Có lẽ câu chuyện bình đẳng giới khi đặt vào bối cảnh xưa, sẽ dễ lộ diện rõ lề thói cũ. Vì vậy mà hầu hết những phim cổ trang dưới “bàn tay Hollywood” vô tình hay hữu ý, đều rất nữ tính, xoay vần thân phận phái yếu trong “cuộc chiến” sống còn giữa thế giới đàn ông, tình yêu, lý tính, tự do và quyền lực.
Đi vào kinh điển, phim cổ trang chạm đáy cảm xúc
Không phủ nhận điện ảnh thế giới nói chung và Hollywood nói riêng làm ra không ít tác phẩm cổ trang xuất chúng, có sức sống lâu bền. Cần phải nhắc ngay đến The Piano của nữ đạo diễn Jane Campion đã đoạt giải Cành cọ vàng năm 1993 và làm nên lịch sử đến nay chưa ai phá bỏ. Câu chuyện của phim phác họa đậm nét chân dung Ada McGrath – một bà góa nuôi con nhỏ và đam mê âm nhạc. Khi chuyển đến New Zealand để bắt đầu cuộc hôn nhân sắp đặt với một địa chủ trong vùng, Ada may mắn gặp được Baines và dành trọn tâm hồn lẫn thể xác cho người đàn ông này mặc ông ta lớn hơn nhiều tuổi và nghèo nàn, chai sạn. Đi sâu vào tình cảm và bỏ mặc lý trí, The Piano thể hiện nhiều cung bậc rất tinh tế của diễn viên Holly Hunter, giúp chị đoạt giải Oscar năm 1994. Một năm sau đó, Jane lại thực hiện tiếp The Portrait of a Lady tuy không thật sự thành công nhưng lại là một trong những phim để đời của minh tinh Nicole Kidman.
Một phim khác cũng nổi tiếng không kém Dangerous Liaisons năm 1988 được báo chí Mỹ nhận định là bản phim chuẩn nhất, trong hàng loạt phim chuyển thể từ tác phẩm văn học Les Liaisons Dangereuses. Cũng chỉ đơn giản là tình yêu và dục vọng, nhưng các nhân vật được khai thác tâm lý sắc xảo tạo ra mớ bòng bong các mối quan hệ yêu – hận hấp dẫn trong bối cảnh Paris trước cải cách năm 1781. Phim ra mắt ồn ào vì kinh phí thực hiện thuộc hàng tốp năm đó, và quy tụ một loạt diễn viên ăn khách như Uma Thurman, Keanu Reeves, John Malkovich… lại gây ấn tượng vì tạo ra được ba nhân vật nữ với ba màu sắc khác nhau nhưng đều cùng làm đàn ông phải chao đảo, ngả nghiêng.
Đạo diễn gạo cội Martin Scorsese người vốn “trị” những phim đầy nam tính, cũng từng bắt tay vào làm phim cổ trang và cho ra đời cuốn phim khó quên The Age of Innocence năm 1993. Tuy không lấy vai nữ là trọng tâm câu chuyện như Ellen qua diễn xuất của Michelle Pfeiffer vẫn tỏa sáng rực rỡ bất kể là hóa thân thành một phụ nữ ly hôn, có số phận và tình yêu phức tạp. Ngoài ra cũng phải kể tới A Room with a View năm 1985, khai thác nội tâm của cô gái trẻ xinh đẹp Lucy Honeychurch trước hai người đàn ông mà cô đều ít nhiều dành tình cảm. Khi Lucy nhận ra cô thật sự yêu ai nhiều hơn, thì cũng là lúc con người của cô trước giờ đã thay đổi. Bộ phim không cố tỏ ra “nguy hiểm” bằng những kịch tính dữ dội, song lại giữ được sự lãng mạn và nỗi buồn tuyệt đẹp đủ trở nên kinh điển. A Room with a View vì thế mà tạo ra ngôi sao mới Helena Bonham-Carter ở Hollywood.
Nữ quyền biến tướng!
Không hẹn mà gặp, chỉ trong vòng hai năm, người hâm mộ điện ảnh đón nhận hai tác phẩm cổ trang rất đặc biệt. Ở đó, người đàn bà trở nên mạnh mẽ, thậm chí phủi tay một cái dứt tình đoạn nghĩa. Điều ly kỳ là, cả hai phim đều tập trung vào dục tính và sự ghen tuông, từ đó đẩy hình ảnh nữ quyền trở thành cực đoan. The Beguiled (tạm dịch: Những kẻ khát tình) do nữ đạo diễn Sofia Coppola dàn dựng lại từ tác phẩm điện ảnh cùng tên, chủ động chọn tông phim là lãng mạn, nhưng ngầm ở đó, chị xây nên một bức tường kiên cố giữa đàn ông và đàn bà. Ở thế kỷ 19, nơi đàn ông ra trận rồi chết như rạ thì đàn bà chỉ có thể biết tự dựa vào nhau, hoặc chính bản thân họ. Ngôi trường nữ sinh tư thục tại Virginia xáo trộn khi đón nhận một anh lính phe đối lập đang bị thương nặng. Từ lòng tốt cho đến lòng si mê, ham muốn, những người phụ nữ ba thế hệ lần lượt biến đổi tâm tính. Ban đầu họ tò mò, thương hại rồi dần dà cảm mến, khao khát và thậm chí là hi vọng, tình yêu… Nhưng bi kịch nằm ở chỗ, anh lính John McBurney kia chẳng hiền lành cho cam, anh tán tỉnh cô này và “đòi yêu” cô kia rồi dẫn tới sự đổ vỡ tan tành. Hình ảnh Martha, Edwina và Alicia cùng những nữ sinh thiếu niên ôm xác John ra khỏi trường gây ám ảnh dù được Sofia xử lý tinh tế, nhẹ nhàng.
