Với Thu Phương thì đi hay về cũng bao nhiêu chuyện khiến người ta xầm xì, đồn thổi, dù lựa chọn của Phương đã qua hơn 10 năm rồi. Đàn bà đẹp thường đa đoan, nhưng Phương nói mình may mắn vì đã gặp và đi qua bao sóng gió…
“Không phải ai cũng may mắn gặp sóng gió hay những chông gai trong cuộc đời, để lấy đó làm chất xúc tác cho mình hoặc kinh nghiệm để mình hát một bài hát thật hay, để mình đủ thấu hiểu chiều sâu thông điệp của bài hát, và cả những phận người…”
Bây giờ chị nói nghe nhẹ tênh nhưng cũng từng có lúc chị gọi những gì trải qua của 10 năm trước là khủng khiếp?
Nói may mắn ở trải nghiệm và thấu hiểu, không có nghĩa là dễ dàng đi qua nó. Không bình yên một chút nào hết, trầy trụa và đớn đau vô cùng. Phương đã trải qua những điều không thể tưởng được. Một sự nghiệp âm nhạc gầy dựng 20 năm, một cuộc hôn nhân 14 năm, vai trò bổn phận một người phụ nữ trụ cột trong gia đình, phút chốc không còn gì cả. Khi Phương rời quê hương, bỏ lại đứa con, khán giả trong nước quay lưng, lúc ấy Phương nghĩ không có gì khủng khiếp hơn thế, bởi đó không chỉ là công việc, mà còn là giá trị con người nữa. Nhưng mà Phương đã vượt qua được để cho tới ngày hôm nay có thể yên tâm là “ok, chuyện gì đến với mình mình cũng sẵn sàng đón nhận”.
Trong hoàn cảnh đó chị dựa vào đâu để bước tiếp?
Dựa vào bản thân mình. Phải có lí do nào đó để làm điểm tựa cho mình. Lúc đầu Phương cũng nghĩ là mình khó vượt qua, nhưng Phương tin quyết định của Phương là đúng. Phương phải tồn tại vì Phương có một gia đình cần phải gìn giữ, ít nhất là vì con của mình.
Âm nhạc của chị vì hoàn cảnh mà cũng thay đổi?
Khi Phương bắt đầu cảm nhận những cái mất mát, những giá trị cần lưu giữ, âm nhạc cũng sẽ thay đổi theo như thế. Phương nghĩ nhiều đến những chiều sâu của tác phẩm, nghĩ nhiều về quá khứ hơn – cái quá khứ mà mình đã mất ấy, đáng trân trọng và nhiều tiếc nuối.
Trong liveshow “Mùa thu của Phương” chị có nói là lâu lắm rồi không hát nhạc sôi động cho nên thấy không quen. Chị có định quay trở lại với dòng nhạc trẻ ngày xưa?
Không ai có thể đảm bảo những gì mình đang có là vĩnh viễn. Càng gặp nhiều khó khăn mình càng thấy nhiều giá trị mang tính thời điểm. 10 năm Phương sống trong một hoàn cảnh khắc nghiệt về đời sống, về tinh thần, thì âm nhạc của mình thay đổi. Nhưng bây giờ sau 10 năm quay trở lại với khán giả trong nước, quay trở lại với không khí sinh hoạt mà một thời mình từng rất quen thuộc thì thấy có thêm nhiều khán giả rất trẻ. Tâm hồn mình như tươi mới lại, giống như được refresh lại trong cách suy nghĩ, cách nhìn về đời sống. Phương không thể ngờ được là với các thế hệ khán giả từ 15 tuổi đến 19 tuổi mà lại coi mình là thần tượng, là một lí do để họ có thể vươn lên, để nhìn vào đó mà sống ý nghĩa hơn. Bây giờ Phương thấy mình trẻ lại và tất nhiên sẽ bắt đầu học lại: học yêu lại từ đầu, học hát những ca khúc trẻ hơn, học làm sao để sống, hóa thân vào chính các em đang yêu mến mình… Đấy là điều thú vị vô cùng và không phải ai cũng may mắn làm được.
Như vậy có thể hiểu là sẽ có nhiều “Bangbang” nữa?
