Nếu như tên Hà được nhắc đến trong nhà ra đến ngoài hẻm, từ quán café vỉa hè cho tới nhà hàng 5 sao… thì giờ lúc Hà tự nói về chính mình, cho một lần duy nhất: “Tận cùng của những tổn thương, mình biết khóc, biết nhục nhã, biết khụy ngã chứ không phải Hà bất chấp, bất cần… Đi một đời bình thường đã là khó, đi trên giày cao gót, trước ngàn người để trình diễn còn khó hơn nhiều.”
Hà của quá khứ là người như thế nào?
Sẽ là Hà tập làm người lớn từ rất sớm, hiểu mình yêu âm nhạc như thế nào. Bố mẹ Hà không ngăn cấm con gái theo nghệ thuật, nhưng cũng không định hướng, họ coi đó là sở thích riêng. Hà tự làm quen với cây đàn theo cách cảm tính nhất. Hình ảnh Hà vẫn nhớ là lần chơi đàn cho bố mẹ hát trong một đám cưới, rồi nhận được đồng tiền từ công việc mà mình không ngờ tới.
hiều lúc mình rất muốn thoát khỏi tình cảnh khi mà cùng một việc làm, Hà làm thì người ta đặt kỳ vọng cao hơn người khác.
Nhiều lúc Hà phải cảm ơn bố mẹ đã cho mình cái áp lực từ bé. Vì ngoại hình, Hà trở thành “trung tâm” của mọi ánh mắt với biệt danh Hà Tây. Nhiều lúc mình rất muốn thoát khỏi tình cảnh khi mà cùng một việc làm, Hà làm thì người ta đặt kỳ vọng cao hơn người khác. Hà cũng có vài cô bạn thời trung học, nhưng chỉ cần có một xích mích nhỏ là họ đã “đặc cách” ra riêng. Lúc đấy Hà không chọn ngồi khóc trong cô độc, mà là tập trung học hành, theo đuổi sở thích để chứng minh mình tài giỏi hơn người khác.
Đấy liệu có phải giai đoạn khủng hoảng tuổi mới lớn đầu tiên của Hà?
Có thể cho là vậy, nhưng thời gian khó khăn nhất với Hà là lúc phải xa gia đình. 12, 13 tuổi dù cho mạnh mẽ đến đâu, thì tương lai trước mắt vẫn mơ hồ. Đôi tay mình khẳng khiu, nhỏ bé làm được gì? Mình cứ suy nghĩ trong đầu: phải tự chủ, phải độc lập mà thật ra còn chưa biết định nghĩa chính xác của nó! Ừ thì bay khỏi lồng, thích thật đấy nhưng mà bay đi đâu? Hà may mắn có những người thân của bố mẹ động viên, giúp đỡ nhưng trong đầu vẫn nhắc nhở mỗi ngày để không ỷ lại.
Đến trường học, Hà phải nạp năng lượng và sự kiên cường từng ngày để vượt qua suy nghĩ của mọi người về mình. Họ soi xem Hà có học thuộc bài không, có làm tốt vai trò sinh viên hay chỉ lên trường để… catwalk! Mà câu chuyện thi cử của Hà cũng khác thường. Hà mê nhạc nhưng không biết chút gì về nhạc lý là có thật! Bố nuôi ở Hà Nội đã giúp Hà đi tìm thầy học cấp tốc trong vòng hai tháng Hè để thi đầu vào. Hà đậu thủ khoa không vì kỹ thuật điêu luyện mà vì Hà là người đánh bản nhạc ấy có hồn hơn.
Hà không bao giờ chối bỏ việc mình được người thân giúp đỡ. Với số điểm thủ khoa, Hà loay hoay không biết làm gì với những bản nhạc. Từ sinh viên được nhà trường nuôi dưỡng, Hà phải đóng học phí. Thương bố mẹ, từ học kỳ 2 Hà vươn lên hệ A để đỡ đần cho gia đình.
Showbiz bây giờ có mấy ai biết nhạc lý, Hà đâu cần vất vả như vậy?
