Ban Thí sinh những ngày này khá bận rộn tiếp các thí sinh tới tấp gửi hồ sơ về. Không ít ứng viên âm thầm rút kinh nghiệm từ vòng chung khảo phía Nam.
Hai người đẹp Kinh tế
Vừa tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh, Sái Thị Hương Ly đến Hoa hậu Việt Nam 2016 trong tâm trạng do dự nhưng được bạn bè, bố mẹ khích lệ. Trước đó, Ly có kinh nghiệm ở vài cuộc thi nho nhỏ, đạt một số thành tích kỷ niệm. “Em thấy mình khá nhút nhát, tính không thích bon chen. Mẹ chính là người động viên em nhiều nhất. Mẹ bảo nhìn thấy con gái có khả năng, chỉ muốn con có trải nghiệm đẹp của tuổi trẻ vì trước nay chủ yếu lo học hành”, Ly nói.
“Chẳng ai đi thi không mong muốn đoạt giải gì đó. Nhưng em luôn tâm niệm, dù có được gì hay không mình đều sống thật ý nghĩa, mang đến những giá trị tốt đẹp”, Hương Ly nói. Ngoài chiều cao 1m70, Ly thấy một trong những điểm mạnh của mình là học vấn. Sau cuộc thi, cô cử nhân Kinh tế ấp ủ học tiếp Thạc sỹ.
Khác với đàn chị vừa tốt nghiệp, Trần Tố Như sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh (học bằng tiếng Anh) đầy tự tin năng động. Vừa nhận vị trí Phó chủ nhiệm phụ trách đối ngoại của CLB Nhà Kinh tế trẻ, ĐH Kinh tế Quốc dân, Như bước chân vào trường đã được tín nhiệm giữ vị trí trưởng Ban đối ngoại của CLB này. Hoạt động chính của CLB – tổ chức cuộc thi, talkshow để tạo tầm nhìn, mang đến cơ hội tiếp cận nhiều hơn với doanh nghiệp cho sinh viên kinh tế. Có được vị trí này, cô gái Thái Nguyên kể, phải qua các vòng khác nhau, thể hiện khả năng thuyết trình và lên kế hoạch. Tố Như từng là Hoa khôi hội thi Thanh niên Thanh lịch Thời trang của Thái Nguyên khi mới học lớp 10.
Phải nói nữ sinh Kinh tế chuẩn bị khá bài bản cho cuộc thi, từ tập gym, bơi lội cho đến năng khiếu, bên cạnh lịch học và sinh hoạt ở CLB. Tố Như nói thêm, cô soi vòng chung khảo khá kỹ, tham khảo khá nhiều kinh nghiệm trình diễn, thể hiện trên sân khấu. “Chung kết Hoa hậu Việt Nam năm nào em cũng theo dõi. Em thích phong cách trình diễn của chị Ngọc Hân nhất, đầy tự tin và thu hút khán giả”, Như nói.
Hỏi có ấn tượng gì các bạn phía Nam, Như bảo “Tài năng và triển vọng, dàn thí sinh đồng đều và đẹp hơn nhiều năm gần đây”. Cô khá hào hứng chờ vòng chung khảo phía Bắc, bởi theo dõi đêm thi phía Nam thấy “quy mô, ấn tượng hơn mọi năm”. Điều thu hút hơn là cơ hội tham gia dự án Người đẹp Nhân ái nếu lọt vào vòng chung kết. Không đặt nặng giải thưởng, mục tiêu lớn nhất theo chia sẻ của Trần Tố Như là học hỏi và mở rộng mối quan hệ.
Phút “liều lĩnh”
“Em chụp ảnh và hoàn thành hồ sơ trong vòng hai ngày, đến bây giờ mới thấy nộp đơn là sự liều lĩnh, bồng bột của tuổi trẻ”, Nguyễn Thị Thanh Tâm nói. Cô gái là sinh viên năm hai, khoa Ngoại ngữ, trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ngoại ngữ vốn là thế mạnh đào tạo của một số trường đại học khác, nhưng tiếng Anh kỹ thuật khó mà sánh được với Bách khoa. Đây cũng là nguyện vọng của gia đình.
Điểm tự tin nhất của Thanh Tâm là vòng ba trời phú. Chưa có chút kinh nghiệm thi cử nào, Thanh Tâm có trải nghiệm làm người mẫu ảnh cho một số studio, nên thần thái biểu cảm qua ảnh khá chuyên nghiệp.Tâm quê Bắc Ninh, có nhà ở Hà Nội nhưng lại thích cuộc sống ký túc. Bố mẹ muốn con gái có trải nghiệm một học kỳ đầu, nhưng thấy vui nên cô vẫn quyết ở lại.
Theo dõi thí sinh phía Nam qua ảnh đâm ra Tâm có chút rụt rè hơn. “Em không có kinh nghiệm ở bất cứ sân chơi nào, sự chuẩn bị và sự tự tin đều chưa bằng các bạn”, Tâm thành thật. Trong số những cái tên “đối thủ” phía Nam, Tâm nhắc đến Lê Trần Ngọc Trân. Khi hỏi nhiều thí sinh phía Bắc khác, họ đều chọn cô gái Huế này vì “gương mặt khả ái”.
BTC nhận hồ sơ đến hết 30/6, vòng sơ khảo diễn ra ngày 8/7, đêm chung khảo phía Bắc 17/7 tại Tuần Châu, trực tiếp trên VTV9. Thí sinh có cơ hội khám phá vịnh Hạ Long, đồng hành tại mỏ than Hà Lầm, trải nghiệm không gian nghỉ dưỡng biển ở Tuần Châu trong suốt vòng chung khảo. |
Theo Tiền Phong