Với người yêu điện ảnh thuần túy, 2017 là một năm sôi động với nhiều tác phẩm danh giá sở hữu những diễn viên kiệt xuất. Còn với khán giả thuần túy, 2017 khép lại bằng các câu chuyện hết sức thời sự, phần nào khơi gợi cách sống vì bản thân và vì cộng đồng. Đặc biệt hơn, những câu chuyện đó lại tôn vinh cốt cách và nhân phẩm của người phụ nữ, dù ở chốn lao tù, hay phải đối diện cái chết… Họ – nhân vật nữ của Hollywood, vẫn rực sáng với thông điệp riêng.
Margot Robbie trong I, Tonya
Nếu bàn riêng về Marot Robbie, cô là nữ diễn viên 9x hiếm hoi suýt giành được hai đề cử Oscar trong cùng một năm cho bộ phim do chính cô thủ diễn kiêm cả vai trò sản xuất – I, Tonya. Mặc dù Robbie không thể lập kỷ lục (mà nhiều người dự đoán từ trước), song ở tuổi 27 cô cũng tiếp nối thế hệ ngôi sao tóc vàng mới ở Hollywood.
Về bộ phim I, Tonya có thể nói đây là thử thách cho chính Robbie và hãng phim mới toanh của cô khi dám động vào đề tài nhạy cảm về đạo đức nghề nghiệp trong giới thể thao, cụ thể là nữ vận động viên trượt băng nghệ thuật Tonya Harding – người dính tai tiếng bày mưu tính kế hãm hại đối thủ trong kỳ thi đấu Thế vận hội mùa đông 1994.
Câu chuyện Tony Harding cho đến nay vẫn gây tranh cãi bởi kẻ bênh vực, người chỉ trích… và điều đó đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới Margot Robbie trong đợt tranh giải Oscar, nhất là trong một năm mà những người phụ nữ bị đàn áp, bắt nạt, lạm dụng… được bảo vệ!
Tuy “phải” đảm nhận một nhân vật rất khó chiếm được hầu hết tình cảm khán giả nhưng Margot Robbie thông qua hình ảnh Tonya Harding từng bị ghét trong quá khứ, cho thấy mặt trái đằng sau tai tiếng rúng động đó bởi bản thân Harding ngay từ bé đã bị chính mẹ rồi sau này là chồng mình dùng vũ lực gò ép cô phải sống theo ý họ.
Bộ tứ diễn viên Reese Witherspoon, Nicole Kidman, Shailene Woodley và Laura Dern trong Big Little Lies
Tuy là phim truyền hình ngắn tập (sau đó được chuyển thành series phim theo mùa do quá thành công) song Big Little Lies lại mang thông điệp hết sức mạnh mẽ, đặc biệt gắn liền với tâm điểm #MeToo mà Hollywood rùm beng thời gian qua.
#MeToo là cụm từ dùng để ám chỉ những nạn nhân là nữ bị lạm dụng tình dục hoặc ngược đãi theo nhiều cách, mà trong Big Little Lies nó bộc lộ rất rõ từ nhân vật chính đến phụ, từ bà mẹ đơn thân đến đứa con gái nhỏ…
Trong phim, nhân vật của Nicole Kidman là Celeste luôn phải sống trong sợ hãi vì ông chồng trẻ tuổi vũ phu, thường xuyên đánh đập và dọa nạt cô sợ chết khiếp. Ban đầu, Celeste sợ chết khiếp nhưng rồi lại nguôi ngoai khi anh chồng nhỏ lời đường mật. Trên thực tế, Celeste là hiện thân của mẫu phụ nữ tưởng chừng có tất cả: nhan sắc, gia đình, thành tựu… nhưng rốt cuộc không có gì là chắc chắn.
Celeste sợ phải đối mặt với lời dị nghị, sợ người ta thấy vết cắt sâu, sợ mất tất cả và thế là cô chịu đựng anh chồng, để giữ gìn mái ấm giả tạo. Cho đến khi cạn kiệt sức lực, Celeste nhận ra cô đang bị bạo hành, và chính người chồng đó đã vô tình “dạy” hai cậu con trai nhỏ của họ thói bắt nạt bạn bè trong trường học!
