm du học Pháp để tích lũy kiến thức, trải nghiệm, gây dựng tên tuổi Kịch Kim Cương. Bà từng phải mượn vàng của mẹ – cố nghệ sĩ Bảy Nam – để đặt cọc thuê rạp, tạo điểm diễn.
Nghệ sĩ nhớ thời đó, nhiều ban kịch, đoàn cải lương lưu diễn, xuất hiện trên tivi với chủ đề đa dạng. Ban kịch Kim Cương tái hiện đời sống xã hội, thân phận phụ nữ, để lại ấn tượng trong lòng khán giả với các vở như Lá sầu riêng, Bông hồng cài áo, Trà hoa nữ, Dưới hai màu áo… Ban của nghệ sĩ Huỳnh Thanh Trà chuyên về kịch trinh thám xã hội đen. Nghệ sĩ Bắc Sơn có chương trình Quê Ngoại nói về miền quê, miền Tây sông nước… Ngoài ra, còn có những ban kịch phóng tác hoặc “remake” kịch của Mỹ, châu Âu. Nhờ đó, công chúng thêm yêu kịch và sân khấu phát triển mạnh ở Sài Gòn.
Sau 1975, thoại kịch miền Nam theo hướng kịch tâm lý xã hội. Nghệ sĩ Thành Lộc cho biết có thể xem dấu ấn hai thế hệ giữa anh và nghệ sĩ Kim Cương là điểm giao thoa. Anh nói: “Thế hệ chị có Lá sầu riêng – nói về thân phận phụ nữ. Thế hệ của tôi với dòng kịch đương đại có vở Dạ cổ hoài lang khơi gợi số phận của những người đàn ông tha hương. Tôi mang ơn người đi trước để lĩnh hội, làm nghề”.
Kim Cương (trái) và Thành Lộc gặp gỡ sinh viên, giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM. Ảnh: Ngọc Yến.
Hai nghệ sĩ còn đề cập về tác động của điện ảnh đến kịch nói từ 1975 đến nay. Với Thành Lộc, có ba người vừa đóng kịch vừa đóng phim hay là nghệ sĩ Kim Cương, Thanh Nga và Bạch Tuyết. Diễn viên kịch phải linh hoạt đài từ, hình thể để người ngồi ở hàng ghế cuối cùng cũng cảm được tinh thần nghệ sĩ. Điện ảnh có lợi thế là đạo diễn muốn khán giả xem nhân vật nào có thể zoom (quay cận mặt) người đó. Ngược lại, điện ảnh cũng tác động với sân khấu. Trong vở Bến bờ xa lắc, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh thể hiện một đoạn thoại không thấy mặt, chỉ xoay lưng ra khán giả. Dù vậy, người xem thấm nội dung nhờ vào nghệ thuật diễn đạt ngôn từ của nghệ sĩ.
Kim Cương nhớ nghệ sĩ Bảy Nam trong Lá sầu riêng. Khi nói chuyện với nhân vật Diệu – nghệ sĩ Bảy Nam không rơi giọt nước mắt nào, nhưng những câu thoại của bà đủ làm khán giả sụt sùi. Nghệ sĩ Bảy Nam lột tả vai mẹ cô Diệu – người đàn bà lam lũ, cam chịu nhưng tự trọng. Đoạn người mẹ bị vu oan trộm gạo nhà bà hội đồng, nghệ sĩ Bảy Nam thốt lên một từ “Hả?”. Với Kim Cương, từ này biểu hiện nhiều sắc thái: thảng thốt, nghẹn ngào, đau đớn, tự tôn… mà không phải ai cũng làm được. Bà nói: “Vai nào trong vở Lá sầu riêng cũng có thể thế được, kể cả nhân vật Diệu. Tuy nhiên, vai người mẹ của bà Bảy Nam khó ai có thể thế nổi”.
Thành Lộc đóng vai dì ba Kim Duyên trong “Ngôi nhà không có đàn ông”. Video: Idecaf
Gần hai giờ đồng hồ, hai nghệ sĩ không chỉ trò chuyện về kịch mà còn nói về những trăn trở trong nghề nghiệp họ theo đuổi. Thành Lộc thấy may mắn khi sân khấu giúp anh hóa thân nhiều nhân vật, khóc cười cùng số phận của họ. Người nghệ sĩ tài hoa sẽ biết đâu là thời cơ thích hợp để tung mảng miếng thu hút khán giả. Với cảnh khóc, diễn viên cần biết lúc nào nên hay không nên, khóc như thế nào để người xem thấy chân thật. Anh nói: “Giọt nước mắt rơi đúng lúc là hạt kim cương, còn rơi quá nhiều hoặc không đúng lúc sẽ không còn giá trị”.
Nghệ sĩ Nhân dân Kim Cương được mệnh danh là “kỳ nữ” trong giới sân khấu Việt Nam, được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là Nghệ sĩ viết nhiều kịch bản kịch nói nhất. Bà vừa là diễn viên, đạo diễn, bà bầu và kịch tác gia với bút danh Hoàng Dũng. Bà từng ra mắt hồi ký Sống cho người – sống cho mình, năm 2016.
Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc, được mệnh danh là “phù thủy sân khấu”, vì có khả năng biến hóa nhiều vai như ông già, cô gái, em bé… Anh tham gia hàng loạt vở kịch nói, nhận được nhiều tình cảm của khán giả, nhất là trẻ em qua chương trình Ngày xửa ngày xưa. Ngoài gắn bó sân khấu, anh còn đảm nhận nhiều vai trò như diễn viên điện ảnh, đạo diễn…
Ngọc Yến (Theo VnExpress)