*Bài dự thi cuộc thi ” Viết cho con” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức
- Viết cho con: Cuộc chiến không cân sức
- Viết cho con: Mầm non của mẹ
- Viết cho con: Mặt trời bé con của mẹ
- Viết cho con: Sự lựa chọn sai lầm
- Viết cho con: Ba mẹ mang mùa xuân về cho Chích Bông
- Viêt cho con: Thỏ thẻ yêu thương
MS: 130
Họ và tên: Mai Xoan
Viết cho con: Con thi đại học – Nỗi lòng cha mẹ
Con tôi chuẩn bị thi đại học, tức là tôi đã đồng hành cùng cháu 18 năm. Ôi, bao nhiêu là tâm trạng đan xen. Với 18 năm đã qua, chắc có lẽ tôi chưa thể tổng kết một cách đầy đủ, chính xác kinh nghiệm nuôi con để dễ dàng đưa ra một quyết định đúng đắn. Ngẫm lại những cảm xúc đã có của người làm mẹ trên suốt chặng đường đi cùng con và cả tâm trạng đang loay hoay với chặng đường phía trước, tôi thấy bối rối, lo âu biết nhường nào.
Thời tôi còn bé, đi học cùng mấy đứa trong làng, lúc nào cũng hãnh diện vì mình học giỏi hơn chúng nó. Nói là giỏi hơn nhưng thật ra cũng chỉ so sánh theo kiểu: nó viết vừa xấu vừa sai vừa bẩn, mình viết xấu nhưng không sai; nó làm văn được cỡ nửa trang thì mình được gần một trang, lúc làm toán nó có vẻ hay nhìn bài mình hơn là mình nhìn bài nó,….. đại loại là như thế. Nhưng cuối năm học vì mỗi lớp chỉ tối đa 3 học sinh được nhận giấy khen nên nó không được mà mình lại được. Thế là cũng đủ để cho bố mẹ mình tự hào, bố mẹ nó lấy mình ra làm gương còn mình thì phổng mũi lên mà sướng…
Đến lúc lớn lên, tôi mang theo ước mơ từ nhỏ cộng thêm với ước mơ của cả gia đình nên cố thi vào sư phạm, rồi thì làm cô giáo. Công bằng mà nói thì thành tích đó cũng có lúc làm cho mình cảm thấy hạnh phúc, bố mẹ vui lòng. Còn bạn tôi, mấy cái đứa hồi bé cứ phải noi gương tôi ấy, nó không có trách nhiệm phải thực hiện ước mơ cho gia đình nên thích gì thì làm đó. Mấy đứa con trai thì có đứa theo bố nó ra biển phụ nuôi đầm tôm, rồi thành ông chủ đầm, có đứa lên thủ đô làm thợ rồi mon men học nghề sau lại thành đại gia trong ngành vàng bạc, có đứa phiêu bạt vào Nam phụ giúp chăn nuôi giờ là chủ trang trại, đứa học khá hơn thì đi bộ đội rồi được đào tạo sĩ quan,…. Còn mấy đứa con gái cũng đa dạng chả kém: đứa lấy chồng nước ngoài, đứa làm bà chủ đầm tôm, đứa vào Sài Gòn rồi cũng thành bà chủ buôn bán ô tô cũ,… Nói chung là khá nhiều “chủ”. Các bạn tôi giờ hầu hết là khá giả, đứa nào cũng có của ăn của để, báo hiếu cha mẹ ra tấm ra món. Các bậc sinh thành của chúng nó tha hồ mãn nguyện. Chúng nó bây giờ long lanh trong mắt bố mẹ, vậy nên chả bố mẹ đứa nào còn thấy tấm gương, là tôi hồi bé, sáng nữa cả, vì vốn dĩ gương đang rất mờ. Trái lại, chính tôi mới phải loay hoay tìm cách soi mình vào chúng nó, nhưng rồi cũng chả biết phải phấn đấu ra làm sao.
Nói vậy để biết rằng lúc đi học không giỏi chưa hẳn đã là người không giỏi. Bạn tôi phải giỏi lắm nó mới biết cầm tiền tỉ trong tay mà cho sinh sôi nảy nở, biết điều hành mấy chục công nhân, giao dịch, đàm phán thành công với đối tác. Tóm lại, chúng nó thành đạt như vậy chắc chắn là phải giỏi rồi. Còn vợ chồng tôi bây giờ sống bằng lương viên chức, muốn mua sắm đồ đạc gì là phải có kế hoạch tằn tiệm trước. Muốn báo hiếu với cha mẹ thì cũng chỉ mang tính nghĩa cử, tinh thần là chính. Con cái của bạn tôi học trường quốc tế, rồi được đi du học ở Mĩ, Canada,…. Con gái tôi dù được bố mẹ kèm cặp từ bé, cứ còng lưng để học nhưng cũng chỉ có thể đi đến trường chuyên của tỉnh…. Ngẫm ra thấy mình đối với cha mẹ, đối với con cái đều chả được bằng bạn mình. Hay tại mình chọn nghề sai…
Nay con gái tôi sắp thi đại học…
Chả hiểu duyên nghiệp thế nào mà tôi cứ muốn con thi vào sư phạm. Cháu không thích nên không đồng ý. Cháu bảo muốn được đi du học. Nhưng tranh được một suất học bổng thì cực khó, tự túc thì lại càng không. Vậy là cháu chọn con đường thi vào ngành nào có cơ hội được cấp học bổng đi du học cao nhất. Con bé mới bước sang tuổi 18, nhưng phải nói kế hoạch của nó đủ sức thuyết phục tôi về tính khả thi, sự cụ thể và cả tầm nhìn. Ấy vậy nhưng tôi vẫn cứ lo. Vì con tôi chọn khoa Hàn Quốc học của trường đại học KHXHNV, mà theo tôi, cái ngành ấy không giúp cháu có một chuyên môn gì cụ thể, phạm vi tìm kiếm công việc lại hạn hẹp, trong khi cháu là học sinh chuyên Anh, đủ sức để thi một ngành có “tầm cỡ” hơn.
Vậy là lại loay hoay, chả biết nên ép con theo ý mẹ hay mẹ sẽ mạo hiểm theo mong muốn của con. Ép con thì tôi cũng không tự tin lắm, vì làm giáo viên như tôi thì cuộc sống cũng còn nhiều ước mơ khó mà thực hiện được. Còn mạo hiểm theo con thì lại lo lắng, hồi hộp vì có vẻ không chắc chắn.
Nuôi con 18 năm, cảm xúc thăng hoa, hạnh phúc cũng khá nhiều, lo âu lại càng không ít. Và cảm xúc đứng trước một quyết định cho tương lai của con mới thực sự khó khăn. Ai đã làm cha mẹ nhiều hơn 18 năm, đã qua những quyết định như tôi lúc này, hẳn sẽ hiểu nỗi lòng người làm mẹ như tôi.
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết cho con” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!