Cũng có thể (cười). Phương nghĩ là nó có thể không chính xác như vậy nhưng sẽ được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Như Phương từng gửi một thông điệp trên FB của mình cho khán giả trẻ, Phương gọi họ là những người tuổi 20: “Hãy tận dụng và hãy nắm giữ từng phút giây bởi những gì đã qua đi chúng ta không lấy lại được. Chúng ta đừng hoang phí tuổi trẻ như thế và hãy đừng đánh rơi tuổi 20 của mình” . Phương không ngờ là rất nhiều bạn vào để nói rằng họ là những người rất trẻ, họ đang loay hoay trong cuộc sống. Có những em còn rất trẻ mà tư duy rất tốt, viết rất nhiều bức thư tâm sự, chia sẻ về cuộc đời, mong muốn được Phương góp ý. Phương thấy thì ra mình còn có một nhiệm vụ khác cần phải làm. Quay trở về với khán giả sau hơn 2 năm suy nghĩ kỹ lưỡng, Phương thấy mình đang đi và đang làm một điều rất đúng.
Thời 20 của chị thế nào?
Tuổi 20 của Phương rất vất vả, khổ cực nhưng Phương có rất nhiều giấc mơ, hoài bão và nỗ lực thực hiện, thì tại sao bây giờ các em có nhiều điều kiện hơn, các em không tận dụng những điều ấy? Phương lấy chính những câu chuyện của mình kể cho các em nghe, nếu mình không trải qua những cái đấy thì mình lấy gì để các em tin?
Người ta vẫn thường khen là chị hát hay những ca khúc về biển, chị có bao giờ lí giải vì sao không?
Phương là một người con sinh ra ở vùng biển, nhưng đã rời xa quê hương từ rất bé, cho nên có một cái gì đó như là mất mát, thiếu thốn, như là mình đã không trọn vẹn với quê hương của mình. Mỗi lần hát về biển là Phương thấy cả một tuổi thơ mà mình thiếu nhiều điều trong đấy, thấy quê hương… Có lẽ những cảm xúc từ câu chuyện thật ấy dễ nhận sự đồng cảm.
Ở Mỹ, có thời gian Phương ra biển rất nhiều. Năm đầu, hầu như ngày nào Phương cũng ngồi trước biển, cứ chênh vênh giữa hai trạng thái: thấy mình quá nhỏ bé, mình sẽ không vượt qua được sóng gió, sẽ bỏ cuộc; còn một phần thì lại thấy những chuyện của mình không là gì cả.
Hát về biển cũng rất khó. Biển quá sâu, quá rộng phải hát thế nào cho hết cái tinh thần của biển? Phương nghĩ là một phần mình có điều đấy trong giọng hát, trong thân phận, trong những cái đã đi qua, mình có cả nước mắt để thấy độ đậm của biển như thế nào và cứ thế mà cất tiếng hát… Hát về biển cũng là cho chính bản thân mình.
Chị có hát trong những lúc buồn nhất không?
Thật ra lúc buồn nhất Phương lại không hát, lúc buồn nhất thì im lặng, vì đã khóc cạn hết nước mắt rồi. Có hát thì Phương hay hát bài của nhạc sĩ Huy Tuấn ngày xưa viết cho Phương trong album cuối cùng khi ở Việt Nam “Đừng khóc khi buồn”. Nhưng mà đúng là khi buồn cứ im lặng thử đi.
Chị có niềm tin tâm linh không?
Phương tin tất cả những chuyện xảy ra trên đời này đều có lí do, tin rằng có lí do người ta mới gặp nhau. Phương là người sống rất duy tâm.
Cái khoảng cách duy tâm và mê tín nó cũng gần lắm chị…
Cũng giống như một người tự tin với chủ quan vậy thôi, cái khoảng cách đó rất gần nên phải đủ hiểu và đủ tin bản thân mình, phải có kiến thức, có rất nhiều thông tin để mình có thể làm được điều gì đấy chứ không phải tin khơi khơi. Cho nên Phương khuyến khích các học trò của mình, bạn bè của mình, khán giả của mình hãy đọc thật nhiều, Phương cũng là một người rất thích đọc và đọc rất nhiều. Không chỉ đọc nhiều mà còn nghe nhiều.
Nhưng công việc của chị như vậy, thời gian đâu để đọc?
Phương nghĩ là tùy vào sự sắp xếp khoa học hay cân chỉnh đời sống của mỗi người. Phương là một bà mẹ 4 con, một người phụ nữ chăm sóc cho cả gia đình, một nghệ sĩ trước công chúng, hiện giờ còn là một huấn luyện viên có rất nhiều thí sinh cần phải chỉ dẫn, phải chia tất cả quỹ thời gian ra để mà làm sao mình làm được những điều đó hoàn thiện nhất. Lúc nào cũng ở trong tình trạng căng thẳng, thiếu thời gian, thậm chí kiệt sức, nhưng Phương có những cách cân bằng riêng của mình. Phương có con, có niềm vui và bổn phận làm mẹ, có những lí do chính đáng trong đời sống để mà cân chỉnh hợp lý.
