Việc mang thơ vào nhạc, phổ nhạc cho thơ không phải là một trào lưu hay xu hướng nhất thời mà cách làm này đã được nhiều thế hệ nhạc sĩ thực hiện để mang tới các bài hát hay.
- Đen Vâu xuất hiện trong MV với chi phí sản xuất chỉ 100.000 đồng
- ‘Trời hôm nay nhiều mây cực!’ đạt top 1 trending: Đen Vâu vượt Jack, trở thành ‘ông hoàng’ Trending Youtube
- Rock Việt ‘không chết cũng không sống, thật ra chưa bao giờ sống thực sự’
Đen Vâu được gọi là “nhà thơ” của làng nhạc rap trong nước
Một bài thơ hay chỉ cần một ý thơ, cộng hưởng với phần hoà thanh phù hợp là cách mà nhiều bản hit đình đám được giới trẻ yêu thích liên tục ra đời.
Có một ngày buồn như thế là ca khúc đầu tiên của series Music diary 2 được nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường lấy cảm hứng từ bài thơ Có những ngày buồn như không thể buồn hơn của nhà thơ Nguyễn Phong Việt.
Nhạc sĩ Châu Đăng Khoa thừa nhận rằng bài thơ của tác giả Linh Linh đã truyền cảm hứng cho anh sáng tác nên ca khúc Tình nhân ơi, do Binz và Orange thể hiện.
Hay ca khúc Vì anh thương em cũng được nhạc sĩ Võ Hoài Phúc phổ nhạc và sáng tác lại dựa trên một bài thơ của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh. Các ca khúc này đều thu hút hàng triệu lượt streaming trên NhacCuaTui và nhận về những phản hồi tích cực.
“Khi đọc được một bài hay đoạn thơ hay, có sự đồng điệu về cảm xúc, tôi thường tự vẽ ra cho mình câu chuyện rồi từ đó viết thành bài hát hoàn chỉnh.
Chỉ khi ý thơ quá hay, tôi sẽ xin phép nhà thơ để được sử dụng một câu trong bài hát, còn lại thì cố gắng dùng chính vốn từ của mình để tránh vi phạm về vấn đề bản quyền nhạc và thơ”, nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường chia sẻ về cách anh sáng tác nhạc từ thơ ca.
Music Diary 2 được phát hành trên NhacCuaTui
Qua đó có thể thấy mối quan hệ giữa các thể loại thơ ngũ ngôn, bát cú, lục bát hay tự do… với sở thích nghe nhạc của khán giả Việt. Những bài thơ hay ngày càng được các tác giả trẻ “săn tìm” để làm cảm hứng, chất liệu cho việc sáng tác nhạc.
Nhạc sĩ Võ Hoài Phúc trả lời: “Từ lâu đã có rất nhiều ca khúc phổ thơ thành công của nhạc sĩ Phạm Duy hay Phú Quang. Chỉ là có một giai đoạn người trẻ, bao gồm cả người viết và người nghe, không quá mặn mà với phổ thơ nên dẫn tới cảm giác “ngày càng nhiều” của bây giờ.
Theo tôi thì điều này rất hợp lý, đặc biệt với dòng nhạc pop vì đề tài khai thác qua thời gian sẽ cạn kiệt. Lúc này, thơ có thể xem như vị cứu tinh cho các nhạc sĩ có một hướng đi mới, thoát ra khỏi chính mình.
Bản thân văn chương, thơ ca đã mang sẵn trong mình vẻ đẹp riêng nên khi có âm nhạc cộng hưởng sẽ rất dễ đi vào lòng người”.
Tình nhân ơi là một bản hit của Orange và Binz có phần lời được lấy cảm hứng, tư liệu từ một bài thơ
Theo nhà thơ Nguyễn Phong Việt, thể loại thơ được nhiều tác giả lựa chọn để phát triển thành bài hát nhất là lục bát và ngũ ngôn (5 chữ).
Còn với các bài thơ tự do, đa phần nhạc sĩ sẽ mượn một vài câu hoặc ý tứ để phát triển.Có nhiều nhà thơ tạo ra được nhịp điệu và nhạc tính trong bài thơ nên dù viết thể loại nào thì nhạc sĩ vẫn rất thuận lợi trong việc phổ nhạc nhờ nhịp điệu sẵn có trong ca từ ấy.
“Mỗi người Việt đã được tiếp cận thơ ca từ bé qua lời ru của bà, của mẹ cùng một kho tàng ca dao tục ngữ phong phú. Vì thế, một ca khúc có tính thơ, các câu gieo vần êm ái và tài tình luôn dễ dàng làm người nghe nhớ cảm hơn.
Chúng ta không nên bài xích mà còn phải khuyến khích sự học hỏi này. Nếu cân bằng được như vậy thì thị trường sẽ tốt hơn rất nhiều những bài hát chỉ để hát, nghe chỉ để nghe rồi 1, 2 tháng là quên”, nhạc sĩ Hamlet Trương nói.
Những bài rap được yêu thích nhất của Đen Vâu đầu có phần lời rap sâu sắc, sử dụng nhiều biện pháp tu từ, chơi chữ
Ngay cả rap cũng vậy, có nhiều câu rap có chiều sâu ngữ nghĩa như một bài thơ hay. “Nàng cười rạng rỡ nàng thơ. Ngàn hoa đang nở nằm mơ về nàng” đó là câu rap của Tlinh trong chương trình Rap Việt được nhiều khán giả nhận xét rằng khi đọc lên, nó là một câu thơ.
Đen Vâu được nhiều người hâm mộ gọi là “nhà thơ” của làng rap Việt bởi cách viết lời rap như thể những câu thơ có sức găm mạnh vào tâm trí người nghe. Hàng loạt đoạn rap của anh đã gây bão mạng xã hội, trở thành những câu trích dẫn mà nhiều bạn trẻ chia sẻ.
Ví dụ như câu “Nếu mà mệt quá, giữa thành phố sống chồng lên nhau. Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau” trong Bài này chill phết từng rất thành công trong năm 2019.
Binz cũng vừa được nhắc tên trên tạp chí âm nhạc Billboard của Mỹ với cụm từ: “Nhà thơ rap của Việt Nam”
Nhạc nâng cánh cho thơ, nhất là những bài thơ chưa được nhiều người biết đến để có cơ hội được đón nhận nhiều hơn.
Ngược lại, đối với không ít nhạc sĩ trẻ chưa có nhiều sự từng trải và vốn sống, gặp khó khăn trong việc viết lời hát thì thơ hay lúc này sẽ là “cứu cánh” của họ. Đó là một mối quan hệ hai chiều, đôi bên cùng có lợi.
Các nhạc sĩ ở Việt Nam sáng tác khá độc lập, thường một người sẽ viết luôn cả lời và nghĩ ra giai điệu, ít có sự hợp tác.
Do đó, viết cả lời và giai điệu hay dần trở thành một áp lực cho không ít tác giả trẻ. Và điều này đi ngược xu hướng âm nhạc thế giới bởi đa số họ luôn sáng tác và sản xuất nhạc theo nhóm.
Theo Tiến Vũ – tuoitre.vn