Ngay khoảnh khắc “La La Land” phải trao lại tượng vàng Oscar cho “Moonlight”, hẳn khán giả đều nhận ra cái kết dở dang trong phim không chỉ dành cho nội dung mà còn cho bản thân bộ phim này.
Với bộ phim điện ảnh thứ 2 trong sự nghiệp, Damien Chazelle đã khiến toàn thế giới phải bất ngờ khi thể hiện một khía cạnh rất khác trong quan điểm nghệ thuật của bản thân sau “Whiplash” (2014).
Kinh phí vỏn vẹn 30 triệu đô nhưng doanh thu toàn cầu lên đến 369 triệu, “La La Land” chính là bộ phim nghệ thuật hiếm hoi chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả đại chúng. Chưa kể với sự “oanh tạc” tại các giải thưởng lớn cuối năm, trong đó có đến 14 đề cử tại Oscar, “La La Land” càng chứng tỏ khả năng cân bằng giữa thị trường và tính nghệ thuật của một đạo diễn trẻ.
Bản nhạc tuổi trẻ đa âm sắc
Giữa đại lộ lèn chặt xe cộ ở L.A, Mia (Emma Stone) vô tình gặp gỡ Sebastian (Ryan Gosling) trong một cảm giác hằn học. Mia là cô phục vụ ở một quán cà phê tại phim trường, ấp ủ giấc mơ trở thành minh tinh. Nhưng gần như chưa một buổi thử vai nào giúp cô đạt được ước nguyện.
Sebastian cũng chẳng khá khẩm hơn khi cứ phải đấu tranh giữa việc trở thành nghệ sĩ nhạc jazz thực thụ – thứ âm nhạc đang giẫy chết – hay tiếp tục làm một tên nhạc công thỏa hiệp với số đông, tất cả vì mưu sinh. Hai người gặp lại nhau trong đêm Giáng Sinh, sau những thất bại trong công việc và tiếp tục là những cảm giác hằn học.
Bản thân Sebastian hay Mia có lẽ cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày trở thành tình nhân, cùng nhau xây đắp cho giấc mộng của hai người giữa thành phố đầy sao và cám dỗ. Nhưng rồi họ đã yêu nhau, bằng thứ tình yêu đầy đam mê và nhiệt huyết. Nhưng có lẽ “viên mãn” đối với tuổi trẻ luôn là thứ xa xỉ…
Đạo diễn Damien Chazelle cân bằng hoàn hảo nhịp phim, biến bộ phim thành một bản nhạc đa âm sắc để khai thác trọn vẹn cảm xúc của người xem. Nếu phần mở đầu với những màn ca vũ được dàn dựng công phu, đầy năng lượng thì phần sau tập trung vào sự lãng mạn của hai nhân vật chính, với những bản nhạc jazz đầy ngẫu hứng cùng ca khúc “City of Stars” ngọt ngào. Khán giả như bị dẫn dắt theo bước chân của Mia và Sebastian qua từng mùa yêu nhau ở đô thị hoa lệ. Chứng kiến những cuồng nhiệt mà cả hai dành cho giấc mơ của mình, những thử thách trước sự ác liệt của cuộc sống và cả sự phai nhạt của những tinh khôi thuở ban đầu.
Thấm thía đến từng dây cảm xúc
Phải xem đến cuối, khán giả mới nhận ra bộ phim này không tôn vinh tình yêu đôi lứa. Mia và Sebastian thực chất chỉ là những kẻ khờ ôm giấc mộng lớn lao. Cả hai quyết tâm thực hiện giấc mơ của đời mình mà chẳng nghĩ rằng kết cục viên mãn đã khuyết đi từ ngày Mia bảo rằng: “Em sẽ luôn yêu anh”. “La La Land” đã gợi lên những nuối tiếc tuổi trẻ vô cùng khéo léo trong đoạn kết đầy kĩ thuật.
Như một “cú lừa” vĩ đại nhất của cuộc đời, Mia và Sebastian còn chẳng thể tin nổi cuộc sống mà họ đang trải qua thực chất là sai hay đúng. Là giấc mơ sự nghiệp đã tròn đầy hay một tương lai êm ấm được gửi lại trong tiếng đàn buồn bã thì cũng chẳng có thứ gì trọn vẹn. Dang dở nhưng thấm thía đến từng thớ cảm xúc được xắt ra bằng những lát cắt thực tế của cuộc đời. Nói vui thì có lẽ bản thân những người thực hiện “La La Land” chưa bao giờ nghĩ họ sẽ phải “diễn” lại lần lữa đoạn kết đó trên sân khấu buổi trao giải Oscar lần thứ 89. Khi tương lai ngỡ đã tròn đầy lại trở thành nuối tiếc.
Mượn jazz để nói về thời đại
Âm nhạc chủ đạo của “La La Land” là jazz nhưng không phải toàn bộ các ca khúc đều là jazz. Theo cách mà Sebastian đã nói thì jazz đang giẫy chết. Và rồi chính thứ âm nhạc anh đang theo đuổi đã trở thành tấm gương phản chiếu giấc mơ của anh. Biên kịch thật sự tài tình khi khơi lên thực trạng của jazz song song với sự sục sôi của người nghệ sĩ. “Nếu không thay đổi thì chính cậu mới là kẻ giết chết jazz”, câu nói đó đã khiến bản thân Sebastian thành công nhưng không phải với thứ nhạc jazz nguyên bản mà anh ấp ủ. “La La Land” đã mượn jazz để nói về thời đại, rồi dùng chính thời đại để nói về jazz một cách tài tình và tinh tế.
Hòa hợp đến từng chi tiết
Nếu Damien Chazelle là người nhạc trưởng xuất sắc thì mỗi cá nhân trong “La La Land” là những nhạc công đầy tài năng. Emma Stone và Ryan Gosling chính là linh hồn của bộ phim. Sự ăn ý giữa họ khiến khán giả tin vào tình yêu và giấc mơ cả hai vun xới. Bối cảnh, phục trang và cả cách dùng máy quay, những lời “tri ân” mà bộ phim dành cho các tượng đài nghệ thuật là những sự hỗ trợ tuyệt vời cho câu chuyện đầy xúc cảm được thành hình. Tổng thể của “La La Land” tròn trịa đến mức nếu khuyết đi một thứ có thể bộ phim sẽ bị phá hỏng.
Chiến thắng 7 hạng mục ở Quả Cầu Vàng và 6 hạng mục Oscar là minh chứng rõ ràng nhất cho những gì mà “La La Land” đã làm được. Diễn xuất chín mùi của Emma Stone đã giúp cô sở hữu tượng vàng Oscar sau 2 lần đề cử. Còn Damien Chazelle lại là đạo diễn trẻ tuổi nhất trong lịch sử nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất. Dù phải trao lại giải thưởng Phim truyện hay nhất cho “Moonlight” nhưng “La La Land” đã hoàn thành trọn vẹn vai trò của một kẻ khờ mộng mơ, là một bộ phim có thể “xâm thực” cảm xúc người xem với một dư âm dai dẳng.
Phúc Du