Hà đi học là để có nghề nghiệp chứ không nghĩ sẽ đi hát. Cách mình học cũng không giống ai, chỉ đến cận kỳ thi Hà mới dồn toàn tâm toàn ý cho nó, vận dụng 300% sức lực để đạt được thành công. Cho dù Hà có kiến thức, thất bại hay thành công đều không tránh khỏi sự dèm pha. Hằng ngày Hà đều đi tìm các câu trả lời: “Mình đã làm gì? Đúng hay chưa và mình phải làm sao nữa cho những chặng đường phía sau?”. Nếu không lên tiếng thì mọi người sẽ không bao giờ nhớ tới, mọi người sẽ chẳng nhìn được, mọi người chỉ thấy được cái bề nổi, chân dài…
Nếu không lên tiếng thì mọi người sẽ không bao giờ nhớ tới, mọi người sẽ chẳng nhìn được, mọi người chỉ thấy được cái bề nổi, chân dài…
Đâu là lúc Hà thấy mình tỏa sáng nhất, hay nói đúng hơn là thể hiện được quyền lực trong làng giải trí Việt?
Có lẽ cơ hội để Hà vẽ ra chân dung về mình chỉ diễn ra ở The Voice và mới đây nhất là The Face, dù ban đầu Hà có chút hoảng hốt khi được mời. Hà không nghĩ mình sẽ dạy ai, đào tạo ai… nhưng Hà tin mình có quyền lửa, nhiệt huyết và truyền cảm hứng cho họ. Những lời bàn tán lúc này không còn khiến Hà băn khoăn vì mình biết mình đang làm gì, mỗi tối mình đều xem và ghi chép lại các mùa giải tại Mỹ… trước khi đi ngủ để tích lũy kinh nghiệm. Khi Hà tự tin với những gì mình có, Hà thấy mình mạnh mẽ.
Hồ Ngọc Hà đại diện cho Clinic Eri International kết hợp với ông trùm ngành thể hình và giải trí Randy Dobson kí kết tài trợ cho đội tuyển Việt Nam tham gia Olympic 2016.
Hà còn giữ quyển sổ tay ghi lại cảm xúc của mình dành cho mỗi bạn thí sinh. Trên sân khấu, vì rất nhiều lí do và tính chất truyền thông trong nước, Hà luôn giữ chừng mực, nói thật nhưng không động chạm lòng tự ái của nghệ sỹ vì các bạn còn trẻ và nhạy cảm, nên Hà chọn khuyến khích. Hà nghĩ một ai đó khi tạo ra được sức mạnh và niềm tin cho người khác thì đó là lúc họ quyền lực nhất.
Để đi được đến chiếc ghế quyền lực, Hà nghĩ rằng mình trau dồi từ đâu và bao lâu để đạt được nó?
Hôm nay Hà kể những câu chuyện này chỉ nhằm chia sẻ thông điệp dành cho mọi người: thành công đến từ chính cố gắng của mình, may mắn chỉ hỗ trợ. Những người thật sự giỏi và thành công họ không bao giờ muốn giúp những người mà họ nghĩ là không có tương lai, không có tài năng. Khi ai trao cơ hội cho Hà, tức là họ cũng đặt cho Hà điều kiện ngang bằng với may mắn mà Hà có. Tất cả chúng ta thích chỉ trích người khác nhưng không nhìn lại tại sao ta chưa thành công, tại sao chưa ai chìa cánh tay quý báu ra nâng đỡ ta! Khi bạn thành công, bạn tức khắc có quyền lực trong tay, nhưng quyền lực chỉ phát huy khi sử dụng đúng lúc, đúng chỗ.
Dù nắm quyền lực không nhỏ trong làng giải trí, Hà vẫn bị đặt trong tình huống sẽ phải… sai một cái gì đó? Người ta không muốn Hà hoàn hảo, tại sao vậy?
Hà muốn mọi người nhìn Hà là người của công việc, sống chết vì nó. Công việc cũng là thước đo duy nhất để mình đi lên, hay tụt xuống. Chúng ta ai mà chẳng sai, chưa đúng thì sửa. Ngay cả những tài năng hàng đầu, họ cũng không bao giờ đúng tuyệt đối hay sai tuyệt đối. Mỗi lúc có chuyện xảy ra, Hà lục lọi lại trong đầu để hiểu rõ hơn danh vọng là gì, và mình phải hứng chịu tất cả mọi thứ có đáng không? Hà chưa bao giờ dám tuyên bố hay trách cứ bất cứ điều gì. Yêu ghét có ranh giới mong manh lắm, thời gian sẽ làm mọi thứ sáng tỏ, lúc đấy biết đâu các bạn lại hiểu Hà hơn.
Đằng sau sự ung dung điềm đạm ấy, là trăm ngàn tổn thương mà Hà đang cố cất giấu?