Nhưng The Beguiled có lẽ vẫn không gây sốc bằng cái kết của một phim khác, ra đời năm 2016 có tên là Lady Macbeth (tạm dịch: Lòng dạ đàn bà) cũng lấy cột mốc thế kỷ 19. Tuy được làm bởi nam đạo diễn William Oldroyd nhưng tác phẩm tinh tế không kém, sở hữu khá nhiều cảnh quay tuyệt đẹp chỉ dành để đặc tả nội tâm Katherine Lester – một quý cô bị ép gả cho gia đình giàu có. Cuộc sống chăn gối lạnh như gáo nước, Katherine tưởng chừng chết già trong căn nhà ngục tù và người chồng không tình yêu, bỗng nhiên tìm thấy sự ấm áp khi chạm phải đôi mắt của kẻ tôi tớ Sebastian. Nhân lúc chồng và bố chồng công tác xa nhiều tuần, Katherine lén lút quan hệ với Sebastian nhưng vô tình bị cô hầu gái Anna phát giác. Éo le thay Anna lại nảy sinh tình ý với Seb và nếu cô công bố mối quan hệ này, Seb có thể phải chết. Trong khi Katherine liều lĩnh sống đầy bản năng, Anna dưới lớp da đen mang phận hèn, chỉ câm lặng mà nhìn. Bộ phim không chỉ khai thác triệt để dục tính giữa Katherine và Seb, mà còn xoáy vào giai cấp, sắc tộc khi cho Anna và Seb chịu cái chết oan thay cho tội ác mà Katherine đã gây ra.
Đấy, khi bị đẩy vào tột cùng và buộc phải “đấu” để sống thì đàn bà, ở thế hệ nào, giai đoạn nào, cũng chọn cách mà The Beguiled hay Lady Macbeth đã chọn.
Dụng công nhưng hoài cổ và kén chọn
Làm phim cổ trang không dễ, ngoài thiết kế bối cảnh thậm chí phải phục dựng lại cho đúng lịch sử, công đoạn phục trang và hóa trang càng khiến cho phần tiền kỳ làm phim trở nên “khó nhằn”. Bù lại, các tác phẩm chỉn chu thường nhận được những giải thưởng danh giá dành cho chỉ đạo nghệ thuật… Có thể kể tên một số tên tuổi làm phục trang đương thời ở Hollywood hiện nay như Sandy Powell (The Young Victoria, The Other Boleyn Girl…); Jacqueline Durran (Anna Karenina, Mary Magdalene…) hay Michael O’Connor (The Duchess, Jane Eyre…) đều nằm trong danh sách an toàn mà những đạo diễn nếu muốn làm phim cổ trang nhắm tới. Dù thành công về mặt nghệ thuật, nhiều phim cổ trang hoặc lịch sử một khi đã thất bại thì lỗ vốn hoặc không được ai nhắc tới như trường hợp Macbeth (2015) hay Marie Antoinette (2006), Chéri (2009), Wuthering Heights (2011)… Vấn đề của các phim “đáng quên” này là lối kể chuyện cũ mòn, kịch bản thiếu điểm nhấn, thậm chí mạch phim rề rà, chọn diễn viên không đúng vai hay tư tưởng phim quá xa rời thực tế cũng ảnh hưởng đến sức hút của dòng phim này.
Những phim cổ trang được làm ra, hầu như đã xác định rất rõ đối tượng người xem. Do bộ phận khán giả yêu thích và quan tâm dòng phim này không lớn: đam mê lịch sử, có kiến thức lịch sử và nhất là yêu thích sự hoài cổ… Vì vậy không thể so đo với các phim bom tấn đa phần phục vụ lượng lớn người xem. Hai mươi năm trở lại đây, phim cổ trang thành công nhất về mặt doanh thu chỉ có Gangs of New York với 193 triệu USD thu về năm 2002 song đây lại là phim có yếu tố sử thi và bạo lực. Còn lại, hầu như chỉ đạt mức doanh thu trung bình khá như Sense and Sensibility, Pride & Prejudice hay Shakespeare in Love và chủ yếu giành được các giải thưởng giá trị. Phải khẳng định rằng, dòng phim cổ trang hiện nay chỉ thoắt ẩn thoắt hiện để giúp khán giả bớt nhàm chán với thể loại siêu anh hùng hoặc kinh dị. Thành công hạn hẹp của Victoria & Abdul – bộ phim từng được xem như bom tấn cổ trang, là ví dụ mới nhất. Tác phẩm do Stephen Frears dàn dựng xoay quanh mối quan hệ khá đặc biệt giữa nữ hoàng Victoria và chàng thư ký Ấn độ trẻ tuổi bị chê là không đọng lại gì ngoài các cảnh quay đẹp mắt.
ĐỨC TRẦN