Có cảm giác như sẽ không có điều gì khiến chị gục ngã?
Không chắc đâu, làm sao biết được. Những lúc đang có đầy đủ như thế, đang hạnh phúc như thế là những lúc Phương lo lắng nhất.
Phương lo lắng rằng mình sẽ vận hành những thứ mình đang có như thế nào để giữ được dài lâu. Và bất kì một biến động nào, đau khổ nào xảy ra với những người thân yêu của mình, mình có chịu đựng được không… Phương bây giờ là mẹ của 4 đứa con, có bất kì chuyện gì xảy ra, Phương sẽ không chịu đựng được. Đối với Phương cuộc sống luôn luôn như chưa bắt đầu, hôm nay là một hành trình khác và có thể rất nhiều bất ngờ, nhiều điều thú vị, nhưng cũng có thể sẽ có nhiều điều khủng khiếp còn đang ở phía trước…
Chị là nghệ sĩ có nhiều con, mà điều thú vị là các bé ở các thế hệ khác nhau, đứa lớn nhất 21 tuổi, đứa bé nhất mới 3 tuổi rưỡi. Vậy chị dạy, chị chăm chúng như thế nào?
Khó khăn lắm và tuổi nào cũng cần hết thời gian, khả năng của Phương. Con lớn thì đang ở giai đoạn thay đổi tâm sinh lý, cái tuổi rất nguy hiểm, tiếp cận với đời sống mới nhiều thứ có thể vấp ngã. Con bé thì lại bé quá , mình phải dành nhiều thời gian hơn. Phải làm sao giữ được các cháu là người Việt Nam, giữ được tiếng Việt, nét sinh hoạt văn hóa của người Việt tại nước ngoài, mà vẫn hòa nhập để không thua kém người ta, để có thể theo kịp, có thể lớn lên được, đó là cả một vấn đề. May mắn là hiện giờ bên cạnh Phương luôn có người bạn, người đồng hành. Anh Dũng là một người rất giỏi về tâm lí, rất khoa học, thông minh trong cách sắp xếp và lo về vấn đề học hành, kiến thức cho các cháu ở Mỹ – những thứ Phương không làm được. Các cháu đi học về Phương đâu biết được là học cái gì. Phương chỉ toàn lo những cái mà người mẹ có thể làm, lo tâm sinh lý cho các cháu cũng như cố gắng giữ tiếng Việt cho các cháu…
Chị làm điều gì để các con đừng có bận tâm về việc có hai ông bố?
Phương là người có hoàn cảnh sống tương đối phức tạp. Phương có con riêng, con chung, rồi hai con lớn của Phương cũng có những sinh hoạt với bố, ảnh hưởng phần nào đến đời sống hiện tại… Nhưng anh Dũng là người bạn đồng hành tin cậy của Phương dù cả hai hiện giờ vẫn đang trong tình trạng thử thách, chưa phải là quan hệ vợ chồng hợp pháp cho nên cả hai đều phải cố gắng rất nhiều. Anh Dũng là một người văn minh và quan trọng nhất là người có tấm lòng biết chia sẻ, anh hoàn toàn thông cảm với những điều đấy. Anh khuyến khích các con của Phương có thời gian rảnh là đến với bố để giữ tình cảm. Nhiều việc Phương còn khó hơn. Nhưng cũng có nhiều khi phải giấu một chút với anh Dũng nếu như các cháu có làm gì sai hoặc bố nó chiều quá (cười). Nói chung Phương là một người luôn luôn phải căn chỉnh, phải chạy lăng xăng từ đầu này đến đầu kia, phải bấu chỗ này, lấp chỗ nọ, đại khái là như thế. Những điều ấy cũng có cái lợi là khiến mình thành một người tương đối năng động trong tất cả mọi chuyện, từ nhà ra xã hội (cười)
Có nghĩa là tới bây giờ chị vẫn thấy ổn, đúng không?
Ổn, bắt buộc phải ổn, mặc dù trước khi nó ổn thì có rất nhiều rối ren cần tháo gỡ. Thì giống như Việt Anh (nhạc sĩ – NV) từng nói, có bình yên nào mà không xót xa …
Đà Thư (Phụ Nữ Ngày Nay)