Đúng là Hà cất giấu chúng, rất giỏi. Tận cùng của những tổn thương, mình biết khóc, biết nhục nhã, biết khụy ngã chứ không phải Hà bất chấp, bất cần. Hà cần điểm tựa để bước tiếp, bởi vì như cơ thể có xương, niềm tin mất – điểm tựa mất, xương gãy đôi, làm sao đứng dậy đi nổi? Đi một đời bình thường đã là khó, đi trên giày cao gót, trước ngàn người để trình diễn còn khó hơn nhiều.
Đi một đời bình thường đã là khó, đi trên giày cao gót, trước ngàn người để trình diễn còn khó hơn nhiều.
Hà từng nghĩ nếu đi tiếp mình được gì và dừng lại thì sao? Số phận cho Hà thử thách để chứng minh mình có đạt được cái mình muốn hay không. Tham vọng thì ai chẳng có? Những người tham vọng nhất luôn là những người hoặc hạnh phúc nhất, hoặc đau khổ nhất. Đó là lựa chọn. Đó cũng là công bằng. Hà được nhiều hơn mất, Hà hát vì đam mê, Hà kiếm tiền để lo cho người thân thì có gì phải dừng lại?
Gia tài lớn nhất của một Hồ Ngọc Hà ca sĩ?
Phong cách. Người ta nhắc đến mình mà nhớ mình trên sân khấu thế nào, thì đó là thành công. Sau ánh đèn, Hà về nhà không cầm micro mà cầm chổi quét nhà, nấu những món ăn yêu thích, cuộc sống như các bà mẹ khác không hơn không kém.
Người ta nhắc đến mình mà nhớ mình trên sân khấu thế nào, thì đó là thành công.
Trên sân khấu hay ở nhà, Hà đều thể hiện tốt nhất khả năng: ca hát, làm mẹ. Hà cũng có khoảng lặng cho mình, để nhìn lại rốt cuộc mình là ai. Nghệ sỹ hay không đều là con người, với những mẫn cảm và trăn trở riêng. Hà không sống trong vỏ bọc nổi tiếng vì suy nghĩ như thế sẽ làm mình mất đi trách nhiệm công dân, lại quá bản năng để có thể bảo vệ người thân… Nghệ sỹ đến cỡ nào cũng có lúc phải nghe dùm suy nghĩ của người khác, bởi khi có chuyện xảy ra chẳng ai cảm thông dùm mình. Mình cũng không thể chấp nhặt.
Hà không sống trong vỏ bọc nổi tiếng vì suy nghĩ như thế sẽ làm mình mất đi trách nhiệm công dân, lại quá bản năng để có thể bảo vệ người thân
Làm thế nào để duy trì và tái tạo năng lượng mà Hà đang có?
Trở ngại luôn bất ngờ ập đến lúc nào mình không biết. Có những giai đoạn Hà không biết phải làm sao cho đúng, phải làm gì tiếp theo… Hà sẽ đến phòng tập vì ít ra mình biết chắc chắn mình sẽ có sức khỏe. Mà sức khỏe tốt nó tác động tích cực đến tinh thần, mọi tác động kinh khủng từ bên ngoài sẽ không làm mình nao núng, hoảng sợ nữa. Hà bình tĩnh nhiều hơn ngày xưa một phần cũng là do thể thao, yoga… “bồi bổ”. Theo Hà, bệnh tật và ốm yếu không thể tạo ra quyền lực!
Sức khoẻ là điều giúp Hà luôn đối mặt được với mọi áp lực, khó khăn
Điều khiến Hà mãn nguyện nhất, sau ngần ấy năm đánh đổi nhiều thứ để có được… nhiều thứ khác?
Càng lớn, mình càng nhận ra điều quý giá nhất là gia đình, người thân, đó là những thứ không thể đánh đổi. Hà cố gắng ở bên gia đình nhiều hơn, để không phải thấy hối tiếc.
Thời điểm hiện tại, Subeo đối với Hà là điều quan trọng nhất, Hà luôn muốn là một người mẹ, một người bạn tốt nhất của con.
Còn với thánh đường biểu diễn, Hà đã có giây phút tỏa sáng nhất trong liveshow riêng: được bay xuống từ du thuyền. Đó là lúc mọi thứ không còn quan trọng, đó là lúc thăng hoa mà mình không được phép dừng một giây nào. Mình có quyền tận hưởng thành quả nhiều tháng trời luyện tập, nhiều năm tích lũy kinh nghiệm và chờ đợi nó. Dù ngắn, hay dài… thì đó vẫn là dấu ấn Hà trân trọng, từ khán giả, từ gia đình và người thân.
Theo lifestyle.cfyc.com.vn