Mặc dù tâm điểm của Big Little Lies xoay quanh Celeste của Nicole Kidman nhưng những diễn viên khác trong vai các bà mẹ bỉm sữa, còn cho thấy bức tranh toàn cảnh về phụ nữ hiện đại ở xã hội Mỹ ngày nay luôn phải sống ý thức để xã hội bớt đi những nạn nhân yếu ớt như Celeste hay những đứa trẻ nhỏ vô tội…
Frances McDormand trong Three Billboards Outside Ebbing, Missouri
Có người phân bua, nếu không phải là câu chuyện #MeToo thì chưa chắc Frances McDormand giành được vô số giải thưởng danh giá. Tạm gác lại việc diễn viên kì cựu McDormand có xứng đáng với giải Oscar hay không, hãy xem những gì chị thể hiện trong cuốn phim tâm lý căng thẳng này đọng lại điều gì cho khán giả.
Mildred – một phụ nữ ngoài 50 đang phải tranh đấu cho sự công bằng từ cái chết tức tưởi của con gái mình. Nhiều tháng sau vụ án mạng hiếp giết gây rúng động thị trấn, cảnh sát địa phương gần như bó tay và cố ý bỏ quên.
Không chấp nhận thực tế phũ phàng và căm ghét thái độ bàng quan, Mildred thuê hẳn ba tấm biển quảng cáo ở ngoại ô để gây chú ý cho toàn dân lẫn vị cảnh sát trưởng Willoughby, buộc ông và cấp dưới phải nỗ lực tìm ra thủ phạm.
Hành trình Mildred chọn hết sức nan giải, bởi chị là phụ nữ và chỉ có một mình đơn độc chống chọi lại mặt trái của xã hội, những tất trắc từ những kẻ có quyền lực trong tay. Và điều quan trọng nhất, Mildred dám lên tiếng nói, không ngồi im trong một xó xỉnh nào đó để nén nỗi đau, chấp nhận bị đối xử không công bằng.
Frances McDormand đáng lẽ sẽ không tham gia bộ phim này, tuy nhiên đạo diễn Martin McDonagh đã ra sức thuyết phục chị nhận lời bởi nét diễn giàu cảm xúc và mạnh mẽ của McDormand thật sự thích hợp với Mildred. Bộ phim thành công phần lớn cũng nhờ McDormand và thông điệp rất thức thời của Three Billboards Outside Ebbing, Missouri.
Meryl Streep trong The Post
Khi nhắc đến Meryl Streep, người ta nhớ nhất những kỷ lục giải thưởng mà bà nhận được. Ở Bắc Mỹ, người yêu bà nhiều nhưng khán giả bày tỏ cảm giác “ngán” tên bà mỗi độ Oscar về cũng không ít. Có thể nói hầu như năm nào có phim lớn, bà đều được đề cử bất chấp vai diễn có xứng đáng hay không. Năm ngoái, The Post – cuốn phim quan trọng về sự kiện Lầu năm góc và chiến tranh Việt Nam ra đời, diễn xuất của Streep một lần nữa là điểm nhấn sáng giá.
Bà vào vai nữ nhà báo can trường Kay Graham cùng với biên tập viên tờ Washington là Post Ben Bradlee (tài tử Tom Hanks đóng) quyết định công bố hồ sơ Lầu năm góc vào năm 1971, sẵn sàng đối mặt với cuộc chiến pháp lý (họ không bị kết án). Chính hành động dũng cảm của Kay Graham đã “lót đường” cho những sự kiện liên quan đến thông tin truyền thông cần được phổ biến chứ không bị giấu nhẹm đi vì mục đích hèn hạ.
Tuy The Post không gây được tiếng vang vì ra mắt cận dịp Lễ và có công thức không mới, trong khi các phim đình đám năm qua đều có điểm thú vị riêng, thì Meryl Streep vẫn nổi bật nhất không chỉ bằng đề cử Oscar lần thứ 21 trong sự nghiệp, mà còn là vì hình ảnh vừa nhu vừa cương của một nữ nhà báo lừng danh, dám đứng lên cất tiếng nói vì chính nghĩa.
Saoirse Ronan trong Lady Bird
Không theo dòng chảy #MeToo nhưng câu chuyện của Lady Bird vẫn đáng được gọi là điểm sáng trong năm vừa qua, khi cả nữ diễn viên rất trẻ Saoirse Ronan (sinh năm 1994) và nữ đạo diễn phim Greta Gerwig (sinh năm 1983) đều được đề cử Oscar và nhận nhiều lời tán dương của báo chí, giới phê bình.
Lady Bird khác với kiểu phim tuổi mới lớn thường thấy khi đưa vào thông điệp bình tĩnh sống cho giới trẻ hiện đại ngày nay, nhất là những cô cậu thiếu niên mới lớn thích vùng vẫy ở thế giới bên ngoài mà quên đi mất giá trị thật sự nằm ở gia đình và không ai yêu thương mình hơn chính bố mẹ mình.
Christine sẵn sàng cãi tay đôi với mẹ, thậm chí muốn “trả công nuôi dưỡng” bằng một số tiền lớn để được tự định liệu cuộc đời mình… nhưng rồi cô gái trẻ sớm nhận ra bạn bè, người yêu tuổi teen chỉ là kẻ xa lạ qua đường, chỉ số ít rất ít người đáng để làm bạn và sự thật là ngoài xã hội, mọi thứ không dễ dàng đón nhận Christine.
Xem phim, dù nhân vật là một cô gái 17 tuổi song khán giả trưởng thành vẫn nhận thấy đâu đó hình ảnh của mình thông qua những cung bậc cảm xúc chân thực, những bước ngoặt ngã rẽ mang tính quyết định và nhiều phân đoạn gần gũi với thời hoa niên, thanh xuân của nhiều người.
Ngoài Saoirse Ronan, nữ diễn viên gạo cội Laurie Metcalf trong vai người mẹ tâm lý chấp nhận con gái ngỗ nghịch… cũng tạo được tình cảm sâu sắc nơi người xem giúp cho Lady Bird là một phim nữ tính, truyền cảm hứng nhiều khán giả năm qua.
Sally Hawkins trong The Shape of Water
Trong khi khán giả còn ái ngại về hình tượng nhân vật Elisa của Sally Hawkins trong phim bom tấn nghệ thuật này, thì bản năng nhân vật Elisa xứng đáng để người ta mổ xẻ và đồng cảm. Có một số phận kỳ lạ, không thân thích, được nhặt nuôi từ đầm lầy, Elisa không có khả năng phát âm nhưng may mắn cô vẫn nghe được, làm việc được. Sống cùng căn hộ với ông bạn già đồng tính, Elisa luôn khao khát một tình yêu thầm kín nhưng ngặt nỗi, với hoàn cảnh của cô (thường bị người đời coi rẻ), Elisa phải thỏa mãn nhu cầu sinh lý bình thường một mình!
Bỗng một ngày, Elisa phát hiện ra và có mối liên hệ vô hình với thủy quái được mang về từ vùng biển hoang, bị nhốt trong chiếc lồng sắt dùng để nghiên cứu khoa học, tại chính nơi Elisa làm việc như một người lau dọn. Từ sợ hãi, lén lút quan sát rồi dần dần can đảm tiếp cận, hẹn hò gặp gỡ ngay trong chính nơi bị cấm vào, giữa Elisa và chàng thủy quái nhận ra một tình cảm gắn kết kì lạ. Khi thủy quái có thể bị giết vì mưu đồ chính trị, Elisa đã lập kế hoạch giải cứu sinh vật đặc biệt này.
Xét về kịch bản, câu chuyện của The Shape of Water có nhiều phần phi lý, nhưng xét về cảm xúc diễn viên Sally Hawkins đã thành công với Elisa. Ta gọi cô là người hùng cũng được, nạn nhân cũng đúng… nhưng trên hết Elisa dám sống, dám yêu và dám hành động chứ không chờ đợi phép màu hay bạch mã hoàng tử đến sưởi ấm đời mình.
Nhỏ bé và không nhiều bạn bè, Elisa vẫn kiên quyết giúp chàng thủy quái thoát chết, đem anh về chung sống với cô. Tuy bị người chủ độc tài và tàn ác quấy rối ngay giờ làm, Elisa tuy sợ hãi vẫn khéo léo né tránh, và dám đáp trả bằng một câu chửi thề tỏ ý xem thường thái độ và cách sống của ông chủ vô nhân đạo. Elisa tuy không lành lặn nhưng cô là mẫu hình nhân vật nữ truyền năng lượng tích cực cho người xem, về cái gọi là tình yêu đích thực: Sống chết hết mình!
ĐỨC TRẦN