Ye Yuan, 47 tuổi, một thành viên nhóm thám hiểm, kể: “Chúng tôi biết có thứ gì đó đang bơi dưới suối vì thấy nước dịch chuyển. Chúng tôi đã tìm được cách múc nó lên xem. Ban đầu, chúng tôi nghĩ đó là một con cá bạch tạng, nhưng khi xem kỹ, chúng tôi nhận ra mình đã tìm thấy một con nòng nọc khủng”.
Trang Nhân dân nhật báo của Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia cho hay, con nòng nọc kỳ dị nói trên là ấu trùng của một con cóc có răng, đốm đỏ, danh pháp khoa học là Oreolalax rhodostigmatus nhưng thường được biết đến với tên gọi cóc lười Quý Châu. Những con nòng nọc như thế này thường cư trú trong các hang động đá vôi.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đặc biệt thích thú nghiên cứu mẫu vật trên, vì họ chưa từng thấy cá thể nòng nọc nào to lớn tới như vậy. Thông thường, nòng nọc Oreolalax rhodostigmatus chỉ phát triển cơ thể tới kích cỡ 10cm và một con cóc trưởng thành hoàn toàn thuộc loài này cũng chỉ dài 10cm.
“Một khi chúng tôi đã đưa được con nòng nọc lên mặt nước và dưới ánh nắng mặt trời, làn da màu trắng của nó bắt đầu chuyển sang màu tía, khiến chúng tôi không thể quan sát được các nội tạng của nó nữa. Đây thực sự là một phát hiện đáng chú ý”, chuyên gia Ye nhấn mạnh.
Theo tiết lộ của nhóm thám hiểm, con nòng nọc “khủng” được tìm thấy ở một hang động ở độ cao 800 mét trên mực nước biển, tại thành phố Zunyi thuộc tỉnh Quý Châu, tây nam Trung Quốc hồi đầu tuần này.
Cóc Oreolalax rhodostigmatus thuộc họ lưỡng cư Megophryidae và đang nằm trong “Sách đỏ” của Trung Quốc về các loài dễ bị tổn hại. Nòng nọc của loài sinh vật này thường không bao giờ mạo hiểm ra khỏi bóng tối của các dòng sông ngầm dưới đất, nên chúng phát triển làn da trong suốt, có khả năng đổi màu khi tiếp xúc với ánh sáng.
Những con nòng nọc Oreolalax rhodostigmatus sinh trưởng nhờ ăn tảo và chúng mất 1 – 2 năm để hoàn thành quá trình biến hình.