Vì sao bé 3 tuổi vẫn chưa nói rõ ?

Bé nhà em 3 tuổi, bị chậm nói, chỉ nói được những từ đơn giản, nói câu ghép rất ngọng, tiếp thu, nhận thức kém. 

Em đang cho cháu học trường mầm non bình thường với các bạn khác. Đi học cháu cũng có tiến bộ nói thêm được nhiều từ đơn. Em chưa cho đi khám vì bà nội cháu bảo từ từ rồi con sẽ nói được. Tuy nhiên, em vẫn thấy lo lắng, muốn được nghe lời khuyên của chuyên gia. (Hải Trâm)

Vì sao bé 3 tuổi vẫn chưa nói rõ ?

Ảnh minh họa: Sciencedaily.com.

Trả lời

Chào bạn,

Để bạn xác định được rõ hơn mức độ tình trạng chậm nói của con, chúng tôi cung cấp cho bạn một vài thông tin dưới đây:

Đối với bé 3 tuổi, về mặt ngôn ngữ cần đạt được mốc phát triển đó là: Vốn từ khoảng 900 từ; Nói trọn câu ngắn dễ dàng (khoảng 3-4 từ); Trả lời đầy đủ họ; tên; Bắt đầu dùng ngôn ngữ phức tạp hơn; Biết đặt câu hỏi: Ai? Ở đâu? Cái gì? Vì sao? Dùng đại từ: con, mẹ, cô ấy, bạn ấy… Dùng từ: và, bởi vì; Sử dụng câu phủ định: không, không có; Dùng nhiều từ chỉ vị trí; hiểu khái niệm thời gian: hôm nay, ngày mai, hiểu cái nào không có ở đây. Hiểu được 2- 3 động từ, mệnh lệnh trong một câu.

Trường hợp bé nhà bạn chậm phát triển ngôn ngữ so với độ tuổi. Việc bị cản trở về mặt ngôn ngữ diễn đạt và ngôn ngữ nghe hiểu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về mặt giao tiếp và nhận thức của bé. Trước hết, để xác định chính xác tình trạng nặng nhẹ, đặc biệt tìm ra nguyên nhân khiến bé chậm phát triển về ngôn ngữ thì cách tốt nhất bạn nên đưa con đi thăm khám lâm sàng cả về mặt y học lẫn tâm lý để bác sĩ có những chẩn đoán kịp thời và từ đó đưa ra hướng can thiệp sớm nhất cho con. Bạn đừng quá lo lắng, bởi theo như chia sẻ thì bé nhà bạn cũng đã có những tiền đề nhất định về mặt ngôn ngữ và có tiến bộ khi đi học, nếu được can thiệp sớm thì khả năng ngôn ngữ của bé chắc chắn sẽ được cải thiện.

Bên cạnh đó chúng tôi cũng có một vài lời khuyên khi chăm sóc con dành cho bạn, đó là: Bạn và những người thân trong gia đình nên tạo cho bé một môi trường ngôn ngữ thật tốt (không phải qua TV, điện thoại, máy tính…) mà thông qua việc trò chuyện cùng con, đọc thơ, đọc truyện, hát cho con nghe, dạy con học nói mọi lúc mọi nơi để phát triển khả năng về ngôn ngữ cũng như nhận thức cho bé. Lúc dạy con học nói, bạn nên bắt đầu từ những gì bé có, dạy con nói các từ đơn nhưng cần chú ý phát âm rõ ràng, chậm để bé nhìn khẩu hình miệng và dần bắt chước theo, rồi từ từ phát triển thêm từ đôi, câu đơn giản…

Trước những đòi hỏi của bé, bạn không nên đáp ứng ngay mà nên kích thích để bé thể hiện ra bằng lời nói nhu cầu của mình. Ví dụ, bé muốn uống nước thì mẹ dạy bé phải nói được “uống”, “nước”, “uống nước” hay “Mẹ ơi! Nước”… rồi mới đưa cho bé. Tương tự muốn ăn bim bim thì phải nói “ăn” hoặc “bim bim”, “ăn bim bim”, hoặc nói “xin”, “xin ạ” khi được mẹ cho… Người lớn cũng nên dành lời khen tặng cho bé, đáp ứng nhu cầu ngay xem như phần thưởng dành cho bé để khích lệ bé lặp lại những lần sau.

Tìm bạn bè cho bé, mở rộng mối quan hệ với bạn bè cùng lứa tuổi hoặc anh chị lớn hơn để cho bé chơi cùng. Khi chơi bé sẽ phát triển được khả năng ngôn ngữ của mình.

Việc bạn cho bé đến trường đem lại hiệu quả trông thấy, là biện pháp rất tốt tạo điều kiện thuận lợi để bé có môi trường giao tiếp, phát triển ngôn ngữ.

Chúc bạn và gia đình luôn gặp nhiều niềm vui!

Thạc sỹ tâm lý học Nguyễn Thị Quỳnh Trang
Chuyên gia tâm lý trường Mầm non Hoàng Gia

Theo VnExpress

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN